Nếu không bàn tay nào trong số đại diện 149 thành viên WTO có mặt trong phiên họp đưa ra để biểu quyết phản đối, Chủ tịch Đại hội đồng, cũng là người chịu trách nhiệm cao nhất trong Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam, ông Eirik Glenne sẽ gõ búa xuống bàn chủ tọa, kết thúc phần biểu quyết thông qua từng văn kiện. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 30 phút.
Đối với Việt Nam, tiếng búa ấy có giá trị như hồi trống đồng lớn mang nhiều cảm xúc, kết thúc 11 năm gian lao đàm phán, đưa đất nước vào một sân chơi mới mang tính toàn cầu. Biết là sẽ có nhiều khó khăn, vất vả ở phía trước, nhưng cũng không thiếu các cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Ít nhất là vị trí của nước Việt cũng đã ngang tầm với các thành viên khác trong Tổ chức Thương mại Thế giới.
Đại tiệc
Theo lịch trình, trong phiên họp, Chủ tịch Eirik Glenne sẽ tóm tắt quá trình và thông báo kết quả việc đàm phán của Việt Nam xin gia nhập WTO, đồng thời công bố toàn văn 4 văn kiện gia nhập WTO của VN. Các quyết định của WTO được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận. Do đó, mỗi khi trình dự thảo văn kiện, chủ tọa chỉ đặt câu hỏi “nghịch” xem có ai chống lại không. Nếu không, coi như văn kiện được thông qua. Nếu có ý kiến khác, thì Đại hội đồng tiến hành bỏ phiếu về vấn đề đó. Từ 2/3 phiếu trở lên đồng ý với dự thảo, coi như vẫn được thông qua. Tuy nhiên, thực tiễn 11 năm qua, các quyết định của WTO chưa lần nào đến hồi gay cấn phải bỏ phiếu lại cả. Bởi hầu hết các quyết định trước khi đưa ra Đại hội đồng quyết định thông qua, đều đã trải qua quá trình dàn xếp, thỏa thuận kỹ lưỡng nên đạt được sự đồng thuận cao. |
Sau tiếng búa của Chủ tịch Đại hội đồng WTO, nhà chỉ huy đàm phán, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển sẽ thay mặt Chính phủ và người dân Việt Nam ký vào nghị định thư gia nhập WTO, cùng với Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy.
Đại diện của các thành viên WTO sẽ đọc diễn văn chúc mừng thành viên thứ 150 là Việt Nam. Hôm 26/10, khi Ban công tác thông qua hồ sơ của Việt Nam, đã có 19 đại diện phát biểu. Vì vậy, có dự đoán rằng 20-30 trong tổng số 149 thành viên WTO sẽ có lời chúc mừng Việt Nam lần này. Nếu cứ mỗi vị nói 10 phút thì lễ kết nạp Việt Nam vào WTO có thể kéo dài tới chiều.
Sau cùng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, trưởng phái đoàn khoảng 30 người gồm nhiều bộ trưởng, thứ trưởng của các bộ Thương mại, Tài chính, Tư pháp, Ngoại giao, Kế hoạch đầu tư, Công an, Quốc phòng, Công nghiệp, Ngân hàng Nhà nước… sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam phát biểu cảm ơn Ban công tác, cảm ơn những cá nhân, tổ chức đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO.
Tối 5/11, đoàn Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dẫn đầu đã lên đường sang Geneva. Sự có mặt của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm được dư luận đánh giá là minh chứng cho khả năng Việt Nam chắc suất vào WTO kể từ 7/11.
Chưa ai biết sau phiên họp thành công này, phía Việt Nam sẽ đại tiệc như thế nào. Tuy nhiên, hôm 26/10, sau khi kết thúc phiên đàm phán đa phương cuối cùng, Đại sứ Việt Nam tại WTO, ông Ngô Quang Xuân, đã mở tiệc chiêu đãi với khách mời là các thành viên Ban công tác, các quan chức Ban thư ký WTO.
Để ghi nhận sự kiện mang tính lịch sử với Việt Nam này, Đài truyền hình Việt Nam đã xây dựng kịch bản cho một cầu truyền hình đặc biệt mang tên "Đêm hội nhập" vào tối ngày 8/11. Cầu truyền hình trực tiếp sẽ nối 3 đầu cầu là Hà Nội - TP HCM - Geneva, với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng các Phó thủ tướng, bộ trưởng tại Thủ đô; Đại diện ngoại giao của Việt Nam tại WTO -đại sứ Ngô Quang Xuân; Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lamy có mặt ở Geneva; cùng hơn 400 doanh nghiệp, nhà kinh tế, chuyên gia... ở mỗi đầu cầu Hà Nội, TP HCM.
Những công việc cuối cùng
Sau khi hoàn tất các công việc tại phiên họp đặc biệt này, khoảng ngày 10 đến 13/11, Chính phủ Việt Nam sẽ họp để hoàn thiện các hồ sơ thủ tục trình Chủ tịch nước. Dự kiến, ngày 28/11, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội phê chuẩn các văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam, và có thể ngày 29/11, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO. Chủ tịch nước sẽ công bố Nghị quyết ngay sau đó.
Theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới, văn kiện phê chuẩn của Quốc hội về việc gia nhập WTO sẽ được gửi cho Tổng giám đốc Pascal Lamy. 30 ngày sau khi người đứng đầu Tổ chức thương mại thế giới nhận được văn kiện đó, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của đại gia đình WTO.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề phải cân nhắc. Nhiều cam kết của Việt Nam gắn với lộ trình, ví dụ cam kết cắt giảm thuế, hủy bỏ trợ cấp, mở cửa thị trường… và cũng có vấn đề Việt Nam bị ràng buộc, như phải 12 năm sau khi gia nhập WTO mới được xem xét đạt tiêu chuẩn kinh tế thị trường. Các thời hạn này đều tính theo đơn vị năm tròn. Do đó, nếu Việt Nam trở thành thành viên WTO vào ngày cuối năm 2006 thì mốc tính lộ trình sẽ là 2007; còn nếu hoàn tất gia nhập ngày đầu 2007 thì mốc tính lộ trình sẽ lùi sang 2008… Thiệt hơn thế nào sẽ là vấn đề phải cân nhắc, dù chỉ là phép tính kỹ thuật.
- 1/1995: Chính thức nộp đơn gia nhập WTO - 1996: Ban Công tác (WP) về Việt Nam gia nhập WTO được thành lập với sự tham gia của trên 20 thành viên, hiện tăng lên đến gần 40. - 1996-2001: Đàm phán tập trung chủ yếu vào việc làm rõ chế độ, chính sách thương mại của Việt Nam. Đoàn đàm phán Việt Nam đã phải trả lời hơn 2.000 câu hỏi có liên quan đến chính sách thương mại, kinh tế, đầu tư. - 8/2001: Chính thức đưa ra bản chào ban đầu về hàng hóa và dịch vụ (Initial Offer), bước vào giai đoạn đàm phán thực chất về mở cửa thị trường với. - 31/5/2006: Ký thoả thuận chính thức kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, đối tác cuối cùng trong số 28 đối tác có yêu cầu - 26/10: Phiên đàm phán đa phương thứ 14, phiên đàm phán đa phương cuối cùng của Việt Nam, Ban Công tác đồng ý thông qua cả gói hồ sơ, mở đường đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO - 7/11: Đại hội đồng WTO bỏ phiếu thông qua hồ sơ gia nhập của Việt Nam và tiến hành lễ kết nạp |
Phan Anh - Nghĩa Nhân