Ngày 2/3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy. Trường chia các chương trình đào tạo thành bốn nhóm, gồm: Báo chí, nhóm 2 (các ngành khối lý luận), nhóm 3 (ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) và nhóm 4 (các ngành về truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế). Tổng chỉ tiêu năm nay là 1.950, bằng năm ngoái.
Ba phương thức tuyển sinh được giữ ổn định, gồm xét học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và học bạ, căn cứ điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, năm nay, trường không tổ chức thi năng khiếu báo chí, dù việc dạy và học đã trở lại bình thường sau Covid-19.
Kỳ thi năng khiếu báo chí lần đầu được tổ chức vào năm 2015, dành riêng cho các chuyên ngành Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử, Ảnh báo chí, Quay phim truyền hình.
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nói trong khi kỳ thi năng khiếu báo chí chưa đạt hiệu quả như mong muốn, các phương thức khác vẫn giúp trường tuyển chọn được thí sinh đảm bảo chất lượng. Do đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dừng tổ chức thi riêng.
Trong số 1.950 chỉ tiêu, Học viện Báo chí và Tuyên tuyền dành 15% để xét học bạ. Tùy nhóm ngành, điểm xét tuyển bằng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12) cộng điểm trung bình 5 học kỳ các môn Ngữ văn hoặc Lịch sử hoặc Tiếng Anh nhân hệ số hai.
Nếu đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc giải khuyến khích quốc gia, thí sinh được cộng 0,1-0,3 điểm. Nếu có chứng chỉ tiếng Anh, điểm cộng dao động 0,1-0,5.
Phương thức xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế cũng được dành 15% chỉ tiêu. Để đăng ký, thí sinh cần đạt từ 6.5 IELTS, SAT 1200/1600 hoặc tương đương, học bạ năm kỳ (trừ kỳ II lớp 12) từ 7 trở lên, hạnh kiểm tốt.
Nếu đăng ký xét tuyển các ngành nhóm báo chí, điểm trung bình 5 học kỳ môn Văn của thí sinh không được dưới 7. Điều kiện này được áp dụng với môn tiếng Anh tại nhóm ngành về truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế.
Chỉ tiêu nhiều nhất được Học viện Báo chí và Tuyên truyền dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT với 70%.
Ngoài những phương thức trên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu không hạn chế. Nếu không tuyển đủ thí sinh bằng xét học bạ và chứng chỉ tiếng Anh, chỉ tiêu còn lại sẽ được chuyển cho phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Với các ngành còn lại, học phí hệ đại trà dự kiến 506.000 đồng một tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,47 triệu đồng một tín chí.
Năm ngoái, ở các ngành lấy điểm chuẩn theo thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện lấy điểm cao nhất - 29,25. Với các ngành xét theo thang điểm 40, ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp đứng đầu với 37,6 điểm.
Thanh Hằng