Nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mức điểm 19 bao gồm tổng điểm thi của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng. Với thí sinh đăng ký xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (gồm học sinh trường THPT chuyên quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, học sinh trường THPT có năng lực ngoại ngữ phù hợp), điểm nhận hồ sơ cũng là 19.
Học viện Ngân hàng cũng công bố điều kiện trúng tuyển với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả học bạ. Theo đó, nếu thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 19 trở lên, tối thiểu đạt IELTS 6.0, TOEFL iBT 72 điểm, TOEIC 4 kỹ năng 665 điểm hoặc N3 tiếng Nhật đủ điều kiện trúng tuyển.
Với phương thức xét học bạ, thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT chuyên quốc gia cần qua điểm sàn và trung bình 5 kỳ (trừ học kỳ II năm học 2019-2020) của từng môn thuộc tổ hợp xét tuyển từ 7 trở lên. Tương tự, với thí sinh không chuyên của trường THPT chuyên quốc gia, hệ chuyên của THPT chuyên tỉnh, thành phố, mức điểm trúng tuyển tối thiểu 7,5.
Với thí sinh hệ không chuyên, nếu đăng ký các ngành đào tạo hệ đại học chính quy phải qua điểm sàn và đạt tối thiểu 25 với chương trình liên kết quốc tế, 25,75 với chương trình đại trà. Điểm xét tuyển là tổng trung bình 5 kỳ của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển.
Năm 2020, Học viện Ngân hàng tuyển 3.760 sinh viên cho hai cơ sở và hai hệ đào tạo, riêng cơ sở tại Hà Nội tuyển hơn 2.800. Năm ngoái, Học viện Ngân hàng thông báo điểm trúng tuyển vào 13 ngành của trường từ 21,5 đến 24,75. Ngành Luật kinh tế, tổ hợp C00, D01, D14 và D15 lấy điểm chuẩn cao nhất. Cũng ở ngành này, tổ hợp A00, A01, D07, D08 lại lấy đầu vào thấp nhất trường.
Thanh Hằng