Người mắc hội chứng tự sinh rượu, còn gọi là hội chứng tự lên men đường ruột, dễ bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tình trạng này có thể khiến một người cảm giác như đang say mặc dù không hề uống bất kỳ loại đồ uống có cồn nào. Nó có thể rất nghiêm trọng, có khả năng gây ra những tác động nguy hiểm tương tự khi uống quá nhiều rượu.
Triệu chứng
Người mắc tình trạng này có thể gặp các triệu chứng liên quan đến thần kinh, tiêu hóa, hô hấp và tâm lý. Chúng tương tự ngộ độc rượu, bao gồm:
- Nhiễm độc không rõ nguyên nhân.
- Chóng mặt.
- Mất phương hướng.
- Mệt mỏi mạn tính.
- Chướng bụng.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Nói lắp bắp.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Bối rối.
- Mất trí nhớ.
- Co giật.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Mắt đờ đẫn.
- Té ngã.
Nguyên nhân
Hội chứng tự sinh rượu xảy ra khi bạn ăn quá nhiều carbohydrate khiến vi sinh vật trong ruột phân hủy carbohydrate thành ethanol. Các loài nấm men saccharomyces cerevisiae và sandida albicans là những vi sinh vật phổ biến.
Yếu tố nguy cơ
Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc hội chứng tự sinh rượu. Nó cũng có thể là biến chứng của một căn bệnh khác, làm mất cân bằng hoặc nhiễm trùng trong cơ thể.
Ở một số người mắc các vấn đề về gan cũng có nguy cơ cao hơn. Trong những trường hợp này, gan không thể đào thải rượu kịp thời khiến nồng độ ethanol tăng cao.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Dinh dưỡng kém.
- Hệ miễn dịch yếu.
- Bệnh tiểu đường.
- Ăn nhiều carbohydrate.
- Nghiện rượu.
- Dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ức chế bơm proton.
- Mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại.
- Di truyền.
- Bệnh lý ở đường tiêu hóa.
- Mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Phẫu thuật đường tiêu hóa.
- Bệnh Crohn.
- Hội chứng ruột ngắn.
- Các tình trạng tự miễn dịch khác.
Chẩn đoán
Không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán hội chứng tự sinh rượu. Chỉ dựa vào các triệu chứng thường không đủ để chẩn đoán mà bác sĩ có thể sẽ tiến hành xét nghiệm phân để kiểm tra nồng độ nấm men trong ruột.
Điều trị
Thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm để giảm nấm men hoặc vi khuẩn trong đường ruột. Các loại thuốc thường được kê đơn bao gồm fluconazole, micafungin, nystatin, trichomycin B và voriconazole. Thuốc kháng sinh chỉ được kê khi nguyên nhân được xác định là vi khuẩn.
Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng để điều trị hội chứng này, thậm chí một số trường hợp không cần dùng đến thuốc. Người bệnh nên tránh đường và carbohydrate, đồng thời ăn nhiều thực phẩm giàu protein.
Men vi sinh như sữa chua, thực phẩm lên men cũng giúp cân bằng vi khuẩn trong ruột.
Cấy vi khuẩn đường ruột
Trường hợp mạn tính có thể được khuyến nghị cấy vi khuẩn đường ruột. Phương pháp này bao gồm việc cấy ghép vi khuẩn có lợi từ người hiến tặng đã được sàng lọc vào cơ thể.
Biến chứng
Tình trạng này kéo dài, không được kiểm soát có thể khiến một người trở nên thèm rượu và bắt đầu uống hoặc uống nhiều hơn mức bình thường. Điều này có thể dẫn đến rối loạn sử dụng rượu.
Hội chứng tự sinh rượu cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) hay NASH (một dạng NAFLD nghiêm trọng hơn), có khả năng gây các tình trạng về gan cũng như suy gan. Bên cạnh đó, hội chứng này cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến nồng độ vitamin B6, kẽm và magiê trong cơ thể. Nồng độ cồn cao khi lái xe có khả năng phạm luật cũng như gây tai nạn giao thông, nguy hiểm cho bản thân và người tham gia.
Bảo Bảo (Theo WebMD, Healthline)