Dù có chuyên môn sư phạm nhưng tôi không dạy thêm gì từ khi con vào lớp 1 ở Đông Anh (Hà Nội), không đưa con đến nhà cô học thêm vào thứ 7, chủ nhật như các bạn. May mắn là cháu cũng thường được điểm tốt nên tôi cứ để cho con theo học bình thường, nếu có "thiếu hụt" kiến thức tôi sẽ "vá" cho cháu sau.
Tuy nhiên, nhìn bộ sách vở (vở cũng in sẵn, bìa cứng) mà nhà trường yêu cầu các cháu chuẩn bị khi đến lớp tôi cũng phát hoảng, quá nhiều cho cái lưng trẻ lớp 1.
Tổng cộng đi học cháu có 18 cuốn sách, tập theo chương trình học. Cụ thể các loại sách vở như sau:
1. Sách Toán 1
2. Sách Bài tập Toán nâng cao Lớp 1
3.Vở in Bài tập Toán 1
4.Vở viết Toán (vở 4 ô ly vuông)
5. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1
6. Sách Bài tập Tiếng Việt nâng cao Lớp 1
7. Sách Luyện đọc
8.Vở in Bài tập Tiếng Việt 1
9. Vở viết Tiếng Việt (vở 4 ô ly vuông) có chữ mẫu
10. Vở viết Tiếng Việt (vở 4 ô ly vuông)
11. Sách UK ENGLISH starter 1 - Pupil's Book
12. Sách UK ENGLISH starter 1 - Activity Book
13. Sách Tiny Talk 1A - Student Book
14. Sách Tiny Talk 1A - Work Book
15. Sách Tự nhiên và xã hội 1
16. Vở in Bài tập tự nhiên và xã hội 1
17. Sách Thực hành Mỹ Thuật 1
18. Sách Thực hành Thủ công 1
Theo tôi, ở độ tuổi này chỉ là biết đọc, biết viết thôi thì không cần nhiều thứ sách vở như thế. Đấy là chưa kể dù cô giáo đã cho để lại lớp lớp dụng cụ thủ công, 2 bộ dụng cụ học tập Toán và Tiếng Việt nhưng các cháu còn phải mang theo hộp bút, hộp phấn, bảng đen, thước kẻ, giẻ lau...
Thương con nhưng tôi vẫn phải mua đủ sách vở cho cháu theo yêu cầu và buộc cháu phải mang đủ sách vở cho mỗi ngày vì có lần họp phụ huynh, cô giáo đã nhắc nhở một số cháu quên mang theo.
Một vấn đề khác nữa khiến tôi thật sự thắc mắc, là không hiểu các giáo viên của con tôi dạy học như thế nào.
Hồi cháu học lớp mẫu giáo lớn, mong muốn cháu vào lớp 1 có thể theo các bạn nên vợ chồng tôi đã sớm tự dạy cháu biết đọc. Nhưng đến khi vào lớp 1, cô giáo vẫn không hề biết điều này vì khi gọi cháu đọc chữ gì thì cháu chỉ đọc chữ ấy.
Có đợt cháu bị ốm nghỉ mấy hôm, khi đến lớp, cô giáo có giờ thi "giáo viên dạy giỏi" nên đã đem cháu và hai bạn "học yếu" khác gửi qua một trường mẫu giáo để đoàn đại biểu đến dự lớp không "phát hiện".
Nghe cháu về kể với mẹ câu chuyện này mà tôi đau lòng, cứ ngỡ con mình bị làm sao nên yếu kém ở lớp. Tôi rất buồn vì mình có kèm cặp con nhưng vẫn bị cô giáo đánh giá là "học yếu". Thú thực, tôi không hề nghĩ là cô giáo chẳng biết rõ các cháu đã học được những gì rồi. Đó là lý do tại sao cô đã ngạc nhiên khi sau đó thấy con tôi có thể đọc ngon lành.
Tuần sau cháu lại kể, có giờ học tiếng Anh, cháu đã tự đọc hết các chữ có trên màn hình máy tính, thế là cô giáo ngạc nhiên và hỏi cháu: ''Thế Mạnh đã biết đọc rồi à?". Thật hay là cô vẫn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi.
Cho đến giờ tôi tự tin rằng tôi có thể chỉ dẫn cho con, bất kể cô giáo có dạy ra sao và đánh giá thế nào. Bởi vì chỉ qua việc học mầm non của con mình, tôi nghĩ một số cô giáo chưa có khả năng sư phạm hoặc chưa làm hết trách nhiệm dạy dỗ các cháu.
Khi đi học, việc thiếu trách nhiệm trên lớp có thể còn liên quan đến việc các thầy cô muốn mở lớp dạy thêm.
Trẻ em cần được học và chơi đúng với lứa tuổi. Bố mẹ và thầy cô cần quan tâm đúng mức đến tâm lý, sở thích và khả năng của các cháu, đúng vai trò và trách nhiệm của mình.
Nguyễn Văn Kiên
Chia sẻ những câu chuyện giáo dục, trường lớp của bạn tại đây.