Theo thông báo được Học viện Nông nghiệp Việt Nam công bố tháng 1, trường tuyển sinh 25 nhóm ngành với 55 ngành và 83 chuyên ngành. Trong đó, Thú y tuyển nhiều sinh viên nhất - 650, kế đó là Kế toán - Tài chính 555, Công nghệ bảo quản, chế biến và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm 455. Tuy mức tuyển cao nhất trong 25 nhóm ngành, chỉ tiêu của mỗi nhóm đều giảm 50 so với năm ngoái.
Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của các ngành:
Nhóm chương trình quốc tế (dạy và học bằng tiếng Anh)
Nhóm chương trình tiêu chuẩn
Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ nguyên ba phương thức tuyển sinh của năm ngoái gồm tuyển thẳng, xét học bạ và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Với tuyển thẳng, ngoài áp dụng tiêu chí theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đặt thêm một số điều kiện. Nếu đáp ứng một trong các điều kiện do Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt ra, thí sinh được công nhận tuyển thẳng: tham gia đội tuyển thi quốc tế Olympic, khoa học kỹ thuật; đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố trở lên; học lực khá ít nhất một năm tại bậc THPT và có IELTS 4.0, TOEFL iBT 45, TOEFL ITP 450 trở lên; học lực giỏi một năm hoặc khá từ bốn kỳ trở lên bậc THPT; là người nước ngoài hoặc người Việt Nam, tốt nghiệp THPT ở nước ngoài.
Nếu xét học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 hoặc 12 của ba môn thuộc tổ hợp từ 18 trở lên. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình ba môn và điểm ưu tiên nếu có.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận hồ sơ tuyển thẳng và xét học bạ đến hết 30/4 (đợt 1) và hết 30/5 (đợt 2), thông báo kết quả sau đó 1-4 ngày. Phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ căn cứ theo quy định, lịch trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm ngoái, Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy điểm chuẩn 15-18,5, trong đó hầu hết ngành lấy 15-16. Nhóm ngành Sư phạm Công nghệ lấy cao nhất 18,5, hai ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Nông nghiệp công nghệ cao cùng lấy 18. Đây là 3/25 nhóm ngành có ngưỡng trúng tuyển từ 18 trở lên, còn lại đều lấy 15-16 điểm.
Thanh Hằng