Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.
Định nghĩa
Hội chứng khô mắt, còn gọi là bệnh viêm kết - giác mạc khô (Keratoconjunctivitis Sicca - KCS). Hiệp hội bề mặt và màng phim nước mắt (TFOS) định nghĩa khô mắt là một bệnh đa yếu tố của bề mặt mắt, đặc trưng bởi sự mất cân bằng nội môi của màng phim nước mắt, kèm theo các triệu chứng ở mắt. Màng phim nước mắt không ổn định và các bất thường tế bào thần kinh cảm giác làm tăng áp lực thẩm thấu, viêm và tổn thương ở bề mặt mắt.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân và yếu tố tiềm ẩn liên quan đến hội chứng khô mắt, bao gồm:
- Thuốc.
* Thuốc kháng histamine, thuốc hạ huyết áp, thuốc giải lo âu/ benzodiazepine, thuốc lợi tiểu, hormone toàn thân, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), corticosteroid dùng đường toàn thân hoặc dạng hít, thuốc kháng cholinergic, isotretinoin (gây teo tuyến meibomian) và thuốc chống trầm cảm.
* Thuốc bôi tại chỗ như thuốc nhỏ tăng nhãn áp hoặc độc tính từ thuốc nhỏ mắt có chứa chất bảo quản.
- Các bệnh về da ở trên mí hoặc xung quanh mí mắt như bệnh trứng cá đỏ hoặc bệnh chàm.
- Rối loạn chức năng tuyến meibomian là một bệnh đồng mắc phổ biến với sự dày lên, nổi ban đỏ của mí mắt và chất tiết không đủ hoặc bị thay đổi tính chất của các tuyến meibomian.
- Phẫu thuật nhãn khoa, bao gồm phẫu thuật khúc xạ, phẫu thuật đục thủy tinh thể, cấy ghép giác mạc và phẫu thuật tạo hình mí mắt.
- Bỏng do hóa chất hoặc nhiệt gây sẹo kết mạc.
- Dị ứng tại mắt.
- Sử dụng máy tính hoặc thiết bị điện tử quá nhiều, dẫn đến giảm chớp mắt khi nhìn vào màn hình.
- Dư thừa quá mức hoặc thiếu vitamin, đặc biệt là thiếu vitamin A, dẫn đến thoái hóa giác mạc do thiếu dinh dưỡng.
- Giảm cảm giác giác mạc do đeo kính áp tròng trong thời gian dài, nhiễm virus herpes hoặc các nguyên nhân khác gây ra loạn dưỡng thần kinh giác mạc.
- Các bệnh hệ thống bao gồm hội chứng Sjogren và rối loạn tự miễn dịch hoặc mô liên kết khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường...
- Các yếu tố môi trường như tiếp xúc với chất gây kích ứng (khói hóa chất, khói thuốc lá, ô nhiễm hoặc độ ẩm thấp...).
Phân loại
- Hội chứng khô mắt được chia thành hai loại:
* Ít sản xuất nước mắt.
* Bay hơi nước mắt quá mức.
- Trên thực tế hai loại này không loại trừ lẫn nhau, nhiều bệnh nhân gặp cả hai tình trạng này.
Triệu chứng
- Cảm giác nhói, bỏng rát, khô hoặc cảm giác có áp lực trong mắt.
- Cảm giác có cát, sạn hoặc dị vật.
- Hay chảy nước mắt, đây là một triệu chứng trái ngược. Tình trạng khô, đau gây phản xạ kích ứng tiết nhiều hơn để làm giảm tình trạng khô của bề mặt nhãn cầu. Được bổ sung nước nhưng trong mắt không được bổ sung phần lipid hay chất nhầy nên vẫn bị khô.
- Đau có thể được mô tả là cơn đau buốt và âm ỉ, khu trú ở một số phần của mắt, phía sau viền mắt hoặc thậm chí xung quanh ổ mắt.
- Đỏ mắt rất phổ biến và thường trở nên tồi tệ hơn do tác dụng phục hồi của chất co mạch có trong nhiều loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn dùng để giảm đỏ mắt.
- Nhìn mờ, đặc biệt là nhìn mờ không liên tục, đây cũng là tình trạng phổ biến, được mô tả là ánh sáng chói hoặc quầng sáng như ánh đèn vào ban đêm.
- Cảm giác nặng mí mắt hoặc khó mở mắt khi ngủ dậy.
- Đôi mắt mệt mỏi, nhanh mỏi trong thời gian ngắn.
Chẩn đoán
Các triệu chứng khá đa dạng, không nhất quán trong bệnh sử của những người bệnh khác nhau. Vì vậy bác sĩ sẽ sử dụng bảng câu hỏi để sàng lọc các triệu chứng của bệnh khô mắt.
Bảng câu hỏi như một công cụ sàng lọc, theo dõi sự tiến triển và đáp ứng với các phương pháp điều trị. Một số bảng câu hỏi dùng đánh giá các triệu chứng khô mắt như Ocular Surface Disease Index (OSDI), Dry Eye Questionnaire (DEQ-5) và Symptoms Analysis in Dry Eye (SANDE)...
Điều trị
- Điều trị hội chứng khô mắt được thực hiện theo cách tiếp cận từng bước, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Các phương pháp tiếp cận ban đầu bao gồm:
* Giáo dục về tình trạng, thay đổi môi trường (loại bỏ luồng không khí khô, quạt trực tiếp, giảm thời gian sử dụng màn hình điện tử, máy làm ẩm).
* Xác định và loại bỏ các tác nhân gây bệnh tại chỗ và toàn thân.
- Bước tiếp theo của các lựa chọn điều trị bao gồm:
* Bôi trơn mắt không chứa chất bảo quản, thuốc mỡ hoặc kính chống ẩm vào ban đêm.
* Liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao.
* Thuốc bôi kháng viêm (corticosteroid, cyclosporin, livesitegrast).
* Thuốc kháng sinh đường uống (macrolide hoặc tetracycline).
- Ngoài ra có thể sử dụng thêm nước mắt nhân tạo, thuốc kích thích bài tiết nước mắt đường uống hoặc tại chỗ, phẫu thuật Punctal (bịt lại phần đầu của tuyến lệ nhằm giữ nước mặt ở lại lâu hơn).
- Điều trị Đông y:
* Châm cứu.
* Xoa bóp bấm huyệt.
* Thuốc uống.
* Xông mắt.
Phòng ngừa
- Chú ý thói quen sinh hoạt và làm việc, dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin nhằm cải thiện chứng khô mắt.
- Khô mắt kéo dài có thể gây ra tổn thương giác mạc. Vì vậy khi có cảm giác khô như có cát hay dị vật trong mắt, bị đau nhức mắt, nóng rát mắt và tiết nhiều nước mắt hơn bình thường, cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
Mỹ Ý