![]() |
Ảnh rút ra trong cuốn sách "Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941 - 1945 qua ảnh và tài liệu". |
Vào mùa xuân năm 1941 tôi mới tốt nghiệp Đại học hàng hải M.V. Frunze và thực tập trên con tàu chiến nổi tiếng và lớn nhất Liên Xô "Cách mạng Tháng Mười". Con tàu đóng tại căn cứ chính của hạm đội Baltic, ở Tallinn.
Ngày 22/6/1941, lúc đó là ngày nghỉ cuối tuần, tôi chuẩn bị lên bờ nghỉ phép. Vào lúc nửa đêm, khi có việc vào buồng hoa tiêu, tôi nghe được giọng nói quen thuộc của Vyacheslav Molotov. Ông lo lắng thông báo chiến tranh với Đức đã bắt đầu. Thời kỳ hoà bình đã kết thúc.
Đến đầu tháng 9/1941, tình hình đã trở nên nghiêm trọng trên mặt trận Leningrad. Vòng vây của Đức quanh thành phố càng lúc càng siết chặt. Kẻ thù ném bom và bắn phá dữ dội thành phố. Chiến sự đã tới gần nhà máy Yzhorsky, nơi những lệnh phòng thủ quan trọng nhất được đưa ra. Cùng với việc Shliselburg thất thủ, đường dây liên lạc trên mặt đất cuối cùng bị cắt đứt và 900 ngày Leningrad bị bao vây bắt đầu. Việc liên lạc giờ đây phải thực hiện qua hồ Ladoga.
Sau ngày 8/9, tình hình Leningrad lại càng trầm trọng hơn. Trong các bản tóm tắt tình hình, quân địch cho rằng việc đột phá vào Leningrad không phải là trong ít ngày mà chỉ ít giờ nữa. Những chiến lược gia phát xít đã coi Leningrad là của người Đức, và bàn đến số phận thành phố: như sẽ làm gì với Leningrad và người dân ở đây. Chúng nghiêng về quan điểm là phá huỷ hoàn toàn, giống như những gì người La Mã đã từng làm với thành phố Carthage thời cổ đại.
Ngày 10/9, vượt qua được bức màn tuần tra, tướng Georgyi Zhukov đột nhiên vào Leningrad, mang theo lời nhắn cho người chỉ huy mặt trận Leningrad Clement Voroshilov từ tổng tư lệnh tối cao Joseph Stalin: “Hãy trao quyền chỉ huy mặt trận cho Zhukov, còn đồng chí hãy mau chóng về Matxcơva”. Lúc đó vẫn chưa có lệnh bổ nhiệm mới cho Zhukov vì Stalin không tin rằng Zhukov sẽ vượt qua được vành đai trên không của quân Đức và bình yên tới Leningrad. Đến 11/9 lệnh mới được ký. Voroshilov nhận lệnh chuyển giao cho vị tướng trẻ các công việc “trong vòng 24 giờ sau khi Zhukov vào Leningrad”.
Khi đó, hạm đội Baltic chịu sự chỉ huy của mặt trận Leningrad. Hạm đội này do trung tướng hải quân Vladimir Tributz chỉ huy. Một phần hạm đội ở Leningrad, còn lại ở Kronstadt. Các hoạt động quân sự của các tàu lớn khi đó chủ yếu chỉ bắn pháo vào các mục tiêu của đối phương ở vùng ngoại ô Leningrad, còn các tàu nhỏ tích cực thực hiện những hoạt động chiến đấu trên biển.
Kể từ lúc Zhukov được và cả nhiều năm sau, khi ông đã qua đời, người ta vẫn đồn nhau rằng ông không có mấy thiện cảm đối với hạm đội.
Sau khi ông đến Leningrad và vị nguyên soái Voroshilov bị đình chỉ chức vụ, Zhukov, ngay từ lần trao đổi đầu tiên với Tributz, đã tỏ ra không hài lòng về hoạt động của hạm đội.
Ông chất vấn vị chỉ huy: "Hạm đội các anh thực ra là làm gì vậy? Cho dù tàu có ở vịnh Phần Lan đi chăng nữa, thì các thuỷ thủ cũng không có quyền bị động, trong khi hàng trăm nghìn binh lính đang hy sinh trên mặt trận chiến tranh Vệ quốc vĩ đại!"
