Chiều 12/7, ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, liên quan đến việc tự ý chôn lấp 100 tấn chất thải, hiện đơn vị đã dừng hợp đồng vận chuyển chất thải đối với Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Theo ông Hòa, trang trại nơi chôn lấp chất thải nằm ở thôn Hoàng Trinh (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh) rộng khoảng 10 hécta. Trước kia trang trại thuộc sở hữu của ông, tuy nhiên nhiều năm nay ông đã nhượng lại cho một chủ doanh nghiệp tên Hải để nuôi trâu, bò, dê và trồng tràm. Khu vực nơi phát hiện chôn chất thải của Formosa rộng khoảng 300 m2, sâu khoảng một mét.
Ông Lê Quang Hòa cho rằng "nếu đó là chất thải nguy hại thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan kiểm tra, ông không sai". Ảnh: Đức Hùng |
Giữa Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh và Formosa có hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải từ lâu, tuy nhiên đối với loại chất thải bùn đen vừa bị phát hiện thì mới diễn ra được khoảng hơn một tháng. Khi vận chuyển chất thải này, công ty đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phân tích bùn, xác định đây là bùn thông thường không có độc hại.
Ông Hòa dẫn văn bản kiểm tra từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) ngày 18/1/2016. Theo đó, những chất thải trên là bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp tro và than cốc, bùn than cốc từ lò cốc số 1 xưởng luyện cốc của Formosa.
Kết quả phân tích từ Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho thấy, các thông số phân tích 2 mẫu bùn ép và 2 mẫu bùn than cốc, tro than cốc tại các xưởng xử lý nước thải và xưởng luyện cốc của Formosa cho thấy đều có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại tính theo hàm lượng tuyệt đối cơ sở. Điều này đồng nghĩa đây là chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Trước nghi vấn đây không phải chất thải thông thường, ông Hòa cho rằng nếu kết quả kiểm tra kết luận đó là chất thải nguy hại thì sai phạm, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng đã kiểm tra trước đây. "Tôi không có lỗi. Bùn đen đó có giá trị như phân bón, tôi thường lấy về trồng cây", ông Hòa khẳng định.
Đến chiều 12/7, tại hiện trường nơi chôn lấp hơn 100 tấn chất thải của Formosa, nhà chức trách Hà Tĩnh đã cho lấp hố chôn, xung quanh còn sót lại bao bì và vương vãi một ít bùn đen. Ông Nguyễn Sĩ Hòa, Tổ phó quản lý trật tự đô thị thị xã Kỳ Anh cho biết, tuy chất thải đã được chôn lấp, song vẫn còn mùi hôi, giống như mùi đạm lân kali, nồng độ rất cao.
Xung quanh trang trại có khe nước Tò Vò chảy ra đập Mộc Hương - cung cấp nước từ thượng nguồn về xuôi. Việc chôn lấp chất thải nếu ngấm vào lòng đất có thể gây nguy hiểm, khi mưa xuống sẽ đe dọa trực tiếp sức khỏe nhiều người.
Trang trại trồng rất ít cỏ và nuôi vài gia súc
Một nguồn tin cho biết, trang trại này là của ông Lê Quang Hòa, tuy nhiên sau sự việc, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh đã đùn đẩy là của chủ doanh nghiệp tên Hải. Trên thực tế, chủ này là ông Lê Thanh Hải, anh trai ông Hòa.
Ông Trương Công Bình, Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh thông tin, theo xác nhận của địa chính thì trang trại này là của ông Lê Quang Hòa.
Trước việc Giám đốc Công ty Môi trường giải thích chôn lấp chất thải để dùng trồng cỏ, làm trang trại nuôi bò, dê, Bí thư phường Kỳ Trinh phản bác: "Nếu trồng cỏ thì phải có quy trình báo cáo xã, phải có nuôi nhiều bò và gia súc. Đằng này chỗ đó bò được vài con, cỏ thì trồng trong khoảng 300 m2".
Theo quan sát của phóng viên, trong trang trại chỉ có vài con bò, gà, vịt và ngỗng.
Hà Tĩnh làm việc với Formosa về nguồn chất thải
Sáng 12/7, Phòng cảnh sát Môi trường (Công an Hà Tĩnh) đã mời ông Lê Quang Hòa (Giám đốc công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh) để làm việc về vấn đề này, bước đầu ông Hòa cho hay đã báo cáo đầy đủ sự việc bằng văn bản. Chiều cùng ngày, vị này cùng một số cơ quan chức năng Hà Tĩnh làm việc với Formosa.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn hỏa tốc, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường, UBND thị xã Kỳ Anh và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra thông tin, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và báo cáo Chủ tịch tỉnh trước 10h ngày 13/7.
Trước đó chiều 11/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng đoàn liên ngành đã lập biên bản đối với Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh về việc tự đào hố rộng khoảng 300 m2, sâu một mét chôn lấp khoảng 100 tấn chất thải của Formosa tại trang trại ở thôn Hoàng Trinh (phường Kỳ Trinh).
Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh hôm 30/6 thừa nhận là thủ phạm xả thải khiến cá biển ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt. Cụ thể quá trình vận hành thử nghiệm nhà máy đã dẫn đến nước thải từ lò luyện cốc xả ra biển có chứa độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.
Lãnh đạo công ty đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, xử lý ô nhiễm, đồng thời đầu tư hoàn thiện hệ thống xả thải.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chiều 12/7 đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc chôn lấp rác thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Hiệp Formosa Hà Tĩnh tại trang trại của Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh. Trường hợp đúng sự thật như báo chí nêu thì phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng kết quả. |
Đức Hùng
Xem thêm:
>> Hà Tĩnh yêu cầu Formosa lắp thiết bị quan trắc tự động khí thải
>> Quy trình xa thải của Formosa Hà Tĩnh