So với hôm qua, số F0 nặng và nguy kịch hôm nay tăng thêm 60 ca, theo số liệu của CDC. Thời gian qua, số này tăng thêm mỗi ngày khoảng 50-60 trường hợp. Bộ Y tế đang cùng TP HCM thiết lập nhiều khu hồi sức, liên tục nâng công suất giường điều trị bệnh nhân nặng.
Sau một tuần khánh thành, Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 (ICU) do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phụ trách, đặt tại Bệnh viện dã chiến 16 (quận 7, TP HCM) đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng. Đây là một trong bốn trung tâm ICU do Bộ Y tế cùng TP HCM triển khai, dành cho F0 nặng, nguy kịch, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương phụ trách. Các trung tâm thuộc tầng 5, tầng cao nhất trong mô hình điều trị tháp 5 tầng của thành phố.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, chịu trách nhiệm ở trung tâm ICU quận 7, cho biết số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận bệnh của trung tâm là 0787 515 940 và 02835 358 553, những ngày qua luôn dồn dập các cuộc gọi. Trường hợp bệnh nhân cấp cứu vào nhiều cùng một lúc, bệnh viện sẽ huy động tối đa lực lượng để ứng phó, theo bác sĩ Sơn.
Mỗi phòng cấp cứu đều có chuông báo động, các hoạt động được kết nối với trung tâm điều hành qua hệ thống camera. Bất cứ biến chuyển nào của bệnh nhân đều được bác sĩ nắm bắt ngay để có hướng điều trị hợp lý. Bệnh nhân Covid-19 nặng có đặc thù chuyển biến nhanh nên hiện tại các y bác sĩ đều phải tăng công suất.
Theo bác sĩ Sơn, đến nay 20 ca tại trung tâm đã hồi phục, chuyển nhẹ dần. Các bệnh nhân khác được áp dụng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Bệnh viện Bạch Mai đã đưa 250 y bác sĩ từ Hà Nội vào làm việc cùng các chuyên gia từ nhiều cơ sở y tế khác.
Trung tâm chuẩn bị nâng công suất 500 giường hồi sức tích cực. Để đáp ứng số lượng này, bệnh viện cần bổ sung thêm nhân lực, nhất là về lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Dự kiến vài ngày tới, sẽ có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng từ các nơi chi viện đến. Bệnh viện cũng đang xây dựng danh mục máy móc thiết bị, thuốc, kỹ thuật, sinh phẩm để bổ sung từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Tổng kho ở TP HCM, hy vọng đáp ứng được việc điều trị các ca bệnh nặng.
Bác sĩ Sơn chia sẻ thêm, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đã đến rất nhiều "chiến trường" để chiến đấu với Covid-19 như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang.
"Lần này vào TP HCM thấy thật sự số lượng bệnh nhân và quy mô nhiễm bệnh ở đây cực lớn. Số ca mắc, số nguy kịch rất nhiều. Đó cũng là lo lắng và trăn trở hàng ngày của các thầy thuốc để làm sao cứu được nhiều người nhất", bác sĩ Sơn nói.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2, sáng 14/8 đang điều trị 695 bệnh nhân, trong đó 181 trường hợp nặng và 258 người nguy kịch.
Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM, cho biết từ khi hoạt động ngày 15/7 đến nay, nơi này tiếp nhận gần 1.400 bệnh nhân. Hiện, 126 người khỏi bệnh xuất viện, nhiều trường hợp chuyển độ nhẹ hơn được chuyển xuống điều trị tại các bệnh viện tầng dưới.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 400 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 123 ca nặng, 69 nguy kịch. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1.624 trường hợp.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi, tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 ngày 13/8, nhận định dịch trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca dương còn cao, số ca cần điều trị, ca tử vong còn nhiều. Nhu cầu chữa trị quá tải so với năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế. Vì vậy, nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới phải cố gắng tập trung, ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương, giảm ca chuyển nặng để điều trị thật tốt, giảm tử vong.
Từ 27/4 đến sáng nay, hơn 142.600 trường hợp mắc Covid-19 cộng đồng được Bộ Y tế công bố tại TP HCM. Trong số bệnh nhân đang điều trị hôm nay, có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi. Ngày 13/8, thêm 2.175 bệnh nhân xuất viện.