Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ bị tước bỏ tất cả, trừ vài bảo trợ.
Tháng 2/2021.
Họ đã tước đi tất cả, tôi nghĩ, ngay cả cấp bậc trong quân đội của tôi. Tôi không còn là Đại tướng Thủy quân lục chiến Hoàng gia nữa, một danh hiệu được truyền lại từ đời ông nội tôi. Tôi không còn được phép mặc bộ lễ phục quân đội của mình nữa. Tôi đã tự nhủ rằng họ không bao giờ có thể lấy đi bộ quân phục thực sự, hay tư cách người lính thực thụ của tôi. Nhưng hóa ra là có. Hơn thế nữa, lời tuyên bố kia còn nói rằng chúng tôi không còn được phục vụ theo bất kỳ cách nào cho Nữ hoàng nữa.
Họ làm ra vẻ như đã có một thỏa thuận giữa chúng tôi ấy. Nhưng làm gì có điều gì như vậy. Chúng tôi đáp lại bằng một bản thông cáo của riêng mình, cùng ra ngày hôm ấy, nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng sống cuộc đời phục vụ.
Cú tát mới nhất từ Cung điện này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Chúng tôi đã bị truyền thông tấn công không ngừng nghỉ kể từ lúc ra đi, nhưng việc chính thức cắt đứt mọi quan hệ này đã làm dâng lên một làn sóng mới, cảm giác rất khác. Chúng tôi bị lăng mạ hàng ngày, hàng giờ, trên các mạng xã hội, và thấy mình thành chủ đề của những câu chuyện tục tĩu, hoàn toàn bịa đặt trên khắp các báo, những câu chuyện luôn được gắn nhãn là "các trợ lí hoàng tộc" hay "người trong hoàng gia" hay "nguồn tin từ cung điện", những câu chuyện rõ ràng đã được nhân viên Cung điện mớm lời - và cũng có thể được gia đình tôi hậu thuẫn nữa.
Tôi không đọc bất kỳ bài báo nào, thậm chí hiếm khi nghe nói về nó. Giờ đây tôi né tránh internet như đã từng có lần tránh khu trung tâm quận Garmsir ở Afghanistan vậy. Tôi luôn để điện thoại ở chế độ im lặng. Thậm chí không rung. Đôi khi một người bạn với ý tốt sẽ nhắn tin: :Chúa ơi, tôi rất tiếc vì... và vì...". Chúng tôi đã phải yêu cầu người bạn đó, cũng như tất cả bạn bè, đừng báo cho chúng tôi biết những gì họ đã đọc được nữa.
Thật lòng mà nói, tôi đã không ngạc nhiên khi Cung điện cắt đứt mọi liên hệ. Tôi đã được nếm trải một chút từ trước đó nhiều tháng. Ngay trước ngày Lễ Tưởng niệm, tôi đã hỏi Cung điện xem liệu ai đó có thể đặt giúp tôi một vòng hoa ở Cenotaph được không, vì tất nhiên là tôi sẽ không thể có mặt ở đó. Yêu cầu bị từ chối.
Nếu vậy, tôi hỏi liệu có thể đặt hộ tôi một vòng hoa ở đâu đó khác trên nước Anh được không? Yêu cầu bị từ chối.
Nếu vậy, tôi lại nói, liệu có thể đặt giúp tôi một vòng hoa ở đâu đó trong Khối thịnh vượng chung, bất kỳ nơi nào, được không? Yêu cầu bị từ chối.
Người ta bảo tôi rằng không một nhân vật nào được phép đặt bất kỳ vòng hoa loại nào lên bất kỳ một nấm mộ sĩ tử nào nhân danh Hoàng tử Harry trên khắp thế giới này. Tôi van nài rằng nếu họ không cho phép thì đây sẽ là lần đầu tiên tôi để một ngày Lễ Tưởng niệm trôi qua mà không tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống, vài người trong số đó còn là bạn bè thân thiết của tôi.
Rốt cuộc tôi phải gọi điện cho một trong số những thầy hướng dẫn của mình ở Sandhurst và nhờ thầy đặt vòng hoa hộ tôi. Thầy gợi ý Đài tưởng niệm Iraq và Afghanistan, ở London, nơi mới được khánh thành vài năm về trước.
