Theo cáo buộc của nhà chức trách Quảng Nam, năm 2018, Sun Xin, Wu Jian Chao cùng một số người đồng hương Trung Quốc đến Việt Nam tổ chức cho vay nặng lãi. Họ lập 65 app trong đó riêng Great Vay đã cho trên một triệu người Việt vay.
Đường dây đã ký hợp đồng với nhiều công ty trung gian để giúp nhóm nghi can cầm đầu người Trung Quốc che giấu các khoản lợi nhuận kếch xù. Nhóm này dùng 5.000 tài khoản ngân hàng không chính chủ để luân chuyển dòng tiền.
Đến lúc bị bắt tháng 7/2023, đường dây đã cho hơn một triệu người trên toàn quốc vay lãi nặng trên 20.000 tỷ đồng, qua đó thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng. Chúng tổ chức rửa tiền và chuyển trái phép trên 5.000 tỷ đồng ra khỏi Việt Nam. Điều tra vụ án này, công an truy ra nhóm chuyển hơn 1.400 tỷ đồng ra khỏi Việt Nam.
Trung gian chuyển tiền qua mạng
Bản án tuyên ngày 10/5 của TAND tỉnh Quảng Nam xác định Võ Thị Hoa, 31 tuổi, trú tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, làm hướng dẫn viên du lịch. Năm 2019, bị cáo được một người Trung Quốc có tên trên mạng xã hội "Anh trai Việt Nam" kết bạn làm quen. Người này nhờ Hoa giúp chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Để dòng tiền qua biên giới, Hoa giao dịch với Giản Thị Lành (chưa rõ lại lịch). Mỗi khi "Anh trai Việt Nam" có nhu cầu chuyển tiền, Hoa hỏi Lành để báo giá nhân dân tệ. Ví dụ, Lành báo tỷ giá một đồng nhân tệ 3.000 đồng thì Hoa báo lại cho khách 3.004 đồng, hưởng chênh lệch.
Giao dịch được chấp nhận, "Anh trai Việt Nam" gửi tiền vào tài khoản cho Hoa và số tài khoản ngân hàng Trung Quốc. Giao dịch thành công, Lành sẽ chụp lại biên lai và chuyển cho Hoa. Với cách thức này, Hoa giúp "Anh trai Việt Nam" chuyển hơn 300 triệu đồng ra khỏi Việt Nam.
Sau lần này, Hoa nhận được nhiều tài khoản trên mạng xã hội là người Trung Quốc kết bạn "đặt hàng". Đầu xuôi đuôi lọt nên "đơn hàng" đến Hoa ngày càng đông. Ngoài nhờ Lành, Hoa biết Đỗ Lê Trí, 37 tuổi, Hà Nội quen biết trong nhóm hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc.
Nhận đơn hàng, Trí không thực hiện chuyển tiền nhân dân tệ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng Trung Quốc nên liên hệ với Ngô Quỳnh Hoa, 33 tuổi, Hà Nội. Quỳnh Hoa nhờ hai người tên Li và Lin thực hiện để hưởng chênh lệch tỷ giá. Dòng tiền qua người này đến người khác và đích là tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc.
Trong số nhiều khách hàng, Hoa có nhận tiền từ các tài khoản của đường dây cho vay nặng lãi 20.000 tỷ đồng do Sun Xin cầm đầu, với số tiền hơn 71 tỷ đồng. Hành vi này bị Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện tháng 7/2023. Trích xuất dữ liệu in sao khê, nhà chức trách cáo buộc Hoa đã chuyển hơn 551 tỷ đồng sang Trung Quốc, hưởng lợi khoảng 500 triệu đồng.
Truy vết theo dòng tiền của nhóm tín dụng đen, ngoài Hoa cảnh sát phát hiện đường dây chuyển tiền qua Trung Quốc do Lục Yến Hồng, 42 tuổi, TP HCM thực hiện.
Hồng khai trước đây làm hướng dân viên du lịch và có chồng người Trung Quốc, biết bà Đào Minh Đức, ở thành phố Lạng Sơn có thể đổi tiền đồng sang nhân dân tệ và chuyển đến Trung Quốc.
Hồng thấy nhiều Trung Quốc làm việc, sinh sống ở Việt Nam có nhu cầu chuyển tiền về nước hưởng chênh lệch một tỷ đồng thì nhận một triệu đồng. Hồng hỏi bà Đức rằng từ Việt Nam đồng chuyển sang dân tệ cho các tài khoản ở Trung Quốc có không? Bà trả lời "có" vì sinh sống gần biên giới và quen biết người Trung Quốc qua lại giao thương.
