Chúng ta biết gì về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên?
Chính quyền Kim Châng In từng tuyên bố đang nắm trong tay vũ khí hạt nhân và đang gấp rút tăng cường, mở rộng kho vũ khí. Vấn đề lớn nhất đối với phần còn lại của thế giới là rất khó thẩm tra điều này. Phần lớn các chuyên gia vũ khí nghi ngờ Bắc Triều Tiên đã theo đuổi một chương trình hạt nhân cho tới tận năm 1994, khi họ ký vào một thoả hiệp lịch sử, theo đó, đóng băng tất cả các hoạt động hạt nhân. Tuy thế, tháng 12/2002, CHDCND Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon và ép buộc 2 thanh sát viên Liên Hợp Quốc phải rời nước này. Chưa rõ là chuyến thăm không chính thức của một phái đoàn Mỹ có thể cung cấp một số thông tin nào đó về hoạt động tại Yongbyon hay không.
Nếu lò phản ứng này hoạt động với hiệu quả tối đa, một số nhà phân tích lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sản xuất đủ plutonium để tăng cường kho vũ khí hạt nhân. CIA Mỹ dự đoán, một chương trình làm giàu uranium riêng biệt của CHDCND Triều Tiên có thể sản xuất 2 hay nhiều quả bom hạt nhân mỗi năm.
CHDCND Triều Tiên đã có trong tay bao nhiêu vũ khí hạt nhân?
Điều này khó có thể nói chính xác nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chưa có chuyến thanh sát toàn diện các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Các chuyên ra cho rằng Bình Nhưỡng đã chiết xuất đủ plutonium để sản xuất một số quả bom loại nhỏ. Quan chức Mỹ cho là có thể “một hoặc hai quả”.
Chính quyền Mỹ tin rằng khoảng 8 nghìn thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, bị tống vào kho năm 1994, có thể được dùng để chiết xuất đủ plutonium cho nhiều vũ khí nữa. CHDCND Triều Tiên cho biết đã kết thúc quá trình tái chế những thanh nhiên liệu này. Tình báo Hàn Quốc và Mỹ tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố trên.
Cuộc khủng hoảng thực sự trên bán đảo Triều Tiên là gì?
Quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Bush đưa CHDCND Triều Tiên vào trục ma quỷ tháng 1/2002. Căng thẳng bắt đầu tăng lên hồi tháng 10 sau một loạt các cuộc gặp, trong đó Mỹ buộc tội Bắc Triều Tiên bí mật phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Washington không chỉ quan ngại về việc chính quyền Kim Châng In phát triển các loại vũ khí đó mà còn muốn ngăn chặn việc xuất khẩu tên lửa và công nghệ của nước này sang “các quốc gia ương ngạnh”.
Kể từ các cuộc đàm phán mang tính đối đầu tháng 10/2002, CHDCND Triều Tiên tái khởi động lò phản ứng hạt nhân, đuổi các thanh sát viên của IAEA đồng thời rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn liên tục lên tiếng đe doạ về nguy cơ một cuộc chiến hạt nhân.
Thường thì rất khó có thể xác định những điều nằm sau các động thái của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng và Chủ tịch Kim Châng In có những hành động rất gây tranh cãi.
Nhiều người cho rằng Bắc Triều Tiên muốn sử dụng vấn đề hạt nhân như là một cái phao để thảo luận một hiệp ước bất tương xâm và tìm kiếm viện trợ từ Mỹ.
Ngoại giao có thể gỡ rối khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên?
Có thể nhưng chắc chắn là không dễ dàng. Phần lớn các nước, trừ CHDCND Triều Tiên, đều cho rằng quốc gia bí hiểm này cần phải bị ngăn chặn không được tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Cái khó là phải tìm kiếm đủ “cà rốt” để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ mọi chương trình.
Chính quyền Bush có lý do để lo lắng bởi vì CHDCND Triều Tiên đã phá vỡ Thoả thuận khung 1994. Dù vấn đề lo lắng nhất hiện nay ở bắc bán đảo Triều Tiên là nền kinh tế tụt hậu, mối quan tâm lớn nhất của ông Kim Châng In là làm sao phải tìm cách tại vị cùng với những nhân vật quân sự có ảnh hưởng.
Chúng ta có nên lo lắng không?
Dĩ nhiên là có. Vấn đề phổ biến vũ khí, nhất là khi vũ khí huỷ diệt hàng loạt rơi vào tay những “chế độ nguy hiểm”, một ngày nào đó sẽ là một thảm hoạ.
Có một nguy cơ là những quốc gia như CHDCND Triều Tiên có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho nước thứ ba.
Sự khác biệt giữa CHDCND Triều Tiên và Iraq trong mắt Mỹ là gì?
Hai nước là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Bắc Triều Tiên là một quốc gia bị cô lập với rất nhiều các vấn đề nổi cộm trong nước. Hai trong số các đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á – Hàn Quốc và Nhật Bản – đang theo đuổi chính sách thuyết phục Bình Nhưỡng “vâng lời” hơn.
Có lẽ một điều quan trọng hơn, các chuyên gia tin Bình Nhưỡng có bom hạt nhân, trong khi Iraq không có. Quan điểm trong chính quyền Bush là cần phải hành động ngăn chặn một nước ngay khi thấy họ manh nha khả năng hạt nhân. Trong trường hợp CHDCND Triều Tiên, chính sách đó dường như đã quá muộn, nên Washington cần phải tìm cách để hạn chế tối đa những hậu hoạ.
Bá Thuỳ dịch