Ngày 14/7, trả lời VnExpress, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết hội đồng sẽ gồm các chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa tại các bệnh viện, Hội Y học thành phố. Để có dữ liệu, thông tin đầy đủ về bệnh lý này, các bệnh viện đang tổng hợp tình hình tiếp nhận, điều trị những ca hoại tử xương sọ, hàm mặt trong thời gian qua.
"Các chuyên gia sẽ đánh giá ban đầu về những vấn đề của bệnh lý trên cơ sở khoa học, tiếp tục khảo sát các yếu tố có liên quan và không vội vàng quy kết cho nguyên nhân Covid do dễ gây ra tâm lý hoang mang cho người dân", ông Thượng nói.
Theo người đứng đầu ngành y tế thành phố, bệnh lý này là vấn đề mới, cần phân tích ở nhiều khía cạnh như vi sinh, giải phẫu bệnh, thần kinh, dược lâm sàng... để đưa ra bằng chứng khoa học. Các chuyên gia nhận định về bệnh cũng giúp ngành y tế có thêm dữ liệu giám sát trong thời gian tới.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các bệnh viện tại TP HCM như Răng Hàm Mặt Trung ương, Tai Mũi Họng, Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều bệnh nhân hoại tử xương sọ, xương vùng hàm mặt, hai trường hợp tử vong. Trong đó, số bệnh nhân hoại tử xương hàm trên không rõ nguyên nhân tăng bất thường, bởi trước đây bệnh viện chỉ thỉnh thoảng tiếp nhận bệnh nhân hoại tử xương hàm dưới, do xạ trị ung thư hoặc liên quan bệnh tiểu đường. Các bệnh viện chưa xác định được nguyên nhân gây hoại tử xương ở những bệnh nhân gần đây, song điểm chung là họ từng mắc Covid-19, không có tiền sử bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt.
Y văn thế giới ghi nhận khoảng 80 ca viêm hoại tử xương sau Covid trong đợt dịch do chủng Delta hồi năm ngoái, trong đó một số ca do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng. Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như sưng mặt, đau mắt, nhức đầu, lung lay cả răng lẫn khối xương hàm, chảy mủ, sưng đau vòm miệng, có những vết loét và lộ xương hàm trên...
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định bệnh này có liên quan đến Covid-19 hay không. Nguyên nhân của tình trạng hủy xương thường do tắc mạch, giảm máu nuôi dẫn đến hoại tử, hoặc có thể do các yếu tố bên ngoài như vi sinh vật tấn công làm viêm nhiễm xương. Bác sĩ giả thuyết là cơ thể người mắc Covid bị rối loạn miễn dịch kéo dài, cộng với bệnh lý nền sẵn đó, có thể dẫn đến nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM, y văn đưa ra 4 yếu tố nguy cơ gây hoại tử xương hàm trên. Thứ nhất, nCoV bám vào thụ thể ACE2 (có nhiều ở niêm mạc mũi, miệng) gây biến chứng mạch máu, có khả năng làm tắc mạch máu nuôi xương và việc mắc Covid-19 còn gây tăng đông máu, giảm máu nuôi dưỡng xương dẫn đến hoại tử. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc corticoid (kháng viêm) trong phác đồ điều trị Covid-19 cũng có thể làm việc nuôi dưỡng của xương kém đi. Yếu tố nguy cơ khác là bệnh nhân bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm. Cuối cùng, bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt bệnh tiểu đường sẽ dễ hoại tử xương do bệnh làm giảm nuôi dưỡng của mạch máu, giảm sức đề kháng ảnh hưởng chức năng bạch cầu nên dễ bội nhiễm...
Lê Phương