Ngày Tết, sau khi làm lễ thiết triều vào sáng sớm mùng 1 tại điện Thái Hòa và cùng nâng ly rượu sâm panh với các quan đại thần, bạn bè ngoại quốc, vua Bảo Đại bắt đầu đi chơi Tết.
Bà Trần Thị Vui, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, kể ngày bà vào cung phục vụ đức Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ của vua Bảo Đại), mùng 1 Tết, vua thường cùng với vợ là bà Nam Phương hoàng hậu lên xe kéo màu xanh có lọng che đi từ điện Kiến Trung sang cung Diên Thọ thăm và chúc Tết đức Từ Cung để tỏ lòng hiếu thảo.
Cựu hoàng Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng và là người thọ nhất trong số 13 vua triều Nguyễn. Ảnh tư liệu: Hồ Tấn Phan. |
“Vua Bảo Đại không quá lễ nghi. Mỗi lần vua từ lầu Kiến Trung ghé thăm đức Từ Cung ở cung Diên Thọ, các cung nữ chuẩn bị sẵn một bàn cờ Đôminô để vua chơi cùng với Hoàng Thái Hậu trong ngày đầu năm mới, cũng có khi vua chơi cờ với vợ hoặc với các quan đại thần”, bà Vui nhớ lại.
Bà Vui bảo không khí tại cung Diên Thọ vui nhộn khi vua cùng mọi người đánh cờ. Hoàng đế Bảo Đại không thích nghe Nhã nhạc cung đình như vua cha Khải Định vì cho rằng đó là thứ nhạc ru ngủ tâm hồn, thay vào đó ông thích nghe những bản nhạc trữ tình đang thịnh hành ở Tây phương khi đang chơi cờ.
Còn ông Lê Văn Hồ (92 tuổi), chủ quán cà phê đối diện với lầu Tứ phương vô sự (hoàng thành Huế) kể, ông kém vua Bảo Đại khoảng 2 tuổi. Ngày nhỏ ông nhiều lần được vào cung do có họ hàng với ngài Lê Dự Lâm (quê làng Vân Trình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), là thầy dạy chữ nho lúc vua Bảo Đại đang còn là hoàng tử.
Khi hoàng tử Bảo Đại sang Pháp du học, thầy Lâm đi theo kèm cặp thêm chữ Nho. Khi về, ông Hồ nghe thầy Lâm kể lại chuyện hoàng tử Bảo Đại sang Pháp bị thu hút bởi những môn thể thao vận động, giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Về nước và lên làm vua năm 1932, vua Bảo Đại cho lập một trường đánh golf ở vùng đồi núi Dạ Lê (nay là phường Dạ Lê, thị xã Hương Thủy).
Ông Lê Văn Hồ kể chuyện chơi tennis của cựu hoàng Bảo Đại. “Trường đánh golf của vua Bảo Đại được xây cao như Lầu tứ phương vô sự”. Ảnh: Nguyễn Đông. |
“Nhà tôi ngày đó ở ngay Dạ Lê. Ngày Tết, thường là chiều mùng 1 và ngày mùng 2, vua Bảo Đại chạy ôtô xuống đây chơi golf với bạn bè nước ngoài. Tiếng động cơ đã thu hút người dân trong vùng kéo nhau đến xem”, ông Hồ kể.
Trong trí nhớ của ông Hồ, ngày đó trường đánh golf của vua dù ở sát núi nhưng vẫn được xây lầu cao ngang với lầu Tứ Phương vô sự, hai bên có hai nhóm đồng ấu lượm golf. “Mỗi lần vua về chơi, tụi trẻ con thường đứng sát bên cạnh vua nhìn ngắm dung nhan và cổ vũ cho vua mà không hề bị xua đuổi. Vua Bảo Đại chơi golf giỏi lắm, trong những trận đấu thì hầu như vua đều dành phần thắng”, ông Hồ nói.
Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, người đã có nhiều nghiên cứu về nhà Nguyễn, bật mí thêm rằng vua Bảo Đại có nhiều thú vui thể thao và những thú vui thường ngày đôi khi được vua duy trì trong ngày Tết. Ngoài chơi tennis, vua còn thích lái máy bay, đua xe ôtô… và môn thể thao nào vua cũng đều chơi rất xuất sắc.
Sân tennis trong Hoàng thành nhìn từ điện Kiến Trung. Sau những biến cố lịch sử, điện Kiến Trung chỉ còn lại một đống đổ nát, riêng sân tennis được tu bổ để phục vụ du lịch. Ảnh: Nguyễn Đông. |
“Nếu như ngày xuân các vua Nguyễn khác đi du thuyền trên sông Hương thì vua Bảo Đại lại biểu diễn Jet ski, một môn thể thao hoàn toàn mới ở Huế và Việt Nam lúc bấy giờ. Dân chúng thường tụ họp hai bên bờ sông để xem vua biểu diễn”, ông Xuân cho biết thêm.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, vua Bảo Đại là người có tinh thần thể thao. Hoàng đế này đã cho xây dựng sân vận động Bảo Long (đặt theo tên con trai đầu của vua) ở thành phố Huế, sân vận động duy nhất ở Đông Dương thời bấy giờ có lòng chảo để đua xe đạp. Nhờ thể thao mà ông có thân hình cân đối và trở thành người thọ nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn và các phế đế cùng thời.
Sau khi làm lễ trao ấn kiếm cho cách mạng vào tháng 8 năm 1945, không còn làm vua nữa nhưng cựu hoàng Bảo Đại vẫn duy trì những môn thể thao như thú vui và chút vương vấn với thời hoàng kim của mình.
Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, ở phương Đông, du xuân là sinh hoạt văn hóa của thường dân cũng như của vua chúa. Thời Lê đã có lệ vua ngự du xuân trong ngày đầu năm. Qua thời các vua đầu triều Nguyễn, không thấy sử sách nói đến sinh hoạt văn hóa cung đình này, nhưng đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888) thì cuộc lễ du xuân dưới sự sắp xếp của viên tướng người Pháp, thiếu tướng Prudhomme, đại diện chính phủ Pháp ở Huế. 14h chiều mùng 1 Tết năm Bính Tuất (4/2/1886), sau 7 phát súng lệnh bắn ra trên Kỳ Đài, đoàn ngự đạo hộ giá nhà vua với 2 con voi và 2 con ngựa đi đầu ra khỏi Đại Nội bằng cửa Đại Cung Môn của Tử Cấm Thành, rồi cửa Ngọ Môn của Hoàng Thành. Vua ngồi trên kiệu sơn son thếp vàng do đội lính Loan giá gánh đi. Quanh kiệu mở thoáng cho dân chúng nhìn thấy long nhan. Sau khi đi quanh các ngả đường gần kinh thành, vua dừng ăn tiệc tại Viện Thương Bạc (ven sông Hương). Đến 17h chiều buổi tiệc kết thúc, vua về lại Đại Nội, trên Kỳ Đài bắn 3 phát súng lệnh báo hiệu cuộc lễ du xuân đã hoàn tất. Từ buổi du xuân của vua Đồng Khánh năm ấy, các thời vua kế tiếp sau đó là Thành Thái, Duy Tân và Khải Định đều tổ chức cuộc lễ du xuân tương tự, riêng vua Bảo Đại thì vui xuân bằng thú chơi thể thao. |
Nguyễn Đông