Sống cách nhau gần 2.000 km nhưng trên không gian mạng mọi giao tiếp trở nên dễ dàng. Từ năm 2018, Hồng chuyển tiền đồng cho bà Đức đổi sang nhân dân tệ, rồi chuyển qua Trung Quốc.
Trước khi "chốt đơn", Hồng thống nhất tỷ giá. Ví dụ, bà Đức báo tỷ giá 3.000 đồng một nhân tệ thì Hồng báo lại cho khách 3.001 để hưởng chênh lệch. Thỏa thuận thành công, Hồng chuyển của khách đến bà Đức tiền kèm theo số tài khoản ngân hàng Trung Quốc.
Bà Đức nhận được tiền thì chỉ đạo con gái Lê Quỳnh Trang tìm người để đưa tiền qua biên giới. Với chiêu thức trên, nhà chức trách cáo buộc Hồng đã thông qua đường dây này chuyển sang Trung Quốc hơn 837 tỷ đồng, thu lợi bất chính 200 triệu đồng.
Liên quan đường dây này, Huang Kai, 39 tuổi và Shen Jian Zhong, 50 tuổi (cùng quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam làm ăn. Hai người trở thành bạn bè sau một lần đi gia hạn hộ chiếu.
Zhong có vợ là người Việt Nam ở TP HCM. Họ có hai công ty buôn bán vải sợi ăn nên làm ra. Năm 2023, Zhong muốn chuyển 5,4 tỷ đồng từ kinh doanh đem lại về cho bố mẹ già ở tỉnh Giang Tô.
Để chuyển tiền nhanh chóng đến quê nhà, Zhong hỏi Kai nhờ giúp đỡ. Vì Kai có vợ là Lục Yến Hồng (nêu ở trên) thường chuyển tiền qua Trung Quốc. Kai đồng ý giúp bạn chuyển số tiền này. Sau khi được chồng nhờ, Hồng chuyển tiền cho bà Đào Minh Đức. Số tiền về đến quê nhà, người thân của Zhong xây nhà, mua xe.
Tự bào chữa tại phiên toà, bị cáo Kai nói chỉ nói vợ chuyển tiền chứ mình không tham gia. Việc quy kết bị cáo vận trái phép tiền tệ qua biên giới không đúng.
Luật sư của Kai cho rằng chứng cứ ngân hàng không thấy là Kai thực hiện. Thân chủ của mình không nhận tiền, nguồn tiền do Hồng chuyển cho bà Đức nên quy kết tội danh là áp đặt. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Kai vô tội.
Còn Zhong cho rằng nguồn thu lời từ việc kinh doanh vải sợi là hợp pháp; muốn nhanh chóng chuyển tiền nên nhờ Kai, không biết hành vi này bị sai phạm. Bị cáo mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Phân tích hành vi của bị cáo, đại diện viện kiểm sát giải thích "tiền chuyển ra nước ngoài nếu hợp pháp là thông qua ngân hàng". Zhong không tuân thủ mà nhờ đường dây thực hiện là trái phép, vì thế bị truy tố là đúng.
Mua bán tiền ảo với đường dây cho vay nặng lãi
Theo cáo buộc, năm 2019 Nguyễn Quốc Đạt, 30 tuổi, ở Thanh Hóa được Sun Xin, người cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi 20.000 tỷ đồng nhờ mua bán nhân tệ chuyển vào vào tài khoản Trung Quốc. Anh ta giúp Sun Xin chuyển 1,7 tỷ đồng tiền Việt Nam đồng sang nhân dân tệ và hưởng lợi 3,2 triệu đồng.
Năm 2022, Đạt cùng Lâm Thị Ngọc Loan, 42 tuổi, TP HCM lập nhóm mua bán USDT trên Telegram để mua bán USDT. Đạt tìm kiếm khách hàng đưa vào nhóm để trao đổi, mua bán. Khi khách đồng ý sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Loan để chuyển thành USDT hoặc USDT sang tiền Việt Nam đồng vào tài khoản cho khách.
Trong hàng trăm khách hàng có Sun Xin là người của đường dây cho vay nặng lãi chuyển Việt Nam đồng đến cho Loan. Loan dùng tài khoản tiền ảo trên sàn Binance và ví Trust của mình chuyển cho Sun Xin 1.468.171 USDT tương đương 35 tỷ đồng (tỷ giá trung bình 24.000 đồng/USDT).
