Ngày cuối năm Tân Mão, trời Huế mưa tầm tã, trong căn nhà nhỏ cạnh di tích An Lăng, phường An Cựu (TP Huế, Thừa Thiên - Huế), ông Hiền ngồi trên xe lăn ra cửa nhà đón khách.
Lật dở từng trang nhật ký đã nhuốm màu úa vàng, ông Hiền cho biết cụ thân sinh là ông Nguyễn Phước Vĩnh Vũ (em vua Duy Tân). Lúc nhỏ ông Hiền sống với bà nội và 22 phi tần của vua Thành Thái tại An Lăng, nay là nơi thờ ba vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
Ông Hiền kể, do Tết được tổ chức linh đình nên trước Tết cả tháng, cung nữ ở trong cung phải lo chuẩn bị đồ cúng cũng như các lễ phẩm phục vụ cho việc ăn Tết của vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu cũng như các hoàng tử, công chúa. Không khí trước Tết trong hoàng cung rất nhộn nhịp. Các cung điện, kỳ đài, cửa kinh thành đều treo cờ.
Ông Hiền say sưa kể về những món ăn trong cung đình mà mình tận tay phục dựng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Mở đầu cho Tết là lễ Ban sóc, tức là lễ ban lịch năm mới, được tổ chức vào ngày 1/12 âm lịch. Lịch sau khi soạn được dâng cho nhà vua xem. Sau khi vua duyệt, Nội các ban lịch cho các quan tại khu vực trước và hai bên điện Thái Hòa phía sau cửa Ngọ Môn. Còn địa phương đến nhận lịch tại trụ sở các tỉnh để mọi người biết ngày tháng trong năm.
“Sau lễ Ban sóc là lễ Tiến xuân hay còn gọi là lễ cúng đất được tổ chức vào đúng tiết lập xuân, nhưng quan trọng hơn cả là lễ Phất thức được tổ chức vào khoảng ngày 20/12 âm lịch”, ông Hiền nói.
Ngồi trầm ngâm hồi tưởng về quá khứ, ông Hiền kể lễ Phất thức được hiểu là lau chùi ấn tỷ, bỏ vào rương hòm với ý nghĩa kiểm kê lại quốc bảo trong cung. Các quan đại thần được cử vào cung, lấy nước sông Hương chứa trong một cái bình đầy hoa thơm và dùng khăn đỏ để lau ấn tỷ. Sau lễ, triều đình sẽ nghỉ việc triều chính để tập trung ăn Tết.
Sau khi làm lễ tế cuối năm tại các miếu trong cung, 12h trưa ngày 30 Tết, vua ra ngự tại điện Thái Hòa phía sau cửa Ngọ môn làm Lễ thượng nêu (dựng cây tre đực được chặt bỏ cành, chỉ để lại phần ngọn) tại kinh thành, sau đó tại các phủ, miếu và dân chúng ngoài thành mới dựng nêu.
Điện Thái Hòa, nơi vua tổ chức lễ thiết triều sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo trí nhớ của ông Hiền, trên cây nêu trong cung, người ta treo cau trầu cùng nhiều vật phẩm quý khác. Những lễ vật cao quý từ khắp nơi trong cả nước cũng được bỏ trong một cái giỏ nhỏ, cột lên đầu cây tre.
“Đúng 7h sáng mùng 1 Tết trong hoàng cung cử hành lễ thiết triều tại điện Thái Hòa, nơi có đặt ngai vàng của vua. Các triều thần mặc lễ phục hội tụ về, đứng theo thứ tự lần lượt từ quan nhất phẩm trở xuống. Đội nhạc của cung đình đứng hầu”, ông Hiền kể.
Là nghi lễ quan trọng nhất nên khi vua đội mũ cửu long, người mặc hoàng bào, thắt đai ngọc lên ngồi ở ngai vàng, ở cửa Ngọ Môn nổi lên 3 hồi trống cùng tiếng súng Thần công nổ vang trời. “Sau khi đội nhạc tấu bài Lý bình, các quan cùng dâng những tờ hạ biểu (viết lời chúc phúc) và lạy đủ 5 lạy, đồng thanh tung hô: “Chúng thần cầu chúa thượng vạn tuế, vạn tuế”. Nghi lễ hết sức tôn nghiêm”, ông Hiền nhớ lại.
Sau lễ, theo lệ vua và các quan ai về nhà nấy. “Tuy nhiên đến thời vua Bảo Đại, do tiếp thu văn hóa phương Tây nên vua dẫn các quan cùng vị khách phương Tây vào điện Cần Chánh để mời mọi người một ly rượu sâm panh”, ông Hiền kể và cho biết thêm cũng dưới thời vị vua nhà Nguyễn cuối cùng này, lễ nghi trong cung vua vẫn giữ nhưng riêng khi ăn cỗ, nếu tục xưa vua chỉ ăn cỗ Tết một mình thì vua Bảo Đại lại ăn cùng mâm với vợ con.
Trong những ngày Tết, các vua Nguyễn thể hiện sự hiếu thảo bằng việc tổ chức lễ mừng Thái hậu. Các phi tần của vua Thành Thái cũng được vua Bảo Đại mời vào cung ăn Tết. Riêng con cháu hoàng tộc như ông Hiền lúc bấy giờ, ngày Tết được vào cung, thả sức chạy nhảy và được ăn những món ngon.
Ông Hiền ghi nhật ký về cung đình. |
“Ngày đầu năm nhà vua mừng tuổi cho những người vào cung một đồng tiền vàng tùy theo thứ bậc. Riêng các quan đại thần được vua ban quà Tết, thường là bộ y phục hoặc một xấp vải dệt hoa để các quan tự may áo. Quà được bỏ trong những cái tráp thếp vàng chạm hình rồng rất đẹp”, ông Hiền nhớ lại.
Đến mùng 7 Tết, trong cung làm lễ hạ nêu, Tết mới kết thúc. Nhưng phải sau lễ “Khai ấn” vào thượng tuần tháng giêng, các công việc trong cung mới bắt đầu trở lại.
Từng được thưởng thức các món ngon ở hoàng cung, ông Hiền đã đề xuất phục dựng những món ăn cung đình và phối hợp với khách sạn Hương Giang thực hiện. Khách du lịch gần xa rất thích thú khi được thưởng thức các món ăn trong chốn hoàng cung trên chính mảnh đất cố đô.
Là trưởng họ Nguyễn Phước, ông Hiền đảm nhận việc lo hương khói cho ba vua ở An Lăng. Nay tuổi đã cao, liệt nửa người phải đi xe lăn, nhưng ngày nào ông cũng đẩy xe ra thắp hương cho vua. Mỗi khi có khách ghé thăm, những câu chuyện cung đình và ba vị vua yêu nước này lại được ông giới thiệu bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp.
Ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nhận xét việc làm của ông Bảo Hiền đã góp phần quan trọng để nhiều người ý thức được thế mạnh của Huế, góp phần thúc đẩy dịch vụ du lịch mang màu sắc cung đình phát triển.
Nguyễn Đông