Tại Hội nghị trực tuyến của ngành lao động toàn quốc chiều 15/10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết khoảng 143.000 công nhân các tỉnh đã quay lại địa bàn làm việc.
Tuy nhiên, thành phố hiện vẫn thiếu gần 60.000 lao động trong các khu công nghệ cao, nhất là giày da, may mặc, cơ khí chế tạo, công nghệ lương thực, thực phẩm. "Chúng tôi quyết tâm tạo cơ chế thông thoáng và mong muốn các tỉnh thành tạo điều kiện cho công nhân sớm quay lại làm việc", ông Tấn nói.
Tại Đồng Nai, khoảng 82% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Các công ty đang chuyển hướng dần từ "ba tại chỗ" sang "một cung đường, hai điểm đến", cho công nhân về nhà sinh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Số lao động quay lại làm việc tăng lên từng ngày, đạt trên 50 % và sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Tỉnh cũng đã thống nhất với TP HCM về phương án đi lại cho lao động trở lại làm việc, trước mắt đưa đón tập trung và bằng phương tiện cá nhân. Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai đề nghị các cấp quan tâm đầu tư hơn với sàn giao dịch việc làm, để thu hút nhiều lao động tới đăng ký.
Theo bà Huỳnh Thị Thùy Trang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Bình Phước, phần lớn doanh nghiệp tỉnh này đã trở lại hoạt động, khi toàn bộ công nhân được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Công nhân trong các khu công nghiệp dù nghỉ giãn việc nhưng vẫn ở lại nhà trọ. Bình Phước đang có khoảng 55.000 lao động đang tạm ngừng, nghỉ việc không lương. Bà Trang cho biết, tỉnh phấn đấu đưa khoảng 25.000 lao động trở lại làm việc trong tháng 10, số còn lại trong tháng 11.
Hàng nghìn doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, trong khi đó nhiều lao động đã trở về quê, nhất là lao động chuyên cạo mủ cao su thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Ngành lao động Bình Phước cố gắng cung ứng lực lượng có sẵn trong tỉnh và kết nối với các tỉnh Tây Nguyên để sớm đưa công nhân trở lại thành phố.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua lao động về quê khá lớn, chủ yếu làm công việc tự do và khu vực ngoài FDI. Riêng TP HCM trên 600.000 người di chuyển về các tỉnh.
Ông đề nghị các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM - tam giác công nghiệp tập trung hàng triệu lao động phía Nam, sớm có báo cáo riêng về tình hình thừa, thiếu lao động. Địa phương cần thống kê rõ thiếu hụt lao động ở ngành nào, doanh nghiệp thuộc khu vực nào... để các cơ quan có biện pháp điều tiết lao động cho những nơi này.
Các tỉnh cần tạo điều kiện đi lại cho doanh nghiệp đưa đón công nhân. Bộ trưởng Dung cho hay một doanh nghiệp chuyên sản xuất đế giày, đóng tại tỉnh Tiền Giang đã nhắn tin cho ông, "than thở" khó đưa 400 công nhân đi làm trở lại, dù nằm trong vùng xanh và cam kết an toàn phòng chống dịch. Trong khi đó, các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh, Long An đều đã mở cửa để doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Ông Dung đề nghị giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tiền Giang sớm báo cáo lại với lãnh đạo tỉnh về việc này. Bởi công ty nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, "đế giày mà không làm được thì không thể thúc đẩy các khâu khác".
Từ 1/10, TP HCM và một số tỉnh lân cận nới lỏng giãn cách sau nhiều tháng liền siết chặt theo Chỉ thị 16. Sau khi lệnh nới lỏng được công bố, rất nhiều lao động và công nhân, nhất là các tỉnh miền Tây đã đi xe máy về quê.
Hồng Chiêu