Tôi tỉnh dậy vì một tin nhắn từ Jason.
"Tin xấu".
"Giờ lại gì nữa?".
Tờ Mail on Sunday đã đăng một bức thư riêng tư Meg viết cho cha mình. Chính lá thư mà bà nội và cha đã thúc giục nàng viết.
Tháng 2/2019.
Tôi đang nằm trên giường, Meg nằm cạnh tôi, vẫn còn say ngủ.
Tôi chờ một lát rồi nhẹ nhàng báo tin dữ cho nàng.
"Cha em đã gửi lá thư của em cho tờ Mail".
"Không".
"Meg, anh không biết phải nói gì, ông đã gửi cho họ lá thư của em".
Thời điểm ấy, đối với tôi, chính là giờ khắc quyết định. Về chuyện ông Markle, nhưng cũng về chuyện báo chí nữa. Đã có quá nhiều thời điểm, nhưng với tôi đó chính là khoảnh khắc ấy. Tôi không muốn nghe thêm về quy định với truyền thống hay chiến thuật gì nữa. "Đủ rồi", tôi nghĩ.
Báo chí biết cho đăng lá thư ấy là việc phạm pháp, họ biết quá rõ là khác, nhưng vẫn làm. Vì sao? Bởi họ cũng biết rằng Meg không được che chở. Họ biết nàng không có được sự hỗ trợ vững chãi từ gia đình tôi, và làm thế nào họ có thể biết được điều này, nếu không phải là từ chính những người gần gũi với gia đình? Hay thậm chí là người trong nhà? Báo chí biết rằng Meg chỉ có thể đi kiện, nhưng nàng không thể làm vậy vì chỉ có một vị luật sư duy nhất làm việc cùng gia đình, mà luật sư ấy lại chịu sự kiểm soát của Cung điện, và Cung điện sẽ không bao giờ ủy quyền cho ông ta hành động nhân danh Meg.
Trong lá thư ấy không có điều gì đáng xấu hổ cả. Chỉ là một người con gái cầu xin cha mình hãy cư xử đàng hoàng? Meg nói đúng từng từ một. Nàng đã luôn biết trước nó có thể bị đọc trộm, có thể bởi một trong những người hàng xóm của cha nàng, hay bởi một trong những gã thợ săn ảnh đang bám trụ ngoài nhà ông, sẽ ăn cắp thư tín của ông. Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng nàng không bao giờ ngờ rằng chính cha mình sẽ đưa nó ra, hay một tờ báo sẽ thực sự nhận nó - và còn cho đăng bài.
Và sửa lại nó nữa. Quả thực, đó sẽ làm việc làm táo tợn nhất, cái cách các biên tập viên cắt và dán lại lời lẽ của Meg để làm cho chúng nghe có vẻ bớt thân thiết.
Nhìn thấy một thứ riêng tư như thế bị bêu đầy trên các trang nhất, rồi bị người dân trên khắp nước Anh đọc ngấu nghiến bên bữa bánh mì và nước chanh buổi sáng của họ, đã đủ để cảm thấy bị xâm phạm lắm rồi. Nhưng nỗi đau ấy còn nhân lên gấp mười lần bởi những bài phỏng vấn cùng thời điểm với các chuyên gia chữ viết tự nhận, những kẻ phân tích lá thư của Meg và nhận xét từ cái cách nàng gạch ngang chữ T hay vòng nét chữ R rằng nàng là một con người kinh khủng.
Nét chữ nghiêng phải ư? Cảm tính thái quá.
Quá điệu đà ư? Thích trình diễn quá lố.
Đường gốc không đều ư? Thiếu kiềm chế, tính bốc đồng.
Cái nhìn trên mặt Meg khi tôi kể cho nàng nghe những lời phỉ báng này đang được lan truyền... bản thân tôi không lạ gì nỗi đau, và không thể lầm lẫn được nữa - cái nhìn ấy chính là nỗi đau thuần túy. Nàng đang than khóc vì mất cha, đang than khóc cho sự ngây thơ của chính mình nay đã mất. Nàng nhắc tôi trong tiếng thì thào, như thể nghi ngờ ai đó đang nghe lén, rằng nàng đã đi học lớp viết tay hồi cấp ba, kết quả là nàng luôn có nét chữ tuyệt vời. Nhiều người đã khen chữ nàng. Thậm chí nàng còn dùng kỹ năng này hồi học đại học để kiếm thêm chút tiền lẻ. Hằng đêm, các cuối tuần, nàng viết tay các thiệp mời đám cưới và tiệc sinh nhật, để kiếm tiền thuê nhà. Giờ đây người ta đang cố nói rằng nó là một kiểu cửa sổ nhìn vào tâm hồn nàng ư? Và cửa sổ ấy bẩn thỉu?
