Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 26/4 cho biết môn Ngữ văn có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất - hơn 7.500, kế đến là Toán - hơn 6.600. Môn có ít đăng ký nhất là Sinh học, chỉ có 380 thí sinh.
Với số lượng thí sinh nhiều gấp 2,5 lần so với năm ngoái, trường bố trí hơn 290 phòng thi tại Hà Nội, Quy Nhơn, Đà Nẵng. Tại Hà Nội, ngoài các điểm thi trong khuôn viên Đại học Sư phạm Hà Nội, trường còn bố trí các phòng thi ở trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các môn thi được tổ chức gói gọn trong một ngày là 11/5.
2024 là năm thứ ba Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Đề thi kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận, Tiếng Anh có tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm - tự luận là 80-20%, các môn còn lại là 70-30%.
Các câu hỏi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, đánh giá theo mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp trên giấy.
Kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ được công bố trước ngày 1/6.
9 trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, gồm Đại học Sư phạm Hà Nội; Sư phạm Hà Nội 2; Sư phạm TP HCM; các trường Sư phạm thuộc Đại học Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên; Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn và Đại học Y Dược Thái Bình.
Hiện cả nước có gần 10 kỳ thi xét tuyển đại học riêng, đông nhất là kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, kỳ thi đánh giá tư duy của Bách khoa Hà Nội và kỳ thi của các trường công an.
Hơn một trăm trường đại học sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh đầu vào, bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT và một số phương thức khác.