"Đây là bộ quân phục trực chiến tôi mặc khi lần đầu lái tiêm kích SU-22M4 ra Trường Sa vào Tết Canh Ngọ 1990", ông Tuấn, 66 tuổi, nhắc về lần đầu "bắt được sóng" với các chiến sĩ trên đảo.
Ông kể, hồi 1987, Trung Quốc điều máy bay và tàu chiến liên tục thực hiện các hoạt động trinh sát nhằm quấy phá, chiếm đóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Quân chủng Không quân và Hải quân được giao nhiệm vụ bảo vệ và chi viện cho Trường Sa. Riêng không quân cơ động một phi đội SU-22 từ Thanh Hoá vào sân bay Phan Rang để huấn luyện, làm quen với khu vực chiến đấu.
Tháng 3/1988, phi đội trưởng Phi đội cơ động Vũ Xuân Cương và phi công Liên Xô Grigoriev điều khiển chiếc SU-22M số hiệu 8502 lần đầu tiên bay tuần tra ra tới quần đảo Trường Sa.
"Thời điểm đó, điều động một chiến đấu cơ ra đảo không đơn giản khi hệ thống radar dẫn đường chỉ giới hạn trong phạm vi 200 km, nếu bay thấp radar chỉ bắt được máy bay ở khoảng cách 100 km. Trong khi từ Phan Rang ra Trường Sa hơn 400 km", ông Tuấn nói. Điều này đồng nghĩa, phi công phải tự tính toán, kẻ đường trước khi xuất phát để bay thêm 200 km.
Tuy vậy, các chuyến bay của SU-22 thời bấy giờ chỉ làm nhiệm vụ tuần tra trên cao, không thể liên lạc với các chiến sĩ đang giữ đảo, do chưa có máy đối không và sĩ quan không quân túc trực.
Cận Tết Canh Ngọ năm 1990, ông Tuấn cùng phi công Hồ Kim Tuấn được giao một nhiệm vụ đặc biệt: thực hiện chuyến bay đầu tiên không quân chiến đấu liên lạc với các chiến sĩ trên đảo bằng vô tuyến điện.
"Mục đích của lần bay này là thay mặt đất liền gửi lời chúc Tết đến bộ đội, khích lệ anh em giữ vững tinh thần, luôn sẵn sàng bảo vệ biển đảo quê hương", ông nói.
Đêm trước hôm thực hiện nhiệm vụ, phi công Võ Văn Tuấn không thể chợp mắt, trong đầu luôn tưởng tượng cảnh được trò chuyện với đồng đội qua bộ đàm. Bay ra Trường Sa là một thử thách, ngay cả với những phi công dày kinh nghiệm. Bay trên biển phức tạp, nhiều cơn bão nhiệt đới, giông, lốc, đám mây, lốc xoáy luôn rình rập. Chưa hết, nền trời và biển rất khó phân biệt, đường bay không có địa tiêu để phán đoán toạ độ, phương vị và biết nơi cần đến, "nếu không tập trung cao độ, phi công rất dễ cảm giác sai khiến máy bay rơi". Cuối cùng, SU-22 không phải là máy bay tầm xa, nếu để xảy ra sai sót nhỏ về phương hướng sẽ không đủ nhiên liệu để về đất liền.
"Thời tiết hôm đó không tốt, nhiều mây mù. Tôi bay số một, Kim Tuấn bay số hai. Hai máy bay trực chiến luôn duy trì khoảng cách để không mất dấu của nhau", ông kể.
Gần đến Trường Sa, phát hiện đám mây tích điện phía trước, ông Tuấn ra hiệu cho đồng đội nâng độ cao lên trên 10.000 m để tránh va chạm, nhưng chưa qua đỉnh mây. Thấy điều kiện không thuận lợi, ông định cho biên đội quay về nhưng lại nghĩ đến các chiến sĩ đảo xa nên chỉ huy đoàn bay tiếp.
