Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ ba là sự kiện nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ từ 18 tới 35 tuổi. Có 762 tác phẩm tham dự, 112 tác phẩm được chọn trưng bày ở triển lãm từ 20/8 đến 5/9 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Hội đồng Nghệ thuật gồm các giám tuyển, nghệ sĩ uy tín, nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật... đã làm việc để chọn ra giải thưởng cao nhất. Mặc dù hội họa chiếm số lượng nhiều nhất (61 tranh) được chọn để trưng bày, rất ít tác phẩm lọt vào danh sách giải thưởng của Festival.
![body-6437-1409973412.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2014/09/06/body-6437-1409973412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=b2oDjsc8bNcyt5mNqcjdKw)
"Dự án mới" - điêu khắc sắt hàn của Trần Văn An giành giải nhất Festival.
Là loại hình nghệ thuật lâu đời, song hội họa không có tác phẩm nào đứng trong ba tác phẩm đoạt giải cao nhất. Tác phẩm điêu khắc sắt hàn Dự án mới đã mang về giải Nhất cho nghệ sĩ Trần Văn An. Hai giải Nhì, trong đó một tác phẩm là điêu khắc Cánh của Nguyễn Lập Phương, và tác phẩm sắp đặt Những con mèo của Thái Nhật Minh.
Trong ba tác phẩm đoạt giải Ba, chỉ có một tác phẩm hội họa là Bão kim loại của Nông Tiến Dũng, hai tác phẩm khác cùng nhận giải thưởng là tác phẩm khắc gỗ Ngày mai ra khơi của Vũ Xuân Tình và video art Đức Phật của Võ Việt Dũng. Có tới 10 tác phẩm đoạt giải khuyến khích, nhưng chỉ có hai bức tranh lọt vào danh sách này. Tám tác phẩm còn lại thuộc về điêu khắc, đồ họa và sắp đặt.
Ông Lê Văn Sửu - Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghệ thuật - đánh giá về các tác phẩm hội họa tham gia Festival: "Số lượng nhiều song hội họa lại đứng trước thách thức phải vượt qua những thành tựu đã có, trước sự thưởng thức và suy xét của công chúng. Phần lớn tác phẩm hội họa chỉ dừng lại ở sự chắc chắn về kết cấu hình thể hay kỹ thuật chất liệu, đôi khi nhàm chán bởi chưa thoát được tính chất trường quy của một bài học".
Trước câu hỏi, dường như Festival phản ánh sự bế tắc của hội họa Việt Nam, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên Hội đồng Nghệ thuật - cho rằng điều đó thể hiện một xu thế thưởng thức nghệ thuật mới. Theo ông Vi Kiến Thành, người xem ngày nay đòi hỏi những gì ấn tượng mạnh mẽ, phản chiếu xã hội. Dường như điêu khắc và đồ họa đang trùng với ngôn ngữ biểu đạt của xã hội hiện đại; còn hội họa chưa tỏ rõ ưu thế mạnh mẽ".
Ông Lê Văn Sửu cũng chỉ ra điểm yếu của hội họa là quá khuôn mẫu: "Điêu khắc, đồ họa, sắp đặt là ba loại hình có nhiều sáng tạo và tạo xúc cảm thẩm mỹ, ấn tượng mạnh với người xem... Các nghệ sĩ sáng tác hội họa để có được sự hấp dẫn, cần vượt qua khuôn mẫu đã có, hướng đến miền đất mới, với sáng tạo và sự khác biệt".
Festival Mỹ thuật Trẻ lần ba cũng thiếu vắng tác phẩm trình diễn. Nếu như Festival lần hai trao giải cho tác phẩm trình diễn của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè, thì sau ba năm, cuộc chơi lớn của mỹ thuật trẻ toàn quốc không có tác phẩm trình diễn nào. Tuy thắng thế ở Festival năm nay, nhưng điêu khắc và sắp đặt cũng không có tác phẩm trưng bày ngoài trời. Ông Lê Văn Sửu nhận xét: "Đó là một sự trống vắng của một miền sáng tạo nghệ thuật khá hợp với tuổi trẻ".
* Các tác phẩm đoạt giải tại Festival
Lam Thu