Với khẩu hiệu "There is no child left behind" (tạm dịch: không có học sinh yếu kém nào bị bỏ rơi), ngành giáo dục Mỹ không có khái niệm "ở lại lớp" như Việt Nam.
Nhà nước Mỹ dành riêng cho ngành giáo dục ngân khoản dạy phụ đạo cho các học sinh học lực yếu kém ngay trong giờ học chính của trường.
Chương trình này được gọi là "Special education program", dành riêng cho các em thua kém về sự nhận thức tiếp thu, thường tập trung vào các môn chính như Ngôn ngữ, Toán, Lý, Hóa. Đặc biệt là Ngôn ngữ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiếp thu, hiểu bài và làm bài của các em.
Ngôn ngữ bao gồm: English Second Langue (ESL) dành cho những em nước ngoài. Điều này rất thiết thực vì Mỹ là nước hợp chủng quốc hay còn gọi là đa quốc gia, người nước ngoài định cư trên nước Mỹ chiếm đa phần trong khi người Mỹ gốc (Native American) thì rất ít.
Bilingual (hai thứ tiếng) được áp dụng cho các em học hai thứ tiếng song song hỗ trợ cho nhau, thường dành cho các em có tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha. (Vì Tây Ban Nha là ngôn ngữ thứ hai đồng hành với tiếng Anh và được áp dụng rộng rãi trong tất cả các ngành nghề ở Mỹ).
Speech therapy dành cho các e chậm nói, phát âm không chuẩn...
Reading (đọc), writing (viết) dành cho hầu hết các em yếu kém tiếng Anh.
Phụ đạo các môn này được áp dụng trong giờ học chính của trường bằng cách di chuyển các em sang lớp đặc biệt vào những tiết học chính đang diễn ra ở lớp thường.
Lớp đặc biệt (phụ đạo) thường chỉ có 3-5 em do một giảng viên dạy. Nếu em nào quá yếu thì được đặc cách một trò được kèm bởi một giáo viên (one on one) và họ có nhiều cách để áp dụng cho mỗi loại trường hợp yếu kém do tác động bởi sức khỏe, môi trường sống và gia đình...
Các em được ôn lại kiến thức cũ đã học ở những lớp thấp hơn do chậm tiếp thu, mất căn bản đồng thời xen kẽ kiến thức thực tại ở trình độ của các em.
Giáo viên dạy những lớp phụ đạo thường là những người có trình độ sau đại học, tiến sĩ. Họ có những giáo án tuyệt vời dành cho các học sinh yếu kém và dĩ nhiên tiền lương của họ phải phù hợp với trình độ học vấn của họ.
Song song với việc phụ đạo miễn phí, nhà trường kết hợp với gia đình tổ chức nhiều cuộc họp dành riêng cho từng học sinh nhằm tìm hiểu nguyên nhân ảnh hưởng đến sự yếu kém, để có hướng giải quyết đúng đắng nhất nhằm giúp các em càng sớm càng tốt.
Nhà trường còn có sự hỗ trợ về y tế, theo dõi sức khỏe các em, nhất là các vấn đề về tai (listening), mắt (vision), răng (dental). Mỗi năm các em đều được kiểm tra, nếu có các vấn đề bất thường nhà trường sẽ viết thư thông báo cho gia đình để đưa các em đi bác sĩ chuyên khoa vì những bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến sức học của các em.
Ngoài ra còn có sự kết hợp theo dõi của các nhà tâm lý học trẻ em và các nhà xã hội học, xem xét giải quyết kịp thời những trường hợp học sinh bị ngược đãi, thay đổi môi trường sống, thay đổi trong quan hệ gia đình như cha mẹ li dị, mẹ hoặc cha lập gia đình mới...
Tất cả gây tác động không nhỏ đến tâm lý và học lực của các em. Việc học phụ đạo sẽ được kết thúc tùy vào khả năng tiếp thu của từng em. Có những em chỉ sau một năm có thể đuổi kịp các bạn cùng lớp và được học theo chương trình bình thường, nhưng có những em học phụ đạo đến hết phổ thông vì những lý do bệnh lý...
Bên cạnh việc học phụ đạo, Mỹ còn có nhiều chương trình dành cho học sinh giỏi, vượt bậc, nhằm tránh sự nhàm chán trong học tập và khuyến khích nâng cao tầm tiếp thu hiểu biết của các em.
Chương trình này được gọi là "excel education" dành cho các em học sinh vượt trội về mặt tiếp thu những môn chính như math (toán), chemistry (hoá), physics (lý), biology (sinh vật học).
Vào những giờ học này các em được chuyển đến học ở các lớp cao hơn và như vậy khi đang là học sinh lớp 11, 12 các em đã học nhiều lớp chuyên ngành toán, lý, hóa, sinh ở bậc đại học.
Điều này rất có lợi cho các em như được tuyển thẳng vào đại học chuyên ngành nêu trên và đốt giai đoạn được một phần học ở đại học. Do vậy mà có rất nhiều em đã tốt nghiệp đại học ở tuổi 19-20.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường cộng với chính sách giáo dục tuyệt vời của Mỹ đã giảm thiểu tối đa nạn mù chữ và tệ nạn xã hội do dốt nát gây ra.
Kiều Hạnh
Chia sẻ những câu chuyện của bạn về giáo dục ở nước ngoài tại đây.