Ukraine không phải là thành viên NATO và có lẽ chưa thể gia nhập liên minh trong tương lai gần, song Kiev là chủ đề nghị sự chính tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay tại Litva.
Trước thềm hội nghị ngày 11-12/7, liên minh đã tìm cách thể hiện sự đoàn kết khi xung đột Ukraine trong giai đoạn rất nhạy cảm. Kiev đang tiến hành cuộc phản công nhằm giành lại lãnh thổ, nhưng tốc độ chậm chạp. Dù điều này không nằm ngoài dự đoán, các lãnh đạo phương Tây vẫn lo lắng liệu Ukraine và kho dự trữ vũ khí của họ có thể đáp ứng được nhu cầu khi cuộc chiến kéo dài hơn.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva được xem là cơ hội để tái khẳng định cam kết với Ukraine, nhưng cũng là để vạch rõ tương lai quân sự và chính trị của khối trong thế giới và châu Âu đã thay đổi.
Trước hội nghị, Ukraine muốn NATO nêu rõ lập trường và mốc thời gian kết nạp Kiev vào liên minh, thay vì những lời hứa mơ hồ rằng họ sẽ trở thành thành viên vào "một ngày nào đó". Lời kêu gọi của Kiev được một số thành viên NATO ủng hộ, đặc biệt là các nước Đông Âu. Những quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Đức, không muốn đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào khi xung đột Ukraine chưa có hồi kết rõ ràng, vì điều đó có nguy cơ kéo liên minh vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Quan điểm thận trọng này đã thắng thế. Trong tuyên bố chung của NATO sau hội nghị, liên minh nhất trí rằng Ukraine có thể gia nhập NATO khi "các điều kiện được đáp ứng". Song những điều kiện đó là gì không được nêu rõ ràng, dù các quan chức NATO từng chỉ ra nó gồm cải cách chính trị và pháp quyền, cùng việc chấm dứt xung đột với Nga.
NATO đã cố xoa dịu Ukraine bằng cách bỏ yêu cầu thực hiện Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP), loạt tiêu chuẩn mà ứng viên tiềm năng phải tuân theo để được kết nạp vào NATO. Điều này là sự thừa nhận rằng Kiev đã đạt được những mục tiêu chính trị và quân sự mà MAP đề ra.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong buổi họp báo ngày 11/7 rằng từ bỏ MAP sẽ thay đổi lộ trình trở thành thành viên của Ukraine từ "quá trình hai bước sang một bước".
Liên minh cũng đang thành lập Hội đồng Ukraine - NATO, nơi Kiev có thể ngồi vào bàn đàm phán với tất cả thành viên và đối tác của liên minh. "Đây là sự hỗ trợ mạnh mẽ dành cho Ukraine và là con đường rõ ràng đưa Kiev trở thành thành viên NATO", ông Stoltenberg nói.
Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không nghĩ như vậy. Khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh, ông tỏ rõ nỗi thất vọng với liên minh, cho rằng việc không đưa ra mốc thời gian cụ thể để kết nạp Kiev là "chưa từng có và vô lý".
"Có vẻ như mọi người không sẵn sàng mời Ukraine gia nhập NATO hay muốn nước này trở thành thành viên liên minh", ông nói.
Tổng thống Zelensky không sai, ít nhất về điểm liên minh chưa sẵn sàng mời Ukraine gia nhập, theo Jen Kirby, nhà phân tích của Vox. Trong khi một số người nói rằng Ukraine xứng đáng nhận được cam kết cụ thể, nhiều thành viên NATO nhận thấy cái giá của cam kết này là quá cao và không thể lường trước.
Trong suốt xung đột Ukraine, các đồng minh NATO luôn cân nhắc thận trọng việc tham gia của họ để tránh khiêu khích hoặc leo thang với Nga. Họ nhận thấy đưa ra mốc thời gian cụ thể cho Ukraine trong khi không biết khi nào chiến sự kết thúc không chỉ có thể kéo liên minh vào xung đột mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối đầu hạt nhân.
Tuy không đạt được điều mong muốn nhất là lời mời gia nhập NATO, Ukraine vẫn nhận được nhiều cam kết về vũ khí, trong đó có tên lửa tầm xa từ Pháp. Mỹ đến nay vẫn từ chối gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine, song tuần trước chính quyền ông Biden đã quyết định cung cấp đạn chùm cho Kiev.
Bên lề NATO, nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản cũng có các cam kết an ninh song phương dài hạn với Ukraine. Những cam kết này sẽ cần đàm phán thêm nhưng nhiều khả năng bao gồm viện trợ quân sự và kinh tế. Chúng được xây dựng dựa trên những gì Mỹ và đối tác đang cung cấp cho Ukraine, nhưng dường như hướng tới chặng đường dài.
"Ukraine cần những đảm bảo an ninh hiệu quả trên con đường gia nhập liên minh. Bây giờ chúng tôi có một gói đảm bảo phù hợp và mong các bên ủng hộ, tham gia", ông Zelensky viết trên Twitter.
Đây chính xác là những gì thành viên NATO muốn: ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Ukraine để họ có thể phòng vệ, nhưng theo cách tránh những cam kết rằng Mỹ và đồng minh cần phải tham gia chiến đấu trực tiếp.
"Đó là sự thừa nhận rằng bất kể cuộc chiến diễn biến thế nào, Ukraine cần tiếp tục được hỗ trợ và đầu tư. Song đó cũng là dấu hiệu cho thấy các quốc gia đang tìm cách ủng hộ Ukraine mà không liên quan tới NATO", nhà phân tích Kirby cho hay.
Sau những thất vọng và bức xúc, ông Zelensky dường như đã chấp nhận thực tế rằng Ukraine không thể nhận được lời mời gia nhập NATO vào thời điểm này. Ông gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đối tác đã ủng hộ Ukraine và nói rằng hội nghị vẫn là "thành công có ý nghĩa" với Ukraine, dù không được như kỳ vọng.
"Tất cả đồng minh của chúng tôi nhất trí rằng tương lai của Ukraine là ở trong NATO", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, khi đứng cạnh ông Zelensky tại cuối phiên họp của G7 ngày 12/7.
Thanh Tâm (Theo Vox, WSJ)