Vậy là các thuỷ thủ tiến hành đổ bộ lên mặt trận Leningrad. Đó là những người thuộc nhiều chuyên môn khác nhau, có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cho những cơ cấu máy móc phức tạp nhất. Họ hiểu chút ít về súng lục, súng tự động, súng máy, thậm chí cả lựu đạn nhưng tuyệt nhiên không phải là những lính đổ bộ theo đúng nghĩa. Lính đánh bộ không chỉ có khả năng điều khiển nhiều loại vũ khí mà còn phải có sức khoẻ tốt và đánh giáp lá cà với đối phương. Thử hỏi, các thuỷ thủ đâu cần biết bắn súng máy khi họ sử dụng đại bác 406 mm trên tàu. Một người điều hành điện đài, để có khả năng đánh điện tín với tốc độ 150 ký tự/phút, phải bảo vệ các ngón tay không kém gì nghệ sĩ piano thì làm sao cầm xẻng đào hào.
Tham mưu trưởng hạm đội, thiếu tướng hải quân Yuri Rall đề xuất với Zhukov là đưa cả pháo lên bờ, nhưng ông bác bỏ ý tưởng này, cho rằng chuẩn bị pháo sẽ làm lộ cuộc đổ bộ. Mà đi phản đối Zhukov là một việc cực kỳ nguy hiểm.
Thượng tướng Tributz đã kể rất kỹ về sự kiện này trong quyển sách của ông: "Những người Baltic bước vào cuộc chiến". Giải thích về mục đích của cuộc đổ bộ, ông viết rằng các binh lính "phải đánh vào sườn và sau lưng kẻ thù và huỷ diệt chúng". Nhưng ông cũng nhận xét rằng các binh lính phải đương đầu với xe tăng và pháo của địch. Tributz đánh giá: "Kẻ địch đã tách được lực lượng đổ bộ khỏi vùng vịnh và tận dụng lợi thế trên mặt đất".
Người khởi xướng cuộc đổ bộ Zhukov cũng đề cập đến nó trong cuốn hồi ký "Nhớ lại và Suy nghĩ" ấn bản lần thứ 4: "Các lính thuỷ được đưa vào quận Peterhof, sau lưng kẻ thù để hỗ trợ hoạt động ven biển. Họ không chỉ gan dạ mà còn cực kỳ táo bạo. Kẻ thù bằng cách nào đó đã phát hiện ra việc đổ bộ và sử dụng hoả lực ngay cả ở trên mặt nước. Tuy nhiên, các thuỷ thủ không tỏ ra lúng túng. Họ lên bờ, và quân Đức tháo chạy. Sau khi thu được thắng lợi ban đầu, các thuỷ thủ đuổi theo kẻ thù, nhưng đến sáng họ bị tách khỏi biển. Đa số họ đã hy sinh. Chỉ huy cuộc đổ bộ Andrey Trofimovich Vorozhilov không trở về".
Ngày xảy ra cuộc đổ bộ, Zhukov phải trao đổi với tổng tư lệnh tối cao Stalin. Ngày hôm sau, ông cấp tốc đi Matxcơva. Khi đó Đức đã ở khu vực Vyazma, và Stalin gọi gấp Zhukov về để giải thích tình hình tại đây. Vì vậy, Zhukov không nắm trực tiếp số phận cuộc đổ bộ, và tài liệu của ông không được chính xác cho lắm.
Zhukov chỉ nhắc đến việc đổ bộ ở Peterhof là một trong những sự kiện trong tháng 9, nhưng không nói rõ ngày xảy ra sự kiện này. Thực chất nó diễn ra ngay sau nửa đêm ngày 5/10/1941. Và nó không phải ở quận Peterhof, như nguyên soái viết mà chính ở khu Peterhof mới, gần khu công viên nổi tiếng thế giới ngày nay.
