Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 27/3 bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất, trong đó kêu gọi thành lập ủy ban để "tiến hành cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch và vô tư về tất cả khía cạnh của hành động phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2, trong đó có xác định thủ phạm, bên tài trợ, tổ chức và đồng phạm".
Dự thảo nhận được ba phiếu thuận của hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc, cùng phiếu của Brazil, 12 nước còn lại bỏ phiếu trắng. Dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của 5 thành viên thường trực gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh để được thông qua.
Nga khẳng định không được tham gia cuộc điều tra đang diễn ra do Thụy Điển, Đức và Đan Mạch khởi xướng, trong khi những nước này bác cáo buộc.
"Chúng tôi có những nghi ngờ quan trọng và rất có cơ sở về tính khách quan, minh bạch của cuộc điều tra do một số quốc gia châu Âu tiến hành", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Vassily Nebenzia cho hay.
Ông Nebenzia nhấn mạnh ba cuộc điều tra không nhằm "làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với hành vi phá hoại, mà là che giấu bằng chứng và dọn sạch hiện trường". "Tôi nghĩ rằng sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, nghi ngờ ai đứng sau hành động phá hoại Nord Stream là điều hiển nhiên", ông nói thêm.
Một số thành viên Hội đồng Bảo an nói ba quốc gia đang điều tra vụ nổ là đáng tin cậy, chỉ trích Nga đang tìm cách chuyển hướng chú ý khỏi chiến sự Ukraine. "Đó là nỗ lực nhằm làm mất uy tín các cuộc điều tra đang diễn ra và làm phương hại đến mọi kết luận mà họ đưa ra", Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói.
Dự thảo ban đầu của Nga đề cập vụ phá hoại diễn ra sau khi "lãnh đạo Mỹ liên tục đe dọa Nord Stream", nhưng ý này bị loại bỏ trong phiên bản được đưa ra bỏ phiếu.
4 vị trí rò rỉ trên hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được phát hiện cuối tháng 9/2022, sau những vụ nổ lớn. Hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch.
Cuộc điều tra chung Thụy Điển - Đan Mạch kết luận sơ bộ rằng các vụ nổ liên quan hành vi "phá hoại có chủ đích", nhưng chưa công bố bên chịu trách nhiệm. Nga nhiều lần tuyên bố phương Tây đứng sau sự việc, song không cung cấp bằng chứng.
Seymour Hersh, nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ, hồi tháng 2 đăng bài viết nói rằng thợ lặn hải quân Mỹ đã lợi dụng diễn tập BALTOPS 22 vào tháng 6/2022 của NATO để cài thuốc nổ điều khiển từ xa dưới đường ống Nord Stream. Các vụ nổ xảy ra sau đó ba tháng đã phá hủy ba ống dẫn. Hersh nói Tổng thống Joe Biden phê chuẩn hoạt động này sau 9 tháng thảo luận với các quan chức chính quyền phụ trách vấn đề an ninh.
Mỹ cho rằng bài viết của Hersh là "tác phẩm viễn tưởng", nhấn mạnh thông tin trong đó là "hoàn toàn sai lầm". Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới chức ở Moskva đồng tình với giả thuyết của Hersh.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)