Do chính Bà nội tôi khánh thành. Phải rồi. Hoàn hảo. Cảm ơn thầy. Ông nói rằng đó là vinh dự của ông. Rồi ông nói thêm: "Mà này, Thượng úy Wales. Chết tiệt thật. Chuyện này thật là tệ".
Tôi nhận ra nhiều khả năng đây chỉ là trò bịp bợm. Nhưng người phụ nữ này được nhiều người bạn tin cậy của tôi giới thiệu nhiệt tình, nên tôi đã tự hỏi: Có hại gì đâu chứ?
Nhiều giờ sau đám tang của ông nội. Tôi đã đi dạo cùng anh Willy và cha trong khoảng nửa giờ, nhưng cảm giác giống như một chuyến hành quân nhiều ngày trời mà Quân đội đã rèn cho tôi hồi còn là tân binh. Tôi mệt bã cả người. Chúng tôi đi tới một ngõ cụt. Rồi chúng tôi tới một tàn tích Gothic. Sau khi đi trọn một vòng, chúng tôi trở về nơi mình đã bắt đầu.
Cha và anh Willy vẫn tuyên bố không hiểu tại sao tôi bỏ chạy khỏi nước Anh, vẫn tuyên bố không biết gì hết, và tôi đang sẵn sàng để ra về. Rồi một trong hai người nhắc đến cánh báo chí. Họ hỏi về vụ kiện hack điện thoại của tôi. Họ vẫn không hề hỏi thăm Meg, nhưng lại chăm chăm muốn biết vụ kiện của tôi đến đâu rồi, bởi vì đó là việc ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
"Vẫn đang tiến hành".
"Nhiệm vụ cảm tử", cha lẩm bẩm.
"Có thể. Nhưng nó xứng đáng".
Tôi nói rằng chẳng bao lâu nữa con sẽ chứng minh báo chí còn hơn cả lũ nói dối. Họ còn phá luật nữa. Con sẽ chứng kiến vài người trong số họ bị ném vào tù. Đó là lý do vì sao họ tấn công con dữ dội đến thế: họ biết con có bằng chứng chắc chắn.
Chuyện này không phải là vấn đề về tôi, mà là vấn đề về mối quan tâm của quần chúng.
Vừa lắc đầu, cha vừa công nhận rằng cánh phóng viên đúng là "cặn bã xã hội". Từ chính cha dùng. Nhưng...
Tôi khịt mũi. Lúc nào ông ấy chẳng thêm nhưng khi nói đến báo chí, bởi vì ông ấy căm ghét việc bị họ ghét, và thích được họ yêu thích biết bao nhiêu. Ai cũng có thể lập luận rằng đây chính là gốc rễ của toàn bộ vấn đề, quả thực là tất cả các vấn đề, kéo dài hàng thập kỷ nay. Vốn là một cậu bé bị tước đoạt tình yêu thương, một thanh niên bị các bạn học bắt nạt, ông đã bị thứ tiên dược mà họ mời chào lôi kéo một cách nguy hiểm và bốc đồng.
Cha nhắc đến ông nội như một minh chứng sáng chói của việc tại sao chúng tôi không cần phải quá bực tức với báo chí. Ông nội tội nghiệp của chúng tôi đã bị các báo quấy rầy gần như cả đời, nhưng giờ thì nhìn xem. Ông thành bảo vật quốc gia! Các báo không thể nói đủ lời hay ý đẹp về ông.
Chỉ có thế thôi sao? Cứ chờ đến khi chúng ta chết là mọi chuyện lại như không có gì ư?
"Nếu con có thể chịu đựng nó, con yêu ạ, trong một thời gian, thì rất buồn cười là họ sẽ bắt đầu tôn trọng con đấy".
Tôi cười phá lên.Tất cả những gì cha đang nói là đừng nặng lòng vì chuyện này quá.
Nhân nói đến việc nặng lòng vì mọi chuyện, tôi bảo họ rằng tôi có thể học được cách chịu đựng báo chí, thậm chí là tha thứ cho sự bạo hành của họ, tôi có thể, nhưng tội đồng lõa của chính gia đình tôi - cái đó thì phải mất thời gian lâu hơn mới bỏ qua được. Văn phòng của cha, văn phòng của anh Willy, đã tạo điều kiện cho những kẻ thủ ác kia, nếu không phải là công khai hợp tác với chúng?
