Thứ bảy, 14/12/2024
Chủ nhật, 17/10/2021, 21:43 (GMT+7)

Hàng trăm ngôi nhà ven sông bị ngập lũ

Quảng NamNước lũ tràn về khiến nhà dân ở ven sông Vu Gia và Thu Bồn, huyện Đại Lộc, ngập từ 0,2 đến 0,5 m, nhiều xã bị chia cắt.

Chiều 17/10, thời tiết tại huyện Đại Lộc khô ráo song thủy điện ở thượng nguồn điều tiết lũ về sông Vu Gia và Thu Bồn khiến nước dâng cao. Nước đục ngầu tràn vào làng mạc ven sông, nhiều khu dân cư ngập sâu một mét.

Đại Lộc là vùng "rốn lũ" Quảng Nam có 17 xã và một thị trấn. Lúc 11h cùng ngày, Thủy điện Đăk Mi 4, A Vương và Sông Bung nằm ở thượng nguồn sông Vu Gia điều tiết lũ xả về hạ du hơn 5.000 m3/s. Sau khoảng 4 giờ xả lũ, nước từ sông tràn vào khu dân cư.

Một khu dân cư ven sông Vu Gia, thị trấn Ái Nghĩa, bị nước bủa vây.

Đường từ thị trấn Ái Nghĩa qua xã Đại An ngập gần nửa mét, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. "Sáng nay, tôi đi làm đường khô ráo, nhưng chiều về lũ đã ngập sâu. Tôi cố chạy qua, nếu chậm khoảng 10 phút, lực lượng chức năng dựng chốt chặn không cho qua", anh Hải, công nhân ở xã Đại Cường, nói.

Lũ về người dân đưa xe tải, ôtô lên cầu Ái Nghĩa trú tránh. Xe đậu ở hai bên cầu sát nhau.

Nước vừa mấp mé tràn vào làng, một gia đình dùng xe máy kéo những bao lúa đến nơi khô ráo, tránh ngập.

Người dân đưa tài sản lên cao, trước khi nước lũ tiếp tục dâng cao.

Nước mấp mé tới nền nhà cũng là lúc ông Võ Tấn Hải (ở thị trấn Ái Nghĩa) kịp đưa toàn bộ tài sản lên cao. "Đêm qua trời mưa to, đến trưa nay, trời hửng nắng nhưng nước từ thượng nguồn về nhanh", ông Hải nói và cho biết đến 16h30, nước bắt đầu tràn vào nhà.

"Sống ở vùng rốn lũ nên khi xây dựng nhà tôi làm một gác lửng. Tủ lạnh, máy giặt cho lên bàn, đồ vật nhẹ hơn thì đưa lên gác để", bà Phan Thị Xuân, ở thị trấn Ái Nghĩa, nói và cho hay đây là trận lũ đầu tiên của năm.

Tối cùng ngày, nước từ sông Vu Gia tràn vào đường Nguyễn Tất Thành ngập 0,5 m, người dân phải men theo vỉa hè.

Người dân dùng xe đẩy chở xe máy qua khu vực ngập.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết lũ đến đỉnh 9,36 m, trên báo động 3 là 36 cm. Với mực nước này, các xã vùng thấp trũng ven sông bị ngập song chưa thống kê cụ thể.

"Nước lên nhanh là vì thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ thời điểm cao nhất hơn 3.000 m3/s. Đến chiều tối, thủy điện hạ xuống còn hơn 8.00 m3/s", ông nói và cho hay hiện nước lũ đứng yên và xuống chậm.

Hàng trăm nhà dân ven sông ngập nước lũ
 
 

Thị trấn Ái Nghĩa nước lũ bủa vây nhìn từ trên cao. Video: Đắc Thành

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Bộ, từ tối 15/10 đến nay các tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên mưa to. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã mưa 300-600 mm, có nơi trên 700 mm; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định và Kon Tum tổng lượng mưa 200-300 mm, có nơi trên 300 mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, ngày 18/10, khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế mưa phổ biến 50-130 mm, có nơi trên 150 mm; đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Đắc Thành