"Tra tấn Meghan Markle đã trở thành môn thể thao quốc dân làm chúng ta phải hổ thẹn", một dòng tít trên tờ The Guardian đã viết.
Quá đúng. Nhưng vấn đề là không ai thấy hổ thẹn cả. Không ai cảm giác một chút xíu lương tâm tội lỗi nào. Liệu rốt cuộc họ có thấy thế không nếu gây ra một cuộc li dị? Hay phải cần tới một cái chết khác?
Tất cả những nỗi hổ thẹn họ từng cảm nhận hồi cuối thập niên 1990 đâu hết rồi?
Meg đã muốn khởi kiện. Tôi cũng vậy. Đúng hơn là, cả hai chúng tôi đều cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. Nếu chuyện này mà chúng ta còn không đi kiện, chúng tôi nói, thì điều đó sẽ nói lên cái gì? Với báo chí? Với thế giới? Vậy là chúng tôi lại tham vấn với luật sư của Cung điện.
Chúng tôi bị dẫn đi vòng quanh.
Tôi liên hệ với cha và anh Willy. Cả hai đều đã từng kiện báo chí vì các hành vi xâm phạm riêng tư và dối trá. Cha đã kiện vì cái gọi là Những Lá Thư Của Góa Phụ Đen, những bản ghi nhớ của ông dành cho các quan chức chính phủ. Anh Willy thì kiện vì những bức ảnh bán khỏa thân của chị Kate.
Nhưng cả hai đều kịch liệt phản đối ý tưởng Meg và tôi đụng đến hành động pháp lý.
"Tại sao?". Tôi hỏi.
Họ ậm à ậm ừ. Câu trả lời duy nhất tôi thu được từ họ đơn giản là không nên làm việc này. Sự đã rồi, đại loại thế.
Tôi bảo Meg: "Nghe còn tưởng chúng ta đang kiện một người bạn thân của họ ấy chứ".
Anh Willy yêu cầu gặp mặt. Anh muốn nói về tất cả mọi chuyện, toàn bộ thảm họa đang xảy ra này.
"Chỉ anh và em", anh nói.
Vô tình lúc ấy Meg đang ra khỏi thành phố để ghé thăm mấy cô bạn, nên thời điểm anh chọn quả là hoàn hảo. Tôi mời anh qua.
Một giờ sau, anh bước chân vào Nott Cott, nơi anh đã không đặt chân đến từ lúc Meg mới dọn vào ở. Trông anh cực kỳ nóng giận.
Lúc đó mới là đầu buổi tối. Tôi mời anh một ly, hỏi thăm về gia đình anh.
"Mọi người đều ổn".
Anh không hề hỏi thăm gia đình tôi. Anh nói thẳng luôn. Vào thẳng vấn đề chính.
"Meg đang gây khó dễ", anh nói.
"Ồ, thật sao?".
"Cô ấy thô lỗ. Thiếu cảm thông. Cô ấy xa lánh đến phân nửa nhân viên".
Không phải lần đầu tiên anh nhại lại giọng điệu của báo chí. Công tước phu nhân khó tính, tất cả những điều bẩn thỉu ấy. Đồn thổi, dối trá từ nhân viên của anh, rác rưởi trên báo lá cải, và tôi nói thế với anh - một lần nữa. Tôi nói mình đã mong đợi điều hơn thế từ chính anh ruột. Tôi bị sốc khi thấy việc nói ra điều đó đã thực sự làm anh tức giận. Có phải anh đã tới đây với mong đợi khác? Anh đã tưởng tôi sẽ đồng tình rằng cô dâu của mình là một con quái vật sao?
Tôi bảo anh hãy lùi lại một bước, hít một hơi và thực sự tự vấn: "Chẳng phải Meg là em dâu anh sao? Chẳng phải thể chế này là thứ độc hại với bất kỳ ai mới đến ư? Trong trường hợp tệ nhất, nếu em dâu anh đang gặp vấn đề khi phải thích nghi với một văn phòng mới, gia đình mới, đất nước mới, nền văn hóa mới, chẳng lẽ anh không thể nhìn ra mà cảm thông ít nhiều với cô ấy à? Chẳng lẽ anh không thể đứng về phía cô ấy? Giúp cô ấy ư?".