Meg rõ ràng đã trở thành kẻ bắt nạt - và đó chính là chiến dịch độc địa mới nhất mà họ đã giúp dàn dựng. Nó đáng kinh ngạc và quá đáng đến mức, ngay cả sau khi Meg và tôi đã đập tan những lời giả dối của họ bằng một bản báo cáo dài hai mươi lăm trang, trình bày đủ bằng chứng với phòng Nhân sự, tôi vẫn phải vô cùng vất vả trong việc gạt bỏ nó.
Cha lùi lại. Anh Willy lắc đầu. Họ bắt đầu quay sang nói chuyện với nhau. Chúng ta đã nói về chuyện này cả trăm lần rồi, họ bảo. "Con bị hoang tưởng rồi, Harry à".
Nhưng họ mới chính là những người bị hoang tưởng.
Thậm chí, nếu chỉ vì mục đích tranh cãi, tôi chấp nhận rằng cha và anh Willy cùng nhân viên của họ chưa bao giờ làm một điều gì công khai chống lại tôi hay vợ tôi đi nữa - thì sự im lặng của họ là một thực tế không thể chối bỏ. Và sự im lặng ấy là đáng nguyền rủa, vẫn đang tiếp diễn, vẫn còn gây đau khổ.
Cha nói: "Con phải hiểu, con yêu, nền Quân chủ không thể ra lệnh cho báo chí phải làm này làm kia được!".
Một lần nữa, tôi phá ra cười. Cứ như cha đang nói ông không thể sai người giúp việc riêng của mình làm gì vậy.
Anh Willy nói tôi đúng là người thích hợp để nói về chuyện hợp tác với báo chí đấy. Thế còn cuộc phỏng vấn của tôi với Oprah thì sao?
Một tháng trước, Meg và tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey. (Vài ngày trước khi nó được lên sóng, những câu chuyện về việc "Meg là kẻ bắt nạt" đã bắt đầu nổi lên trên báo - trùng hợp quá nhỉ!). Kể từ khi rời Anh quốc, các cuộc tấn công chúng tôi đã tăng tiến theo hàm số mũ. Chúng tôi phải thử làm gì đó để ngăn nó lại chứ. Im lặng không ăn thua. Chỉ làm tình hình tồi tệ hơn mà thôi. Chúng tôi cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác.
Vài người bạn thân thiết và những nhân vật yêu dấu trong đời tôi, bao gồm cả một người con của Hugh và Emilie, cả chính Emilie, thậm chí cả cô Tiggy, đã cạch mặt tôi vì Oprah. Làm sao cậu có thể nói ra chuyện như thế? Về gia đình mình? Tôi bảo họ rằng tôi không hiểu việc nói chuyện với Oprah thì có gì khác với những gì mà gia đình tôi cùng nhân viên của họ đã làm hàng thập kỷ nay không – mớm cho báo chí những câu chuyện kín đáo, bịa đặt. Thế còn vô vàn những cuốn sách mà họ đã hợp tác sản xuất thì sao, bắt đầu từ hồi kí bí mật của Cha năm 1994 với Jonathan Dimbleby thì sao? Hay việc bà Camilla hợp tác với biên tập viên Geordie Greig? Điểm khác biệt duy nhất là Meg và tôi đã thẳng thắn về việc đó. Chúng tôi chọn một người phỏng vấn không ai nghi ngờ được, và chúng tôi đã không hề trốn tránh lần nào đằng sau những cụm từ như "nguồn tin từ Cung điện". Chúng tôi để mọi người thấy những lời đó tuôn ra từ chính miệng chúng tôi.
Tôi nhìn vào tàn tích Gothic. Có ích gì đâu? Tôi nghĩ. Cha và anh Willy sẽ không chịu nghe tôi và tôi sẽ không nghe họ. Họ chưa từng có một lời giải thích thỏa đáng nào cho những hành động và việc không hành động của họ, và sẽ không bao giờ nói, bởi vì không có lời giải thích nào cả. Tôi đã định nói tạm biệt, chúc may mắn, giữ gìn sức khỏe nhé, nhưng anh Willy vẫn còn hậm hực, anh hét lên rằng nếu thực sự mọi chuyện tồi tệ như tôi vừa trình bày, thì chính tôi là người có lỗi vì đã không bao giờ xin giúp đỡ.
