Thông tin được Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi nói tại cuộc họp báo cung cấp thông tin công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn trưa 13/8. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 137.000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, bước qua ngày thứ 36 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường.
Theo ông Mãi, dịch trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca dương còn cao, số ca cần điều trị, ca tử vong còn nhiều. Nhu cầu chữa trị quá tải so với năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế. Vì vậy, nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới phải cố gắng tập trung, ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương, giảm ca chuyển nặng để điều trị thật tốt, giảm tử vong.
"Vùng đỏ trên bản đồ Covid-19 thành phố vẫn còn nhiều nên cần phải nỗ lực nhiều để xanh hóa bản đồ. Chúng ta đã cố gắng nhiều tháng qua nhưng thực tế vừa qua như thế", ông Mãi nói và cho biết từ đây đến ngày 15/9, thành phố sẽ cố gắng chuyển biến tình hình thêm một bước, chứ không phải đến thời điểm đó có thể giải quyết hết dịch.
Lãnh đạo Thành ủy cho hay Chính phủ đã có Nghị quyết 86 đánh giá rõ tình hình, chủ trương và nhiệm vụ cụ thể đến ngày 15/9, TP HCM kiểm soát được dịch. Chính phủ giao Bộ Y tế xác định tiêu chí và cũng là mục tiêu, nhiệm vụ thành phố phải phấn đấu trong 30 ngày sắp tới. Thành phố đang khẩn trương cùng Bộ Y tế xây dựng mục tiêu của Nghị quyết 86 đến ngày 15/9 và cả sau đó.
"Chủ nhật này thành phố có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch. Trong đó, từ đây đến 30/8 thành phố cố gắng sàng lọc, đánh giá nguy cơ từng địa bàn theo 'vùng xanh', 'vùng đỏ' để có biện pháp phù hợp", ông Mãi nói và cho biết việc này phải làm thận trọng để dịch không lây lan.
Dẫn chứng tình hình dịch ở New York (Mỹ), Ấn Độ và nhiều nơi khác nghiêm trọng hơn, dù dịch đã đạt đỉnh nhưng vẫn tiếp diễn 4-5 tháng, ông Mãi cho rằng dịch tại TP HCM còn kéo dài, nên cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý "trường kỳ kháng chiến". Việc giãn cách trước mắt đến ngày 15/9 và cũng có thể dài hơn ở những cấp độ khác nhau.
Theo lãnh đạo Thành uỷ, vấn đề mà thành phố quan tâm khi kéo dài giãn cách phải bảo đảm an sinh xã hội. Việc này không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu mà phải ổn định tâm lý người dân. "Khó khăn có thể kéo dài nên thành phố sẵn sàng gói an sinh xã hội thứ 3, kể cả thứ 4, bảo đảm chăm lo cho bà con", ông Mãi nói và cho hay cơ quan chức năng đang kiểm tra, xử lý tình trạng tăng giá một số mặt hàng khan hiếm hay giá dịch vụ mai táng.
Trước đó, đánh giá về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn thời gian qua, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết bình quân trong 7 ngày (từ 5/8 đến nay), mỗi ngày thành phố ghi nhận 3.687 ca nhiễm, chủ yếu trong các khu phong tỏa. Cụ thể, 78,6% ca nhiễm trong khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% qua sàng lọc tại các bệnh viện.
Đến nay, 62.986 trường hợp điều trị khỏi, 32.629 trường hợp đang điều trị, 1.158 bệnh nhân nặng, 16 người đang nguy kịch, phải dùng ECMO; 10.421 F0 đang điều trị tại nhà, 12.290 F0 đã điều trị hơn 7 ngày có nồng độ virus thấp được theo dõi tại nhà theo quy định Bộ Y tế.
"Vấn đề thành phố phải quan tâm nhất hiện nay là tỷ lệ tử vong ở mức cao, trung bình 241 ca mỗi ngày trong thời gian gần đây", ông Đức nói và cho biết thành phố đã nâng cao hiệu quả điều trị, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong sắp tới tại tất cả quận huyện. Trong đó, phải giảm được ca bệnh chuyển nặng từ những tầng 2-3, góp phần giảm áp lực cho các tầng trên.
Cũng theo lãnh đạo UBND thành phố, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương, các bệnh viện tuyến đầu của cả nước, TP HCM đã đưa vào hoạt động 4 trung tâm hồi sức tích cực quy mô 1.750 giường, nâng cao hiệu quả trung tâm cấp cứu 115, lập 5 trung tâm cấp cứu vệ tinh, các tổ phản ứng nhanh, cấp cứu ở phường, xã...
"Dịch vẫn phức tạp vì đã thấm sâu trong cộng đồng, số ca nhiễm gần đây có xu hướng giảm, đi ngang nhưng chưa bền vững. Dự kiến sau ngày 15/8, số F0 mới vẫn ở mức 3.000 ca mỗi ngày", ông Đức nói và cho biết nếu không quyết liệt, thành phố sẽ khó giữ vững kết quả đạt được, thậm chí tình hình xấu đi.
Cũng theo ông Đức, căn cứ Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt mục tiêu TP HCM kiểm soát dịch trước ngày 15/9, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trong một tháng tới, chia làm 2 giai đoạn. "Mỗi giai đoạn có nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, với quyết tâm đến giữa tháng 9 sẽ kiểm soát được dịch", ông Đức nói và cho biết kế hoạch này sẽ sớm được công bố.
Lãnh đạo UBND thành phố nói rằng, dù biểu đồ số ca nhiễm mới đi ngang nhưng số ca tử vong vẫn rất cao, nên thành phố vẫn phải tập trung các biện pháp mạnh để giảm F0 nguy cơ trở nặng. Trong đó, quan trọng nhất biện pháp giãn cách xã hội, cách ly nghiêm giữa nhà với nhà, đặc biệt là trong các khu phong tỏa – khu vực chiếm gần 80% các ca F0 mới.
"Phải thật sự giảm được số ca F0 phát sinh ở khu vực này. Muốn làm được điều đó phải giãn cách nhà với nhà. Những nhà nào không có F0 sẽ tiếp tục duy trì, trường hợp không may phát hiện F0 cùng lắm chỉ lây trong gia đình", ông Đức nói và cho biết rất tiếc thời gian qua hầu như gia đình ghi nhận ca F0 là cả nhà sau đó đều nhiễm bệnh.
Hữu Công