Học viện Ngân hàng ngày 15/2 công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025. Theo đó, trường tuyển khoảng 3.600 sinh viên, tăng hơn 100 so với năm ngoái.
Các phương thức tuyển sinh được giữ ổn định, gồm: xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả học tập THPT (20%), xét chứng chỉ quốc tế (15%), kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (20%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (45%).
Với xét tuyển thẳng, ngoài thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi hay khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế, trường căn cứ kết quả học tập bậc THPT để xem xét tuyển thẳng thí sinh là người khuyết tật, dân tộc thiểu số rất ít người, thí sinh ở các huyện nghèo, người nước ngoài...
Ở phương thức xét học bạ THPT, thí sinh cần có học lực giỏi năm lớp 12, điểm trung bình cộng ba năm của từng môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 8 trở lên.
Khi tính điểm xét tuyển, với các chương trình chuẩn và liên kết quốc tế, môn chung giữa các tổ hợp xét được nhân hệ số 2. Với các chương trình chất lượng cao, môn Toán và Tiếng Anh trong tổ hợp nhân hệ số 2.
Thí sinh được cộng điểm ưu tiên theo quy định của Bộ, cùng điểm khuyến khích từ 0,5 đến 1,5 nếu đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, giải cấp tỉnh, học sinh hệ chuyên. Thí sinh ở nhiều diện có thể được cộng dồn điểm khuyến khích nhưng tối đa là 2 điểm.
Cách tính điểm xét tuyển trên cũng được áp dụng với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thí sinh sử dụng phương thức này sẽ không được cộng điểm khuyến khích.
Học viện Ngân hàng tiếp tục xét chứng chỉ quốc tế. Thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức này phải có học lực giỏi năm lớp 12, điểm trung bình cộng ba năm THPT của từng môn trong tổ hợp từ 8 trở lên, đồng thời có chứng chỉ SAT 1.200, IELTS 6.0, TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên.
Trong đó, yêu cầu về học bạ là điều kiện. Điểm xét tuyển sẽ được tính dựa trên điểm chứng chỉ.
Với phương thức dựa vào các kỳ thi đánh giá năng lực, Học viện Ngân hàng sử dụng điểm thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT và kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA). Thí sinh có thể nộp hồ sơ nếu đạt điểm HSA từ 85 trở lên, V-SAT ba môn thuộc tổ hợp từ 300 trở lên.
Điểm xét tuyển ở tất cả phương thức được quy về thang 30 theo công thức do trường quy định.
Xem công thức tính điểm xét tuyển của Học viện Ngân hàng và tổ hợp xét tuyển
![Học viện Ngân hàng tư vấn cho học sinh Thanh Hoá về tuyển sinh đại học 2025, hôm 12/1. Ảnh: Fanpage học viện](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/15/hvnh-jpeg-1739597174-173959718-4709-4510-1739597261.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ValqlGaw2EZCrs4VmpotNQ)
Học viện Ngân hàng tư vấn cho học sinh Thanh Hoá về tuyển sinh đại học 2025, hôm 12/1. Ảnh: Fanpage học viện
Học phí Học viện Ngân hàng dự kiến khoảng 26,5-28 triệu đồng một năm với chương trình chuẩn, 40 triệu đồng ở chương trình chất lượng cao, tăng 1,5-3 triệu đồng so với năm ngoái.
Với các chương trình liên kết quốc tế, sinh viên phải nộp 340-380 triệu đồng cho toàn khóa học 4 năm, có thể cao hơn nếu chọn học năm cuối ở nước ngoài.
Năm 2024, điểm chuẩn vào Học viện Ngân hàng xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 23-28,13 điểm với nhóm ngành theo thang 30. Ngành Luật kinh tế cao nhất. Với nhóm xét theo thang 40 (môn Toán hệ số 2), ngành Tài chính có điểm trúng tuyển cao nhất - 34,2.
Dương Tâm