Sau hơn 30 phút, máy bay từ từ hạ độ cao, đảo Trường Sa lớn lờ mờ hiện ra. Trong khoang lái ông hô lớn "Trường Sa đây rồi!".
Đến đảo, ông ra hiệu cho đồng đội bay thông trường ở 50 m. Lần đầu thấy máy bay ta xuất hiện bất ngờ ở tầm thấp như vậy, các chiến sĩ trên đảo không kịp ra đón. Thiếu tá Võ Văn Tuấn cho máy bay vòng lại, hạ xuống độ cao 30 m, để anh em bộ đội nhìn rõ hơn.
Lần này hai chiếc SU-22M4 được chào mừng bởi hàng chục chiến sĩ cởi trần. Họ mang xoong nồi, chậu ra gõ, đứng nhún nhảy, reo hò, phá tan sự tĩnh lặng trên đảo.
Đúng lúc đó, bộ đàm trong khoang lái của ông Tuấn vang lên giọng nói: "Hải âu gọi Phượng hoàng, nghe rõ trả lời. Chúng tôi, những người canh gác Trường Sa xin chào các anh!".
Cả biên đội vỡ oà trong vui sướng. Thông qua bộ đàm, ông Tuấn thay mặt đất liền gửi lời hỏi thăm, chúc sức khỏe đến tất cả mọi người.
"Không được tay bắt mặt mừng, dành cho nhau những cái ôm ấm áp, nhưng tôi chắc những người lính xa nhà đã cảm nhận được sự ấm áp khi nhận tình cảm từ đất liền trong những ngày Tết đến xuân về", ông nghẹn lời.
Ba mươi mốt năm trôi qua, mỗi lần kể lại chuyến bay lịch sử này, trong ông lại trào lên niềm xúc động khó tả.
Năm 2017, ông nghỉ hưu. Ông chia tay bầu trời nhưng con trai và con dâu đã nối nghiệp, trở thành những phi công xuất sắc. Con trai ông là phi công Võ Tuấn Dũng là cơ trưởng trẻ nhất của hàng không Việt Nam năm 2011, khi mới 25 tuổi. Con dâu là Trần Trang Nhung, 34 tuổi, nữ cơ phó đầu tiên điều khiển máy bay Airbus 321.
"Đây hoàn toàn là lựa chọn của các con. Lớp trẻ sinh ra trong thời bình nên trở thành phi công chiến đấu hay lái máy bay dân dụng để xây dựng đất nước không khác nhau, vì đó đều là nghề bay", ông Tuấn nói. Hiểu sự khác biệt giữa bay quân sự và dân dụng, ông chỉ dặn các con "đã vào buồng lái phải đặt mọi vấn đề của cuộc sống ngoài cửa bay".
Nhìn lại hành trình dài gắn bó với bầu trời, ông không nhắc về những chiến công hay danh hiệu được trao tặng mà chỉ khoe bạn bè "khối tài sản" hơn 1.000 giờ bay. Ông nói đây là con số lớn với các phi công phản lực do phải trải qua quá trình tích luỹ gian khổ, không đơn giản như phi công dân sự.
Về nghỉ hưu, ông Tuấn vẫn bận bịu bởi tham gia tích cực vào Hội hữu nghị Việt – Nga hay Hội hàng không vũ trụ Việt Nam, mong muốn chia sẻ hiểu biết về lĩnh vực hàng không với những người kế nhiệm.
Mỗi khi thấy tiêm kích trên bầu trời, ông lại nhắc về chiếc SU-22 số hiệu 8511 từng gắn bó suốt 11 năm, trước khi chuyển sang công tác chỉ huy. "Tôi nhớ y nguyên từng chi tiết trong khoang lái, tiếng động cơ gầm rú khắp một vùng trời. Nếu có cơ hội, tôi ước được tự tay lái chiến đấu cơ ra thăm Trường Sa một lần nữa", ông cười.
Quỳnh Nguyễn