"Em chưa bao giờ tới gặp cha và anh! Em chưa bao giờ tới gặp anh!".
Từ hồi bé đó đã luôn là góc nhìn của Willy về mọi chuyện. Tôi phải tới xin anh. Đích thân tôi phải vác xác tới một cách chính thống - quỳ gối xuống. Nếu không sẽ chẳng có sự hỗ trợ nào từ Người thừa kế cả. Tôi tự hỏi tại sao mình phải đến xin sự giúp đỡ từ anh trai ruột trong khi vợ tôi và tôi đang lâm vào cảnh hiểm nghèo.
Nếu chúng tôi sắp bị gấu vồ và anh đã trông thấy thế, chẳng lẽ anh sẽ chờ chúng tôi lên tiếng cầu cứu ư? Tôi nhắc đến thỏa thuận Sandringham. Tôi đã cầu xin sự giúp đỡ ở đó, khi thỏa thuận ấy bị vi phạm, bị xé toang, khi chúng tôi bị tước bỏ mọi thứ, và anh đã không thèm nhấc một ngón tay.
"Đó là do Bà nội! Phải nói chuyện với bà nội chứ!".
Tôi phẩy tay tỏ vẻ chán ghét, nhưng anh lại sấn tới, tóm áo tôi. "Nghe anh đây, Harold".
Tôi lách người ra, không thèm nhìn vào mắt anh. Anh buộc tôi phải nhìn vào mình.
"Nghe anh đây, Harold, nghe này! Anh yêu em, Harold! Anh muốn em sống hạnh phúc".
Từ ngữ vuột khỏi miệng tôi: "Em cũng yêu anh... nhưng sự cứng đầu của anh... thực sự là quá phi thường!".
"Em thì không thế chắc?".
Tôi lại giật người ra.
Anh tóm lấy tôi lần nữa, xoay tôi lại để duy trì sự tiếp xúc bằng mắt.
Harold, em phải nghe anh! Anh chỉ muốn em hạnh phúc, Harold. Anh thề... thề trên cuộc đời của mẹ.
Anh dừng lại. Tôi dừng. Cha cũng dừng. Anh đã đi đến đó.
Anh đã dùng đến mật mã, mật mã tối thượng. Kể từ lúc chúng tôi còn bé, những từ ấy đã chỉ được dùng đến trong lúc khủng hoảng cùng cực. "Trên cuộc đời của mẹ". Suốt gần hai mươi lăm năm qua, chúng tôi đã chỉ dành những lời đó cho một lời thề chấn động tâm can, chỉ cho những lúc một trong hai chúng tôi cần được nghe, được tin tưởng, ngay lập tức. Cho những lúc không còn điều gì khác ngăn được.
Nó đã làm tôi chết điếng, đúng như mục đích của nó. Không phải vì anh đã dùng đến, mà vì nó không hiệu quả. Tôi đơn giản là không tin anh nữa, không tin anh hoàn toàn. Và ngược lại. Anh cũng đã thấy điều đó. Anh thấy rằng chúng tôi đã bị đẩy đến một tình trạng đau đớn và ngờ vực lớn đến nỗi ngay cả những lời thiêng liêng ấy cũng không thể giải thoát cho chúng tôi.
Tôi nghĩ về việc chúng tôi đã lạc lối đến nhường nào. Chúng tôi đã xa rời nhau đến đâu. Tình yêu thương, mối liên kết giữa chúng tôi đã bị tổn hại đến mức nào, và tại sao? Tất cả chỉ vì một đám hề hèn mạt, những tên tội phạm vặt vãnh, những kẻ bắt nạt đáng đi viện tâm thần dọc phố Fleet cảm thấy cần phải tìm kiếm niềm vui, đồng thời khuếch đại lợi nhuận của chúng - và giải quyết những vấn đề cá nhân của chúng - bằng cách tra tấn một đại gia đình rất lâu đời và rất bất ổn.
Anh Willy vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận thất bại. "Anh đã cảm thấy buồn bã và đau khổ thực sự sau mọi chuyện đã xảy ra và... và... anh thề với em trên cuộc đời của mẹ rằng anh chỉ muốn em được hạnh phúc".
