Bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, hai tuần trước một phụ nữ 65 tuổi được đưa đến cấp cứu với biểu hiện đau ngực, khó thở, đau họng, ho có đờm... Bà xét nghiệm dương tính với Covid-19 trước khi nhập viện 6 ngày.
Các bác sĩ khám, kiểm tra cận lâm sàng, loại trừ khả năng bệnh mạch vành, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Takotsubo (thường được gọi là hội chứng "trái tim tan vỡ" hay bệnh cơ tim do căng thẳng) - một hội chứng hậu Covid-19. Sau hai tuần điều trị, triệu chứng của bệnh và chức năng tim hồi phục dần, tuy nhiên người bệnh cần được theo dõi tim mạch lâu dài.
Theo bác sĩ Kiều, hội chứng Takotsubo được các bác sĩ Nhật Bản phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990. Bất thường phổ biến nhất của bệnh lý cơ tim này là phần mỏm của tâm thất trái bị phồng lên như hình quả bóng. Trong quá trình co lại (tâm thu), tâm thất phình ra này có hình dáng như một cái bẫy được ngư dân Nhật Bản sử dụng để bắt bạch tuộc. Do đó, bệnh được đặt tên là Takotsubo - cái bẫy bạch tuộc trong tiếng Nhật.
Hội chứng Takotsubo thường gặp ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên, ảnh hưởng nhiều nhất trong khoảng 61-76 tuổi. Bệnh xảy ra do sự gia tăng đột ngột của adrenalin (một loại hormone được giải phóng khỏi tuyến thượng thận) và các phân tử căng thẳng khác trong cơ thể. Đây là kết quả của chứng căng thẳng nghiêm trọng về tình cảm hoặc thể chất, chẳng hạn như phát hiện bệnh đột ngột, mất người thân, tai nạn nghiêm trọng, kinh doanh thua lỗ, biến cố ly hôn... Điều này lý giải tại sao những người mắc Covid-19 có nguy cơ gặp phải hội chứng này. Tâm lý lo lắng, căng thẳng khi nhận kết quả dương tính, cộng với việc phải cách ly để điều trị Covid-19 khiến người bệnh luôn trong trạng thái bi quan, sợ hãi thậm chí trầm cảm, nên rất dễ bị hội chứng "trái tim tan vỡ", bác sĩ Kiều giải thích.
"Gần như không thể phân biệt được các triệu chứng của Takotsubo với cơn nhồi máu cơ tim cấp vì các dấu hiệu rất giống nhau, gồm đau thắt ngực, khó thở, đột ngột mất ý thức hoặc ngất xỉu...", bác sĩ Kiều nói. Tuy nhiên, bệnh Takotsubo được kích hoạt bởi các sự kiện gây căng thẳng chứ không phải do tắc nghẽn trong lòng mạch vành. Hội chứng Takotsubo có thể gây tử vong nhưng trường hợp này khá hiếm gặp, hầu hết bệnh nhân hồi phục trong vài ngày hoặc vài tuần.
Phương pháp đo điện tâm đồ (ECG) khó phân biệt được nhồi máu cơ tim hay hội chứng Takotsubo, nên để có được chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ cần làm nhiều kiểm tra. Trong đó, bệnh nhân có thể được chụp ảnh mạch xem có tắc nghẽn trong lòng động mạch vành do nhồi máu cơ tim hay không. Bác sĩ kiểm tra xem có sự gia tăng các dấu ấn sinh học tim - những chất được giải phóng vào máu khi tim bị tổn thương, là nhanh chóng nhưng ít (do nhồi máu cơ tim) hay chúng tăng chậm nhưng đạt đỉnh cao hơn. Bệnh nhân có thể được siêu âm tim hoặc các cận lâm sàng khác cho thấy những chuyển động bất thường thành của tâm thất trái hay không...
"Không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào cho hội chứng Takotsubo. Bác sĩ lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và việc người bệnh có bị huyết áp thấp hoặc có dấu hiệu của sung huyết phổi hay không", bác sĩ Kiều cho hay. Các bác sĩ thường kê toa các loại thuốc điều trị suy tim tiêu chuẩn như thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu. Đối với những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, bác sĩ có thể cho dùng aspirin và statin.
Trong một số trường hợp, thuốc chẹn beta (hoặc thuốc chẹn alpha và beta kết hợp) được bác sĩ chỉ định dùng lâu dài để giúp ngăn ngừa bệnh tái phát. Các loại thuốc này hoạt động bằng cách giảm tác dụng của adrenaline và các hormone căng thẳng khác - nguyên nhân gây ra hội chứng Takotsubo.
Hầu hết bệnh nhân Takotsubo hồi phục hoàn toàn trong vòng 1-2 tháng. Hiếm gặp trường hợp tử vong do bệnh lý này, nhưng bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng như suy tim (khoảng 20%), hình thành cục máu đông, loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường), tắc nghẽn dòng máu từ tâm thất trái và vỡ thành tâm thất.
Để phòng ngừa hội chứng Takotsubo, bác sĩ Kiều khuyên bệnh nhân Covid-19 cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, lạc quan trong suốt thời gian điều trị. Đồng thời, học cách kiểm soát căng thẳng, ví dụ như tập thể dục thường xuyên, thiền để làm dịu tâm trí; xem phim, đọc sách, kết với với người xung quanh để không cảm thấy đơn độc, lấy lại niềm vui và sự lạc quan đối phó với bệnh dịch.
Thu Hà