"Cuộc họp nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào ngày 29/9 theo hình thức tham vấn kín sau buổi thảo luận về tình hình Syria, theo đề xuất của Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Estonia", một nguồn tin trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 28/9 cho biết.
Hình thức tham vấn kín đồng nghĩa với việc chỉ có 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự họp, các bên liên quan đến xung đột đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh không được tham gia.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan quanh vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh bùng phát từ 27/9, cả hai phía đều triển khai nhiều vũ khí hạng nặng tới nơi đụng độ và hứng chịu nhiều thiệt hại lẫn thương vong. Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố giành chiến thắng cục bộ và gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ngày 28/9 thông báo nước này sẵn lòng tổ chức đàm phán cấp cao giữa Armenia và Azerbaijan, bày tỏ ủng hộ nỗ lực giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh thông qua đối thoại. "Do không có giải pháp thay thế mang tính hòa bình khác cho cuộc xung đột, phải lập tức nối lại các cuộc đàm phán một cách vô điều kiện", Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết.
Nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan. Anh và Canada hôm qua ra tuyên bố chung kêu gọi hai nước chấm dứt tình trạng thù địch quanh vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh.
"Canada và Anh quan ngại sâu sắc trước báo cáo về hoạt động quân sự quy mô lớn dọc theo Đường Tiếp giáp trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. Các báo cáo về khu dân cư bị pháo kích và dân thường thương vong gây lo ngại sâu sắc", tuyên bố của Canada và Anh cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về leo thang xung đột tại Nagorno-Karabakh, đề nghị Armenia và Azerbaijan "làm mọi điều có thể để ngăn xung đột tiếp tục leo thang và chấm dứt thái độ thù địch". Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay đang xem xét tình hình xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh, bày tỏ mong muốn hòa giải xung đột.
Nagorno-Karabakh nằm trong khu vực lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân tỉnh này là người Armenia, vốn chiếm thiểu số và luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Tranh chấp chủ quyền tồn tại nhiều năm lên tới đỉnh điểm khi Azerbaijan và Armenia xung đột vũ trang vào tháng 2/1988, thời điểm cả hai vẫn thuộc Liên Xô, và kéo dài tới tháng 5/1994, sau khi Liên Xô tan rã.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết khúc mắc, nhưng chưa tìm ra giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, TASS)