Sau bài viết "Nghi thức chém lợn Ném Thượng diễn ra kín đáo", VnExpress nhận được nhiều bình luận của độc giả.
Năm nay, nơi diễn ra lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, Bắc Ninh đã được rào kín, cấm du khách lại gần và diễn ra ở góc sân đình thay vì ở giữa sân đình như thường lệ. Thế nhưng những thay đổi này vẫn tiếp tục gây tranh luận trong cộng đồng rằng đây là một lễ hội cần duy trì hay hủ tục cần loại bỏ?
"Ngày xưa tướng quân Đoàn Thượng vì thương quân nên mới bắt buộc phải chém lợn để nuôi quân. Nếu vì tưởng nhớ đến Ngài mà người dân duy trì lễ hội này 800 năm nay, giết không biết bao nhiêu con lợn thì không ổn. Nhất là theo quan niệm của Phật giáo"- độc giả Nghệ Dạ bình luận.
Đồng quan điểm trên, độc giả có nickname Già góp ý kiến: "Một con vật loại hiền lành, bị trói chân tay, đem chém ngang thân, tôi không hiểu thể hiện được điều gì? Phong tục, thậm chí hủ tục nhiều nơi đều có ý nghĩa nào đó, nhiều lần tôi thử nhìn theo quan điểm của họ và có đôi chỗ hiểu được, lần này thì không, không thể suy ra được điều gì'.
(Xem thêm:Thanh niên bỏ cướp lộc, đánh nhau trong hội đền Gióng)
"Tôi không tu hành, không theo đạo, không ăn chay. Chỉ thờ ông bà. Nhưng không bao giờ nghĩ đến việc giết hại hay chấm máu để cầu may"- bạn đọc Minh Dang.
Độc giả Anh vu : "Giết lợn là việc diễn ra hàng ngày trên cả nước ta. Nhưng giết theo kiểu man rợ rồi nâng tầm lên mức thần thánh thế này thì kinh khủng thật. Lại còn lấy tiền chấm vào máu lợn rồi đem lên bàn thờ mới thật sợ".
Ngược lại những quan điểm trên, một luồng ý kiến cho rằng đã là lễ hội truyền thống thì không có gì ghê rợn:
"Chả có gì ghê rợn khi hiểu được bản chất của lễ hội này. Đó là truyền thống có từ 800 năm trước để tưởng nhớ tới người tướng quân chém lợn lấy lương thực nuôi quân. Cũng chỉ đơn giản là giết con lợn. Tôi không cổ súy cho hành vi bạo lực, nhưng đừng nhầm lẫn giữa các khái niệm"- Độc giả có nick hoanghalongqn nêu quan điểm.
(Xem thêm: Vì sao trăm người xô đẩy sờ cá chép 'thần' lấy may ở Nghệ An?)
"Tôi thấy lợn nuôi để thịt, mà khi thịt thì nhiều người cho là tàn bạo, vậy hằng ngày ăn thịt lợn thì còn tàn bạo gấp bao nhiêu lần. Chẳng qua là đừng nên chém trước mặt trẻ con hoặc trẻ vị thành niên sẽ gây cho các em có cái nhìn bạo lực về cuộc sống. Chém xong chia thịt cho bà con hàng xóm cũng giống như là chọc tiết heo hằng ngày thôi" - Nguyễn Duy Quan
Độc giả Luong Nguyen thì tiếc nuối vì sự thay đổi của lễ hội năm nay: "Truyền thống kéo dài 800 năm. Ấy thế mà chỉ vì mấy cái áp lực dư luận mà thay đổi. Truyền thống còn đâu nữa?".
Độc giả Pham hai thắc mắc: "Sao không thay lợn thật bằng lợn giả (gỗ, bắp chuối...) để cho đỡ ghê rợn?".
"Hy vọng từ công khai đến kín đáo rồi đến vài năm nữa sẽ hủy bỏ hẳn. Sẽ có một số người vịn lý do đó là truyền thống, nhưng truyền thống mà không hợp thời thì đến lúc cũng nên hủy bỏ. Sẽ lại có người nói rằng nói vậy sao còn ăn thịt lợn, xin thưa: Ăn thịt và hành quyết con vật dã man là hai việc khác nhau" - độc giả có nick Ruud bình luận.
Độc giả Đức Cao liên tưởng và cho rằng nguyên nhân của bạo lực trong xã hội ta ngày nay như đâm chém, đánh nhau xuất phát từ sự bạo lực của lễ hội: "Lễ hội toàn đâm với chém thì ra đường va chạm tí là cũng đâm với chém loạn xạ . Đừng ai nói hai vấn đề này không liên quan hình thành tính cách con người nhé".
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Đô Đô tổng hợp