Anh không thèm quan tâm đến tranh luận. Anh tới đây là để hạ lệnh. Anh muốn tôi đồng ý rằng Meg đã sai, rồi đồng ý làm gì đó về việc này.
Như việc gì? Mắng nàng à? Sa thải nàng? Ly dị nàng? Tôi không biết. Nhưng anh Willy cũng không biết nốt, anh đang không nói chuyện bằng lý lẽ. Mỗi lần tôi cố làm anh chậm lại, chỉ ra điểm bất hợp lý trong lời anh nói, thì anh lại càng to tiếng. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã nhảy vào mồm nhau, cả hai cùng hét tướng lên.
Trong số tất cả cảm xúc khác biệt và hỗn độn mà anh trai tôi trải qua vào chiều ngày hôm đó, một điều đã thực sự nảy ra với tôi. Dường như anh rất bất mãn. Anh cảm thấy ấm ức vì tôi không chỉ bất tuân anh, mà còn bướng bỉnh đến nỗi từ chối hay cãi lại lệnh anh, dám bác lại hiểu biết của anh, vốn tới từ những trợ lý đáng tin cậy. Ở đây có một kịch bản và tôi đã cả gan không diễn theo nó. Anh đang toàn tâm nhập vai Người thừa kế, không tài nào hiểu nổi tại sao tôi lại không ngoan ngoãn khoác đúng vai trò Kẻ dự bị.
Tôi đang ngồi trên ghế sô pha, còn anh đứng trước mặt tôi. Tôi nhớ mình đã nói: "Anh cần phải nghe em nói, anh Willy".
Anh không nghe. Đơn giản là không nghe gì cả.
Công bằng mà nói, anh cũng cảm thấy tương tự về tôi.
Anh văng tục. Gọi tôi bằng đủ thứ tên. Anh nói tôi không chịu nhận trách nhiệm cho những việc đang xảy ra. Anh nói tôi không quan tâm gì đến văn phòng và những người làm việc cho mình.
"Anh Willy, anh có thể dẫn chỉ một ví dụ".
Anh cắt lời tôi, nói rằng anh chỉ đang cố giúp tôi.
"Anh nói thật đấy à? Giúp em? Xin lỗi nhé - thế này mà anh gọi là giúp? Giúp em cơ đấy?".
Vì lý do gì đó mà câu nói này thực sự làm anh bùng nổ. Anh vừa bước về phía tôi vừa chửi thề.
Nãy giờ tôi đã thấy không thoải mái rồi, nhưng đến lúc này thì tôi hơi sợ. Tôi đứng lên, khẽ lướt qua anh lúc tôi đi ra bếp, tới bên bồn rửa. Anh đang ở ngay sau lưng tôi, vừa đi theo vừa mắng nhiếc tôi.
Tôi rót cho mình một cốc nước, rồi một cốc nữa cho anh. Tôi đưa nó cho anh. Tôi không nghĩ anh uống ngụm nào.
"Anh Willy, em không thể nói chuyện với anh khi anh như thế này được".
Anh đặt cốc nước xuống, lại gọi tôi bằng đủ thứ tên rồi lao vào tôi. Tất cả diễn ra quá nhanh. Quá nhanh. Anh tóm cổ áo tôi, giật tung dây chuyền của tôi, và xô tôi ngã xuống sàn. Tôi ngã lên cái bát ăn của lũ chó, cảm thấy nó vỡ ra sau lưng tôi, mảnh vỡ chọc phải người tôi. Tôi nằm đó một lát, choáng váng, rồi đứng dậy và bảo anh ra ngoài.
"Tới đi, đánh anh đi! Em sẽ thấy khá hơn nếu em đánh anh!".
"Làm gì cơ?".
"Nào, lúc nào chúng ta chẳng đánh nhau. Em sẽ thấy khá hơn nếu em đánh anh".
"Không, chỉ có anh thấy khá hơn nếu em đánh anh thôi. Xin anh... đi về cho".
Anh ra khỏi nhà bếp, nhưng không rời Nott Cott. Anh vẫn còn ở phòng khách, tôi biết thế. Tôi nán lại trong bếp. Hai phút trôi qua, hai phút dài đằng đẵng. Anh quay lại, trông có vẻ hối hận và xin lỗi.
Anh đi ra cửa trước. Lần này thì tôi đi theo. Trước khi ra về, anh quay người và nói với lại: "Em không cần kể với Meg về việc này".
