Sáng 18/10, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho hay mưa mưa lũ những ngày qua đã gây ngập lụt cục bộ một số khu vực trũng, thấp ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.
Quảng Bình có 23 xã với 1.326 hộ bị ngập, chủ yếu ở huyện Lệ Thủy. Tại Quảng Trị, 6 xã ven sông Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng và một số điểm thuộc thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, ngập cục bộ.
Thừa Thiên Huế cũng ngập cục bộ khu vực ven sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền.
Nhà chức trách cho hay mưa lũ khiến 3 người chết ở Nghệ An, Hòa Bình; ba người mất tích ở Quảng Bình, Quảng Trị. Trong đó, tại Quảng Bình, sáng 18/10, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) huy động lực lượng tiếp tục tìm kiếm anh Hồ Văn Sửu (24 tuổi, trú xã Trường Xuân) bị mất tích do nước lũ cuốn.
Lúc 15h30 ngày 17/10, anh Sửu trên đường đi rừng về nhà, băng qua suối ở bản Chân Trôộng (xã Trường Sơn). Lúc này, nước lũ dâng cao, chảy xiết khiến anh bị cuốn trôi.
Tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), lúc 12h ngày 17/10, ông Nguyễn Văn Đường (51 tuổi, trú xã Hàm Ninh) mất tích khi đi đò ra kiểm tra hồ tôm. Chính quyền và người nhà đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.
Quảng Bình đã di dời 280 hộ với hơn 1.000 người dân ở vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở (huyện Lệ Thủy) đến nơi an toàn. Sáng nay (18/10), khu vực này trời ngớt mưa, nước rút dần.
Về giao thông, 76 vị trí sạt lở đường địa phương gây ách tắc, gồm 6 điểm ở Huế; 31 điểm tại Quảng Nam; Nghệ An 33 và Quảng Bình 6.
Ngoài ra, 36 điểm đường Quốc lộ ở Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Bình và Đăk Lăk và 143 tràn, điểm đường giao thông nội tỉnh bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và khắc phục sự cố.
Về nông nghiệp, 1.976 ha lúa và 59 ha diện tích hoa màu, cây cảnh các loại bị ngập, cuốn trôi.
Tại Quảng Nam từ tối qua đến sáng nay trời ngớt mưa, các thủy điện giảm lưu lượng xả lũ qua tràn. Khu vực huyện Đại Lộc, nơi có sông Vu Gia và Thu Bồn chảy qua, sáng nay nước rút khỏi làng mạc, người dân rang thủ dọn bùn đất.
Tại trường Tiểu học Trương Hoành, xã Đại Nghĩa, hàng chục giáo viên tham gia dọn dẹp sân trường. "Nước lũ ngập gần nửa mét trong sân trường hơn ba giờ thì rút ra. Đợt lũ này lên nhanh song không ngâm lâu ngày nên ít bùn đất", một giáo viên nói.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam cho biết mưa lũ kèm theo gió lớn khiến bốn ngôi nhà ở ba huyện tốc mái; hơn 20 hộ nhà bị sạt lở đất trôi vào nhà. Các tuyến quốc lộ qua Quảng Nam lưu thông bình thường, song một số tuyến đường huyện miền núi đã bị chia cắt.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Bộ, từ tối 15/10 đến nay các tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên mưa to. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã mưa 300-600 mm, có nơi trên 700 mm; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định và Kon Tum tổng lượng mưa 200-300 mm, có nơi trên 300 mm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, ngày 18/10, khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế mưa phổ biến 50-130 mm, có nơi trên 150 mm; đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.