Ngày 4/10/1941, là chỉ huy một tàu chiến, tôi nhận nhiệm vụ bí mật tham gia vào lực lượng đổ bộ ở khu Peterhof mới. Cũng vào hôm đó, sở chỉ huy của hạm đội Baltic gặp các thành viên trong đội ở quảng trường Yakor của Krostadt và khuyến khích họ hoàn thành mục tiêu quan trọng này. Đội đổ bộ bao gồm 5 tàu chiến có nhiệm vụ dẫn đầu và bảo vệ các tàu khác, 25 tàu chở các thành viên lực lượng đổ bộ, và 6 xuồng chở đạn dược. Ngoài ra còn có các tàu dò mìn và tàu bọc thép ở Kronstadt yểm hộ. Theo thông tin chính thức, 498 thuỷ thủ tham gia vào cuộc đổ bộ. Lực lượng nòng cốt là các chuyên gia thuộc hai tàu chiến "Cách mạng tháng Mười" và "Marat". Các pháo thủ, thợ điện, lính thả thuỷ lôi và có lẽ cả đại diện những chuyên ngành khác về tàu biển đều tham gia. Ngoài ra, còn có người hướng dẫn và các học viên trường chính trị hải quân. Họ đều là những người có thể lực và kỷ luật tốt, tham gia kế hoạch này hoàn toàn tự nguyện. Có thể nói không ngoa rằng lực lượng này là "kho vàng dự trữ" của hạm đội Baltic.
Chỉ huy đội đổ bộ là đại tá hải quân từng tham gia nội chiến Andrey Vorozhilov. Còn tôi, lúc bấy giờ vẫn là trung uý, làm sĩ quan trên một trong 25 con tàu chở quân. Lúc bấy giờ chỉ huy các tàu đều là chuẩn uý, nhưng các sĩ quan có mặt để gánh đỡ trách nhiệm. Ngoài nhiệm vụ điều hành, tôi còn phải đảm bảo việc đổ bộ. Tôi không còn nhớ chính xác, nhưng trên tàu của tôi có khoảng 20 - 25 chiến sĩ sẽ lên bờ.
Trời tối đen, và biển yên tĩnh hiếm thấy. Từ Kronstadt, lực lượng sang tới bờ Peterhof vào khoảng 23h đêm 4/10. Các tàu đều tắt đèn và đi với tốc độ chậm để không gây tiếng động và lôi kéo sự chú ý.
Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra lúc nào thì có thể cho phép đổ bộ. Đây là lần đầu tiên tôi tới bờ biển này, địa hình ngầm ở đây thế nào tôi cũng còn chưa nắm rõ. Vấn đề là phải làm sao để các thành viên lên bờ trong tình trạng khô ráo nhất, lý tưởng nếu họ có thể từ mũi tàu nhảy thẳng lên bờ.
Chúng tôi cảm thấy rất căng thẳng. Bất chấp những biện pháp bảo đảm bí mật, kẻ thù đúng ra đã phải phát hiện, khi tàu còn ở ngoài biển. Nhưng đằng này, bờ biển lại im lặng. Linh tính tôi cảm thấy là chúng đã thấy chúng tôi. Mỗi giây tưởng như vô tận. Tàu của tôi sát tới đất liền, các thành viên nhảy xuống nước và nhanh chóng chạy vào bờ. Ở vài tàu khác, các thuỷ thủ còn phải bơi giữa dòng nước tháng mười sâu và lạnh giá.
Khi tất cả lực lượng đổ bộ đã ở trên bờ, các tàu bắt đầu quay mũi, bờ biển bỗng nhiên hoạt náo. Pháo sáng bắn lên trời, đèn pha bờ biển chói sáng, kẻ thù nã pháo, súng máy, súng tự động dữ dội. Rõ ràng là kẻ thù đã chờ đợi chúng tôi và chủ động nổ súng.
Các tàu chiến, thậm chí cả các tàu khu trục từ các vị trí ở ngoài vùng biển thuộc Kronstadt và Leningrad bắn phản công. Đạn pháo cứ bay trên đầu chúng tôi.
Tuy nhiên, phải nói số phận đã có phần ưu ái với chúng tôi. Tuy có thương vong, nhưng đội cũng rút về được Kronstadt. Vì tính bí mật của hoạt động, chúng tôi không được phép tiết lộ vai trò của mình trong trận đánh.
Thượng tướng Tributz thừa nhận là mãi cho tới ngày 15/10, nghĩa là 10 ngày sau đó, bộ chỉ huy hạm đội vẫn không thể đưa ra lời giải thích thoả đáng về thất bại này. Chỉ huy lực lượng đổ bộ Andrey Vorozhilov hy sinh ngay từ những phút đầu tiên ở trên bờ. Cả hai người điều hành điện đài cũng tử trận, đài phát thì bị phá huỷ. Liên lạc với đất liền bị gián đoạn.
M.C. (theo Независимое Военное Обозрение История)