"Đây là hồi chuông báo thức tuyệt vời nhất từ trước đến nay", nhà khoa học 85 tuổi chia sẻ ngày 5/10. Ông lập tức báo tin vui với vợ.
"Tôi đánh thức bà ấy dậy. Bạn biết đấy, cảm giác như ở thế giới khác. Đây là điều bạn chưa từng tưởng tượng sẽ xảy ra, đôi khi bạn không nghĩ rằng mình xứng đáng. Và nó ập trên trong ‘năm Covid’, khi mọi thứ bị đảo lộn. Điều này thật tuyệt vời".
Ba nhà khoa học Michael Houghton, Charles Rice và Harvey Alter chung nhau giải thưởng Nobel Y Sinh 2020 cho công trình nghiên cứu tìm ra virus viêm gan C. Họ nói rằng "giải Nobel là thành tựu lớn sau hơn 20 năm miệt mài làm việc".
Michael Houghton, người Anh, 70 tuổi, là chuyên gia vi sinh làm việc cho Đại học Alberta ở Canada. Chiều 5/10, trong cuộc phỏng vấn với Adam Smith, giám đốc khoa học của Nobel Media, ông cho biết quá trình tìm ra virus viêm gan C vô cùng gian nan và gặp nhiều thách thức.
"Chúng tôi đã áp dụng những phương pháp hiện có, sử dụng ít nhất 30 cách tiếp cận khác nhau, mất khoảng 7 đến 8 năm cho công trình này. Sau khi nhân bản hàng trăm triệu mẫu, chúng tôi thu được duy nhất một virus hoàn chỉnh", ông nói.
Ông nhớ lại những ngày tháng dài lái xe trên con đường đến Đại học Alberta để làm việc cùng đồng nghiệp của mình. Có thời điểm, cả nhóm cảm thấy vô cùng áp lực.
"Nhìn những khách sạn đang khởi công xung quanh Viện, tôi nghĩ mình sẽ hoàn tất dự án trước khi chúng được xây dựng xong. Nhưng khi chúng tôi thành công, có lẽ họ đã xây được 10 khách sạn rồi", giáo sư chia sẻ.
Sau khi tìm ra virus C, các nhà khoa học lập tức nghiên cứu kit xét nghiệm máu siêu nhạy. Houghton cho rằng đây là công việc vô cùng cấp thiết, giúp bảo vệ nguồn máu cứu sinh. Giai đoạn diễn ra khá nhanh chóng, song thách thức tiếp theo là tìm phương pháp điều trị virus. Điều này tốn nhiều thời gian hơn.
"Toàn giới y khoa đã mất 20 năm để đạt được thành tựu đó. Giờ chúng ta có loại thuốc hiệu quả, an toàn và dùng được cho tất cả mọi người", ông nói.
Tuy nhiên, viêm gan C vẫn là mầm bệnh nguy hiểm, giết chết hơn 400.000 người mỗi năm. Theo giáo sư Houghton, cách tối ưu để diệt trừ hoàn toàn virus là sử dụng vaccine. Ông và các đồng nghiệp ở Đại học Alberta đang nghiên cứu phiên bản hiệu quả hơn của các liều tiêm ngừa viêm gan C.
Charles Rice, giáo sư tại Đại học Rockefeller ở New York, đồng chủ nhân giải Nobel Y Sinh năm nay, chia sẻ cảm thấy rất vui mừng khi được làm việc trong cộng đồng chuyên gia. Đạt giải Nobel khi Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, ông nhận định: "Đại dịch đang thay đổi cách giới khoa học làm nghiên cứu. Nó cho thấy con người có thể giành được những thành tựu gì nếu đồng lòng làm việc".
Thục Linh (Theo Nobel Prize)