"Ý anh là chuyện anh đã tấn công em?".
"Anh không tấn công em, Harold".
"Được. Em sẽ không kể".
"Tốt, cảm ơn em".
Anh ra về.
Tôi nhìn vào điện thoại. Một lời hứa là một lời hứa, tôi tự nhủ, nên tôi đã không thể gọi cho vợ mình, dù rất muốn làm thế.
Nhưng tôi cần nói chuyện với ai đó. Nên tôi gọi cho bác sĩ tâm lý.
Tạ ơn Chúa, chị đã nghe máy.
Tôi xin lỗi vì làm phiền, bảo chị rằng mình không còn biết phải gọi cho ai nữa. Tôi kể với chị rằng mình vừa cãi nhau với anh Willy, anh đã xô tôi ngã ra sàn. Tôi nhìn xuống và bảo chị rằng áo sơ mi của tôi đã bị rách, dây chuyền thì bị đứt.
"Bọn em đã có cả triệu cuộc đánh đấm trong đời", tôi kể với chị. "Hồi còn bé bọn em chẳng làm gì ngoài gây lộn cả. Nhưng lần này rất khác".
Bác sĩ bảo tôi hít vài hơi thật sâu. Chị bảo tôi mô tả lại cảnh ấy thêm vài lần. Mỗi lần tôi tả lại thì nó dường như càng giống một giấc mơ xấu hơn. Việc ấy làm tôi bình tĩnh hơn.
Tôi bảo với chị: "Em tự hào về bản thân lắm".
"Tự hào sao, Harry? Tại sao?".
"Em đã không đánh trả anh ấy".
Tôi giữ lời hứa của mình, tôi đã không kể cho Meg.
Nhưng không bao lâu sau khi trở về, nàng trông thấy tôi ra khỏi phòng tắm và há hốc miệng.
"Haz, những vết xước và sưng tím trên lưng anh là sao?".
Tôi đã không thể nói dối nàng.
Nàng không ngạc nhiên lắm, cũng không tức giận cho lắm.
Nàng chỉ buồn kinh khủng.
Chẳng bao lâu sau cái ngày hôm ấy, người ta thông báo chính thức rằng hai gia đình hoàng gia, Cambridge và Sussex, sẽ không dùng chung một văn phòng nữa. Chúng tôi không còn làm việc cùng nhau trong bất kỳ tư cách nào. Bộ Tứ Tuyệt Vời... thế là hết.
Phản ứng đúng như trông đợi. Công chúng thì rền rĩ, báo chí làm ầm ĩ. Phản ứng đáng buồn hơn nữa tới từ gia đình tôi cơ. Im lặng. Họ chưa từng bình phẩm công khai, chưa từng nói bất kỳ điều gì riêng tư với tôi. Tôi chưa bao giờ nghe lời nào từ Cha, chưa nghe lời nào từ bà nội. Điều đó làm tôi suy nghĩ, thực sự suy nghĩ, về sự im lặng vẫn bao trùm mọi thứ khác từng xảy ra với tôi và Meg. Tôi đã luôn tự nhủ rằng chỉ vì tất cả mọi người trong nhà tôi không chỉ trích dứt khoát các cuộc tấn công của báo giới, không có nghĩa là họ bỏ qua cho những kẻ đó. Nhưng giờ thì tôi tự hỏi: Có đúng thế không? Làm sao tôi biết? Nếu họ chưa bao giờ nói gì, làm sao tôi lại thường xuyên giả định là tôi biết họ đang cảm thấy gì? Tại sao tôi lại giả định rằng đương nhiên họ đứng về phe mình?
Tất cả mọi điều tôi đã được dạy bảo, mọi điều tôi đã lớn lên mà tin tưởng về gia đình, về nền quân chủ, về bản chất công bằng cốt lõi của nó, về nhiệm vụ đoàn kết thay vì chia rẽ của nó, giờ đây bị xét lại và bị cật vấn. Phải chăng tất cả chỉ là giả tạo? Tất cả chỉ là một màn trình diễn? Bởi vì nếu chúng tôi không thể đứng lên vì nhau, ủng hộ thành viên mới nhất của chúng tôi, thành viên đa chủng tộc đầu tiên của chúng tôi, thế thì chúng tôi thực sự là gì? Đó có thực sự là một nền quân chủ lập hiến hay không? Có thực sự là một gia đình hay không?
Chẳng phải "bảo vệ lẫn nhau" chính là quy tắc đầu tiên trong mọi gia đình ư?.