Sơ kết chương trình 10 năm mổ tim cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng 7/7, phó giáo sư Vũ Minh Phúc, Trưởng Khoa Tim mạch cho biết trong số hơn 3.000 bệnh nhi được mổ có 125 trẻ sơ sinh, 645 ca tim bẩm sinh nặng và phức tạp. Bệnh nhi sơ sinh mổ tim hở có cân nặng thấp nhất 2 kg được mổ đúng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay.
Đây là bé trai trong cặp sinh đôi chào đời tại An Giang vào ngày 28/5, sinh non ở tuần thứ 35 được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM trong tình trạng tím tái, suy hô hấp nặng. Với chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh phức tạp, bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi, em đã được các bác sĩ nỗ lực phẫu thuật cứu sống thành công.
Phẫu thuật cho bệnh nhi sơ sinh, nhỏ cân mắc bệnh tim bẩm sinh là nỗ lực to lớn của các y bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 từ những ngày đầu. Cách đây hơn 10 năm, trẻ tử vong hầu như là chuyện thường tại Khoa Tim mạch. Trong mỗi cuộc họp giao ban mỗi sáng, các bác sĩ quen thuộc trong bất lực, đau đớn với các báo cáo tử vong vì bệnh tim bẩm sinh. Thời điểm đó Viện Tim TP HCM đã phát triển một số kỹ thuật mổ tim nhưng trẻ em phải xếp hàng cùng với người lớn. Không ít trẻ phải ra đi khi mòn mỏi chờ tới lượt được can thiệp.
Xác định mục tiêu phải giảm tử vong ở trẻ mắc bệnh tim, năm 2004 Bệnh viện Nhi đồng 1 bắt đầu chương trình mổ tim kín cho những ca mổ đơn giản ban đầu. Xuyên suốt từ năm 2004 đến 2007, bệnh viện gửi nhóm hơn 50 người đi học các kỹ thuật mổ tim tại Viện Tim TP HCM cũng như ở nước ngoài. Đến ngày 1/6/2007, ca mổ tim hở lần đầu tiên được thực hiện. Năm 2009, bệnh viện phát triển kỹ thuật thông tim can thiệp (mổ nội soi). Từ năm 2010 tới nay, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca mổ cho trẻ mắc bệnh tim nặng, phức tạp. Tỷ lệ tử vong phẫu thuật tim giảm từ 7,7% vào năm 2004 xuống còn 1,1% vào năm 2014.
Mặc dù các phòng mổ đã làm việc hết công suất, y bác sĩ đã làm thêm giờ vào ngày thứ 7 và chủ nhật nhưng hiện vẫn còn hơn 1.300 trẻ bệnh tim bẩm sinh phải chờ phẫu thuật. Theo phó giáo sư Vũ Minh Phúc, tỷ lệ trẻ mắc sơ sinh bệnh tim hiện nay ở nước ta là 1/100. Mỗi năm với khoảng một triệu trẻ chào đời, ước tính hơn 10.000 trẻ phát hiện bệnh. Nếu tốc độ giải quyết những ca bệnh tim cho trẻ chậm hơn số trẻ sinh ra mắc bệnh thì danh sách chờ đợi phẫu thuật tim sẽ ngày càng dài thêm.
Hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiến hành 1-3 ca phẫu thuật tim, mỗi tuần trung bình 5-10 ca. Trong đó có 2-3 ca cấp cứu nặng từ tuyến tỉnh hoặc bệnh viện phụ sản chuyển qua phải mổ ngay không thể chờ đợi được. Do đó nhiều bệnh nhi đã được lên danh sách mổ nhưng vẫn phải tiếp tục kéo dài thời gian do ưu tiên những ca bệnh nặng. Điều này khiến nhiều trẻ từ bệnh nhẹ đã chuyển thành bệnh nặng, dẫn đến tình trạng các bác sĩ phải suốt ngày đối phó với những ca nặng thay vì can thiệp được cho trẻ ngay từ lúc còn nhẹ.
Theo bác sĩ Phúc, phòng mổ tim thường đòi hỏi trang thiết bị đặc biệt, đắt tiền. Hiện bệnh viện đã tăng cường lên 2 phòng mổ, bước đầu giải quyết được tình trạng quá tải. Ngoài ra giường hồi sức sau mổ cũng đòi hỏi nhiều máy móc riêng biệt. Mỗi trẻ phải hồi sức từ vài ngày đến vài tuần nên khi tăng cường phòng mổ thì phải đi kèm phòng hồi sức.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết bệnh viện đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập mạng lưới quản lý và điều trị bệnh tim cho các bệnh viện khu vực phía Nam. Bệnh nhi được chẩn đoán và quản lý tại địa phương, được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và sau khi xuất viện sẽ tái khám, tiếp tục điều trị và theo dõi tại địa phương theo phác đồ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Ngoài ra còn có Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang xây dựng với 1.000 giường bệnh, dự kiến sẽ được khánh thành giữa năm 2016. Trong đó, bệnh viện sẽ ưu tiên phát triển phẫu thuật tim mạch, góp phần giảm đáng kể tình trạng bệnh nhi chờ đợi mổ tim kéo dài như hiện nay.
Lê Phương