Ngày 17/3, Học viện Ngân hàng công bố các phương thức tuyển sinh đại học năm 2021. Trong đó, trường dành tối đa 5% tổng chỉ tiêu để xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với tổng chỉ tiêu dự kiến tương đương năm ngoái (hơn 3.700), số thí sinh được xét tuyển thẳng gần 190.
Phương thức thứ hai là xét dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (60% chỉ tiêu). Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp của ngành đăng ký cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Phương thức thứ ba là xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, dự kiến dành tối đa 10% chỉ tiêu. Thí sinh cần có một trong bốn chứng chỉ: IELTS (Academic) đạt từ 6.0 trở lên, TOEFL iBT từ 72 điểm, TOEIC (4 kỹ năng) từ 665, chứng chỉ tiếng Nhật N3 trở lên (riêng đối với ngành Kế toán định hướng Nhật Bản và Hệ thống thông tin quản lý định hướng Nhật Bản).
Đối với thí sinh sử dụng phương thức này và thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, tổng điểm thi của ba môn thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng chung của học viện. Thí sinh không thi môn tiếng Anh cần có điểm hai môn thuộc tổ hợp đạt ngưỡng đảm bảo của học viện. Những ngưỡng này sẽ được thông báo sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ba phương thức trên, Học viện Ngân hàng còn xét tuyển dựa trên học bạ THPT với dự kiến tối đa 25% chỉ tiêu. Thí sinh hệ chuyên của trường THPT chuyên quốc gia cần có điểm trung bình ba năm của từng môn thuộc tổ hợp xét tuyển từ 7 trở lên.
Đối với thí sinh hệ không chuyên của trường THPT chuyên quốc gia và thí sinh hệ chuyên của trường THPT chuyên tỉnh/thành phố, điểm trung bình cộng ba năm học của từng môn trong tổ hợp đạt từ 7,5 trở lên.
Các thí sinh khác có thể nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ nếu có có điểm trung bình cộng ba năm của từng môn học thuộc tổ hợp đạt từ 8 trở lên.
Tổ hợp xét tuyển của từng ngành như sau:
Năm ngoái, Học viện Ngân hàng lấy điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất là 27, thấp nhất là 21,5.