Loan bị cáo buộc nhiều lần chuyển tiền ảo 1.374.265 USDT tương ứng 32 tỷ đồng cho một người có biệt danh Athen, quốc tịch Đài Loan. Tổng số tiền Đạt và Loan chuyển cho Sun Xin và A Then là 68 tỷ đồng, hưởng lợi 42 triệu đồng.
Trích xuất từ sàn giao dịch Binance cung cấp ví tiền ảo Trust của Loan từ 6/2022 đến 7/2023 đã mua vào 254.851.189 UST tương đương 6.116.446.092.000 đồng. Bán ra 257.887.987 USDT tương đương 6.189.311.703.840 đồng (tỷ giá 24.000 đồng/USDT. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không xác định được Loan, Đạt mua bán cho khách hàng nào và không có căn cứ liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi nên không xem xét.
Trình bày tại tòa, Loan cho rằng biết sàn giao dịch Binance này chưa công nhận nhưng pháp luật không cấm. Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn khi tham gia tiền ảo nên cô nghĩ khi mở ví để kiếm lời.
Loan khai không biết Sun Xin là người cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng. Sun Xin là một trong hàng trăm khách hàng mua bán USDT giao dịch với mình. "Trên sàn thuận mua vừa bán để hưởng tiền chênh lệch", Loan trình bày.
Bào chữa cho bị cáo Loan, luật sư nói thân chủ không biết Sun Xin là người đầu đường dây cho vay nặng lãi. Sun Xin và Athen là một trong nhiều khách hàng trăm mà Loan mua bán USDT. Giữa Loan và hai người này không có quan hệ thân thiết, bàn bạc.
Theo luật sư, việc Loan bị truy tố về tội vận chuyển trái phép qua biên giới là không có căn cứ, bởi luật quy định "người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý" là vi phạm.
Trong khi đó Loan là nhà đầu tư trên sàn có nhiều người thuận mua vừa bán. Đây là giao dịch tự nguyện và pháp luật chưa có văn bản nào ngăn cấm việc này, tiền ảo chưa được công nhận, luật sư bào chữa.
"Loan là nhà đầu tư, bỏ tiền mua USDT để bán lại mong có được lợi nhuận. Số tiền Loan mua bán chưa cấu thành tội chuyển tiền trái phép qua biên giới", luật sư nói, cho hay hồ sơ vụ án chưa chứng minh số tiền này chuyển ra nước ngoài hay chưa nên gây bất lợi cho bị cáo.
Đại diện viện kiểm sát khẳng định việc mua bán tiền ảo chưa được Việt Nam cấp phép. "Khi tiền đưa lên ví tức là đưa ra khỏi biên giới, vì ví này giao dịch trên toàn thế giới. Bị cáo ngồi ở Việt Nam là bán được cho các nước", đại diện viện kiểm sát đối đáp với luật sư và cho rằng dùng tiền Việt Nam mua bán sang tiền ảo là phương thức mới để chuyển ra khỏi Việt Nam, nên không thể nói "có mang vác qua biên giới thì mới phạm tội".
HĐXX nhận định, Đạt chuyển cho Sun Xin 1,7 tỷ đồng đồng, hưởng lợi 3,2 triệu đồng. Loan và Đạt chuyển tiền USDT, kênh chuyền tiền bất hợp pháp chưa được pháp Luật Việt Nam công nhận. Hai bị cáo đã giúp cho Sun Xin và A Then chuyển tiền Việt Nam thành USDT chuyển lên bằng ví điện tử giúp họ chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hưởng lợi 42 triệu đồng.
Ngày 10/5, TAND Quảng Nam tuyên phạt Nguyễn Quốc Đạt, Lâm Thị Ngọc Loan, 42 tuổi, mức án 5 năm 6 tháng tù; Võ Thị Hoa và Lục Yến Hồng bị phạt 6 năm tù; Huang Kai và Shen Jian Zhong, mỗi người 5 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, sau hai ngày xét xử.
Liên quan đường dây này, Đỗ Lê Trí, Ngô Quỳnh Hoa, Đào Minh Đức và Lê Quỳnh Trang ngoài việc chuyển tiền cho Hoa và Hồng còn chuyển trái phép tiền tệ cho nhiều người khác. Các cơ quan tố tụng đang hoàn tất hồ sơ đưa ra xét xử bốn bị can này giai đoạn 3 của vụ án với hơn 100 bị cáo.