Hương giải thích, do có người thân làm ngân hàng nên bố mẹ cô hy vọng nhờ họ xin được việc khi con ra trường.
Đạt 25 điểm tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), Hương trúng tuyển ngành Kinh tế của một trường đại học ở Hà Nội. Nhưng càng học, Hương càng chán. "Mình không thích Toán, cũng không phải người nhanh nhạy với biến động của kinh tế, thị trường. Các môn học luôn khiến mình chật vật".
Trong khi đó, nữ sinh năm hai tìm thấy niềm vui trong công việc làm thêm tại một công ty du lịch. Cô nhận thấy mình hào hứng và dường như phù hợp với lĩnh vực này hơn. Dù vậy, Hương "không dám thi lại hay chuyển ngành" khi đã học được hai năm. "Mình đành cố học Kinh tế rồi tốt nghiệp, cùng thời gian đó sẽ tranh thủ đi làm, lấy kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch", Hương chia sẻ.
Theo một khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM năm 2019, khoảng 60% sinh viên chọn sai ngành học, 75% thiếu hiểu biết về ngành nghề đã chọn. Nhiều trong số này hối hận khi "nhắm mắt" chọn ngành và trường mà không có chút định hướng nào nhưng vẫn cố theo học vì tiếc nuối bằng cấp.
Từng có bốn năm học Kiểm toán tại Học viện Tài chính, Linh (24 tuổi, Phú Thọ) chưa làm công việc gì liên quan đến ngành học trong suốt hai năm sau ra trường.
Vốn là học sinh giỏi Văn, từng đoạt giải ba cấp tỉnh năm lớp 12, thế nhưng, khi đăng ký xét tuyển đại học, cô lại chọn Học viện Tài chính vì ba lý do "truyền miệng": trường nằm trong "big 4" trường Kinh tế phía bắc; ngành Kế toán - Kiểm toán không lo thất nghiệp; tiêu chí xét tuyển dễ.
Năm đó, Học viện Tài chính xét 50% tổng chỉ tiêu theo kết quả học bạ THPT. Chỉ cần học trường công lập, có học lực giỏi và hạnh kiểm tốt cả ba năm là đủ điều kiện xét tuyển. Có thêm giải ba cấp tỉnh Ngữ văn, Linh càng được ưu tiên. "Khi đó, mình không biết ngành này, trường này sẽ phải học cái gì; chỉ nghĩ trường có danh tiếng thì bằng cấp được coi trọng", Linh chia sẻ.
Khi chưa biết điểm thi THPT quốc gia, Linh thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển theo phương thức xét học bạ của Học viện Tài chính. Cô không chờ kết quả từ các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi nữa mà lập tức nhập học theo yêu cầu của trường. Cô còn thấy may mắn vì đã "yên vị" ở ngôi trường có tiếng trong khi nhiều bạn vẫn thấp thỏm đợi kết quả.
Nhưng Linh sớm nhận ra sai lầm khi phải học Toán cao cấp ở năm nhất, khác hoàn toàn với Toán ở bậc phổ thông dành cho học sinh thiên về các môn xã hội. Trượt Toán ngay năm đầu, Linh bắt đầu mất động lực. Những năm sau, các môn liên quan đến Toán và chuyên ngành Kiểm toán ngày càng nhiều. Linh tiếp tục trượt thêm môn nữa. Thay vì học, cô vùi đầu vào công việc tư vấn khách hàng cho một công ty xuất khẩu lao động. Lúc này, cô mới nhận ra mình có khiếu ăn nói, khả năng thuyết phục.
"Giá như mình học ngành Quan hệ công chúng hay một ngành nào đó yêu cầu giao tiếp tốt", Linh tự thấy đã lãng phí bốn năm đại học vì tấm bằng đem về cất tủ. Tự trách bản thân nhưng nữ sinh cũng nhận ra, giá như được định hướng nghề nghiệp từ bậc phổ thông, cô có thể đã tìm được ngành phù hợp hơn trước khi vào đại học.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nhấn mạnh vai trò của định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông. Ông cũng khuyên học sinh nắm được điểm mạnh và yếu của mình khi chọn ngành, nghề hoặc xin tư vấn hướng nghiệp.
"Chỉ khi xác định được ngành phù hợp với sở thích và năng lực, các em mới tiến tới chọn trường", ông Ngọc nói. Hiện hầu hết trường đào tạo đa ngành. Học sinh cần tìm hiểu các ngành thế mạnh của các trường, đồng thời xem xét năng lực bản thân để có lựa chọn đúng.
TS Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi, cũng cho rằng thí sinh phải hiểu bản thân trước khi chọn ngành và trường, rồi căn cứ vào năng lực, đam mê để tìm ngành phù hợp.
Chuyên gia 20 năm gắn bó với tuyển sinh khuyên thí sinh sau khi chọn được ngành phù hợp, cần đăng ký nguyện vọng vào ngành đó ở ba nhóm trường thuộc top đầu, giữa và cuối nhằm đảm bảo cơ hội trúng tuyển. "Các em không nên nghĩ Tôi phải học trường A hay B mà phải dựa vào năng lực rồi chọn ngành, sau mới chọn trường", ông Thạc nói.
Trước việc nhiều thí sinh phân vân nên chọn ngành theo năng lực, sở thích hay ngành "hot", ông Thạc không kết luận đúng - sai mà khuyên cần tỉnh táo, bởi thời điểm hiện tại, một ngành có thể "hot" nhưng 4-5 năm nữa khi các em tốt nghiệp, chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Theo ông, thí sinh nên chọn ngành yêu thích vì "chỉ khi hứng thú với điều gì đó, các em mới phát huy được năng lực, thế mạnh và không cảm thấy chán". Chuyên gia này cũng nhận định kiến thức chuyên môn mà bậc đại học cung cấp chỉ chiếm 30-40% vai trò quyết định đến việc sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài kiến thức, các em cần kỹ năng mềm, sự thích nghi, giao tiếp, may mắn...
"Dù học ngành nào, quan trọng là các em thích, tích lũy được kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, cơ hội việc làm sẽ luôn tới", ông Thạc cho hay.
Dương Tâm - Thanh Hằng