Giọng tôi nghẹn ngào khi tôi nói với anh thật khẽ: "Em không thực sự tin anh đã nghĩ thế đâu".
Tâm trí tôi bỗng nhiên ngập tràn những kỷ niệm về mối quan hệ của anh em tôi. Nhưng có một kỷ niệm đặc biệt rõ ràng, về Anh Willy và tôi, nhiều năm trước ở Tây Ban Nha. Một thung lũng xinh đẹp, bầu trời sáng rực rỡ với thứ ánh sáng trong trẻo bất thường ở Địa Trung Hải ấy, và hai chúng tôi cùng quỳ sau một bức tường vải màu xanh trong lúc tiếng tù và đi săn đầu tiên vang lên. Kéo sụp chiếc mũ nồi xuống khi những con gà gô đầu tiên lao về phía chúng tôi, pằng pằng, vài con ngã xuống. Chúng tôi đưa súng của mình cho người nạp đạn, những người này đưa lại một khẩu súng mới, pằng pằng, thêm mấy chú gà ngã ra, lại nhận về khẩu súng ban đầu. Áo sơ mi của chúng tôi thẫm lại vì mồ hôi. Mặt đất đầy những con gà đủ nuôi mấy ngôi làng gần đó trong vài tuần, pằng, phát đạn cuối cùng, cả hai chúng tôi đều không thể bắn trượt. Rồi cuối cùng chúng tôi đứng dậy, mồ hôi đầm đìa, đói, hạnh phúc, vì chúng tôi còn trẻ và đang ở bên nhau, và đây chính là nơi chốn của chúng tôi, không gian thực sự của chúng tôi, cách xa khỏi Họ và gần với Thiên Nhiên. Đó thực sự là một khoảnh khắc siêu việt đến mức chúng tôi quay sang và làm việc hiếm hoi nhất trong đời - chúng tôi ôm nhau. Thực sự ôm nhau.
Nhưng giờ đây, tôi đã thấy rằng ngay cả những giây phút tuyệt vời nhất của chúng tôi, những ký ức đẹp nhất của tôi, vì lý do gì đó cũng gắn với cái chết. Cuộc đời chúng tôi đã được xây nên từ cái chết, những ngày tươi sáng nhất cũng bị nó che khuất. Khi nhìn lại, tôi không thấy những thời khắc thiêng liêng, mà chỉ thấy những điệu nhảy cùng thần chết. Tôi đã thấy cách chúng tôi lao mình vào trong nó. Chúng tôi đã được rửa tội và phong tước, tốt nghiệp và kết hôn, và sau đó bước qua hài cốt của những người thân.
Bản thân Lâu đài Windsor là một hầm mộ, với những bức tường chứa đầy tổ tiên chúng tôi. Tháp London từng được gắn lại bằng máu động vật, do những người thợ xây đầu tiên từ một ngàn năm về trước tôi lớp vữa giữa các viên gạch. Người ngoài gọi chúng tôi là một giáo phái, thế thì có thể chúng tôi là giáo phái của người chết, chẳng phải như thế càng suy đồi hơn ư? Thậm chí sau khi đã tiễn đưa Ông Nội về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, chẳng phải chúng tôi đã chán ngấy nơi này rồi sao? Tại sao chúng tôi lại ở đây, lẩn lút dọc theo rìa của một "vùng đất chưa biết tới, nơi không một ai tới đó có thể trở về" chứ?
Mặc dù có thể câu đó thích hợp để mô tả nước Mỹ hơn.
Anh Willy vẫn còn đang nói, cha nói chen vào anh, còn tôi thì không nghe nổi lời nào của họ nữa. Tôi đã đi rồi, đã trên đường tới California, một giọng nói trong đầu tôi đang lên tiếng: "Cái chết thế là đủ rồi - đủ rồi".
Đến khi nào một ai đó trong gia đình này mới chịu thoát ra và sống đây?
Vào cái ngày trọng đại ấy, cả hai chúng tôi đều chắc chắn hơn, bình tĩnh hơn - và vững vàng hơn. Vui sướng quá, chúng tôi nói, khi không cần phải lo lắng về thời điểm, về các quy định, về đám phóng viên chầu chực ngoài cổng chính.
