Ngày 10/3, Học viện Ngoại giao công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021. Trong 1.350 tổng chỉ tiêu, ngành Quan hệ Quốc tế lấy 350 em, kế đó là Truyền thông quốc tế 300, Kinh tế quốc tế và Ngôn ngữ Anh mỗi ngành 200, Kinh doanh quốc tế và Luật quốc tế mỗi ngành 150. So với năm ngoái, Học viện Ngoại giao tăng mạnh chỉ tiêu và mở thêm ngành Kinh doanh quốc tế.
Chỉ tiêu cụ thể của từng ngành:
Trường tuyển sinh theo ba phương thức, gồm tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chiếm 5% tổng chỉ tiêu mỗi ngành), xét tuyển thằng theo đề án riêng (25%) và xét tuyển (70%).
Với đề án riêng, Học viện Ngoại giao xét tuyển thẳng thí sinh thuộc ba nhóm. Nhóm 1, thí sinh đạt điểm trung bình tối thiểu 8 tại 3/5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) và IELTS 7.0, DELF-B2 (hoặc các chứng chỉ tương đương) trở lên.
Tại nhóm 2, thí sinh học trường THPT chuyên hoặc trọng điểm quốc gia, đạt điểm trung bình tối thiểu 8,8 tại 5/5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12). Nếu học sinh có IELTS 6.5 hoặc DEFL-B1 trở lên, điểm trung bình học tập 3/5 kỳ tại bậc THPT tối thiểu 8.
Với nhóm 3, thí sinh thuộc đội tuyển dự thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, đồng thời có giấy chứng nhận đạt giải do Bộ xác nhận. Ngoài ra, các em vẫn cần đảm bảo điều kiện đạt điểm trung bình học tập từ 8 trở lên tại 3/5 kỳ học như nhóm 1.
Với phương thức xét tuyển, Học viện Ngoại giao tiếp tục chia ra bốn phương án nhỏ hơn. Thứ nhất, trường xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, dự kiến chiếm 30% tổng chỉ tiêu. Thí sinh đủ điều kiện xét tuyển nếu đạt điểm trung bình học tập 3/5 kỳ tối thiểu 8, có IELTS 6.0 hoặc DEFL B1 trở lên.
Thứ hai, nếu nộp học bạ, thí sinh vẫn cần đảm bảo 3/5 kỳ học đạt điểm trung bình 8 trở lên và đáp ứng một trong các điều kiện sau: Là học sinh trường THPT chuyên, trọng điểm quốc gia; thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh trở lên tại các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh, Tiếng Pháp; dự thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia tại môn phù hợp với tổ hợp xét tuyển của trường. Học viện Ngoại giao dành 8% tổng chỉ tiêu để xét học bạ.
Thứ ba, với những thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài hoặc có thời gian học THPT tại nước ngoài, Học viện Ngoại giao yêu cầu đạt IELTS 7.0, DEFL-B2 trở lên. Phương thức này lấy 2% chỉ tiêu mỗi ngành.
Thứ tư, trường xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, dành 30% tổng chỉ tiêu.
Trường chấp nhận các tổ hợp gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), D03 (Toán, Văn, Tiếng Pháp).
Sau khi trúng tuyển, thí sinh được đăng ký tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao. Trừ ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh trúng tuyển các ngành còn lại sẽ được chọn học một trong các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Năm 2020, Học viện Ngoại giao lấy điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 từ 25,6 đến 34,75. Ngôn ngữ Anh là ngành duy nhất nhân đôi môn ngoại ngữ, lấy điểm chuẩn thang 40. Với 34,75 điểm, thí sinh phải đạt trung bình mỗi môn 8,69.
Các ngành còn lại lấy điểm thang 30, cao nhất là tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) và D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) của nghàn Truyền thông quốc tế với 27 điểm, tức 9 điểm mỗi môn. Điểm chuẩn của các tổ hợp và ngành khác 25,6-26,7.
Thanh Hằng