Chúng tôi lái xe điềm tĩnh, đường hoàng tới bệnh viện, ở đó một lần nữa các vệ sĩ lại mang thức ăn cho chúng tôi. Lần này họ mang bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên từ chuỗi cửa hàng ăn nhanh In-N-Out tới. Cả món fajita từ một nhà hàng Mexico địa phương cho Meg. Chúng tôi ăn ngấu nghiến rồi nhảy điệu Baby Mama quanh phòng bệnh. Không có gì ngoài niềm vui và tình yêu trong căn phòng đó.
Tuy nhiên, sau nhiều giờ thì Meg phải hỏi bác sĩ: "Khi nào?".
"Sắp rồi. Chúng ta gần lắm rồi".
Lần này tôi không chạm đến khí cười. (Vì không có.) Tôi hiện diện ở đây toàn thời gian. Tôi ở bên Meg qua từng lần rặn.
Khi bác sĩ bảo rằng chỉ còn vài phút nữa thôi, tôi nói với Meg rằng tôi muốn gương mặt mình là điều đầu tiên mà cô con gái nhỏ trông thấy.
Chúng tôi biết là mình sắp có một bé gái.
Meg gật đầu, siết chặt tay tôi.
Tôi bước tới đứng cạnh bác sĩ. Cả hai chúng tôi khom người xuống. Cứ như sắp cầu nguyện.
Bác sĩ gọi với ra: "Đỉnh đầu đang ra".
Đỉnh đầu, tôi nghĩ. Không thể tin nổi.
Nước da bé xanh lét. Tôi sợ là bé không có đủ ô-xy. Con bé có bị nghẹt thở không? Tôi nhìn vào Meg. "Một lần rặn nữa, em yêu! Chúng ta gần lắm rồi".
"Đây, đây, đây", bác sĩ nói và hướng dẫn bàn tay tôi, "ngay đây".
Một tiếng thét, và sau đó là một khoảnh khắc tĩnh lặng thuần khiết. Không phải là quá khứ và tương lai đột nhiên nhập làm một như thi thoảng vẫn thế. Mà đó là khi quá khứ không còn quan trọng nữa, khi tương lai không còn tồn tại nữa. Chỉ còn hiện tại mãnh liệt này thôi, rồi bác sĩ quay sang tôi và hét lên: "Ngay bây giờ!".
Tôi trượt hai bàn tay xuống dưới tấm lưng và cái cổ bé xíu. Nhẹ nhàng, nhưng chắc chắn, đúng như những gì đã xem trên phim, tôi lôi con gái quý báu của chúng tôi từ thế giới bên kia sang bên này, và ôm con trong một khoảnh khắc, cố mỉm cười với con, nhìn con, nhưng thực ra là tôi chẳng trông thấy gì cả. Tôi muốn nói: "Chào con". Tôi muốn nói: "Con đã từ đâu ra thế?". Tôi muốn nói: "Ở đó có tốt hơn không? Có yên bình hơn không? Con có sợ không?".
"Đừng sợ, đừng sợ, tất cả rồi sẽ ổn".
"Cha sẽ bảo vệ con".
Tôi chuyền bé cho Meg. Da kề da, như y tá đã dặn.
Sau đó, sau khi mang con về nhà, sau khi đã ổn định nhịp sống mới của một gia đình bốn thành viên, Meg và tôi cũng da kề da và nàng nói: "Em chưa bao giờ yêu anh nhiều hơn khoảnh khắc đó".
"Thật ư?".
"Thật".
Nàng đã ghi chép vài suy nghĩ vào một dạng nhật ký. Và nàng đã chia sẻ với tôi. Tôi đọc chúng như đọc thư tình. Tôi đọc chúng như một lời chứng, một lời thề nguyện mới của chúng tôi. Tôi đọc chúng như một đoạn trích, một lời chúc, một tuyên ngôn. Tôi đọc chúng như một nghị quyết. Nàng đã nói: "Anh là tất cả". Nàng đã nói: "Anh là một người đàn ông". Tình yêu của tôi. Nàng đã nói: "Anh không phải là một Kẻ dự bị".
(Trích sách Kẻ dự bị, Harry, Orkid - Phương Nhung dịch, BachvietBooks phát hành)