Thanh Hương, sinh viên năm thứ hai một đại học ở Hà Nội, từng "hú vía" vì góp phần lan truyền tin giả. Hồi đầu năm học 2022 - 2023, một số tân sinh viên của trường nhận được tin nhắn giả mạo, yêu cầu nộp học phí lên tới 80 triệu đồng, gấp đôi số tiền thực tế. Hương lập tức chia sẻ trên Facebook cá nhân kèm nhận định trường đại học "dạy thì ít mà thu tiền thì nhiều". Nhiều người cũng chia sẻ lại bài viết của nữ sinh. Đến khi trường nắm được thông tin và đăng thông báo chính thức trên fanpage, khẳng định không có chuyện tăng học phí gấp đôi, Hương lẳng lặng xóa bài viết.
Còn Đạt, học sinh lớp 10 tại TP HCM, đã "thêm mắm dặm muối" khi nghe được tin đồn về Duy - một người bạn cũ thời cấp 2, rồi chia sẻ qua nhóm chat. Khoảng tháng 11/2022, Đạt nghe có người nói Duy có thói ăn cắp vặt, thường trộm đồ của bạn bè. Nam sinh liền chat với vài người bạn, bịa thêm rằng từng bị Duy lấy đồ.
Thấy bạn bè bất ngờ và tỏ ý nghi ngại về Duy, đồng thời cảm ơn vì đã cảnh báo, Đạt hả hê, cho đến khi mọi tin nhắn trong nhóm chat được chụp lại và Duy biết được. Vài ngày sau, Duy đến tìm Đạt ở căng tin trường để chất vấn, hai nam sinh xông vào đánh nhau.
Những sự việc tương tự không hiếm, xuất hiện từ những nhóm chat nội bộ đến những hội nhóm dành cho học sinh, sinh viên đông đảo trên mạng xã hội. Gần đây nhất, mạng xã hội nóng bỏng trước thông tin "nữ sinh trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (HUFLIT) nghi bị hiếp dâm khi đang học quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7", xuất phát từ một trang Facebook mang tên "UEH Confessions". Đi kèm với thông tin còn có clip tiếng la hét thất thanh của nữ sinh. Dù ngay sau đó, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh đã khẳng định thông tin, clip đang lan truyền sai sự thật, "xuyên tạc với dụng ý xấu", những bài viết với nội dung sai lệch vẫn được lan truyền, nhận hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, bình luận, gây hoang mang cho nhiều người.
Lý giải việc học sinh, sinh viên dễ gặp rắc rối, trở thành công cụ hoặc nạn nhân của tin giả khi dùng mạng xã hội, GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng người trẻ có nhu cầu giao tiếp, kết nối bạn bè rất lớn, trong khi truy cập Internet lại dễ dàng, mạng xã hội hấp dẫn và miễn phí. Ngoài ra, theo ông Sơn, nhiều học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng thẩm định thông tin, không có mục tiêu dùng mạng xã hội rõ ràng, nên dễ bị cuốn theo những thông tin tiêu cực.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), việc học sinh, sinh viên nhanh chóng chia sẻ và lan truyền tin tức, kể cả khi chưa được kiểm chứng, xuất phát từ mong muốn thể hiện bản thân, gây sự chú ý. Mặt khác, phụ huynh cho con cái dùng điện thoại thông minh (smart phone) nhưng ít người để tâm hướng dẫn con dùng Internet, mạng xã hội một cách đúng đắn.
Theo We are Social - tổ chức quốc tế trong lĩnh vực truyền thông, mạng xã hội, đến tháng 1/2022, Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội. Học sinh (nhóm tuổi 13-17 tuổi) chiếm 9,2%, sinh viên 18-24 tuổi chiếm 25% số này. Các mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam là Youtube, Facebook, Zalo, trong đó Facebook có hơn 70 triệu tài khoản. Những hội nhóm dành cho học sinh, sinh viên thường có hàng trăm nghìn thành viên, một số lên tới hàng triệu. Các bài viết trong những nhóm này luôn có lượt tương tác lớn, phổ biến hàng nghìn đến chục nghìn.
Thống kê cuối tháng 9/2022 của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian dùng xã hội của sinh viên "rất lớn", trung bình 5 giờ mỗi ngày.
"Mạng xã hội là điều tất yếu của đời sống số", theo TS Lê Xuân Thành, Trưởng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất. Kết quả khảo sát 6.000 sinh viên của trường cho thấy khoảng 90-95% sử dụng mạng xã hội, trong đó hơn 50% dùng hai nền tảng trở lên. Ông Thành cho rằng việc bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội là quyền của mỗi người, trong đó có học sinh, sinh viên, nhưng không phải muốn làm gì cũng được.
Theo Nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ, khi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, cá nhân bị phạt hành chính cao nhất 100 triệu đồng, đồng thời có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Do đó, các trường cần đồng hành với người học, định hướng và hỗ trợ các em tiếp cận thông tin chính xác, an toàn, ông Thành nhận định.
Tại Đại học Mỏ - Địa chất, các trang mạng xã hội cung cấp thông tin chính thức đều có sự quản lý. Riêng với trang confession, một hình thái chia sẻ ẩn danh, ông Thành cho biết trường không quản lý, nhưng luôn "theo dõi sát sao". Trước một thông tin phản ánh về trường, các giảng viên được trường giao phát ngôn sẽ phản hồi ngay dưới bài đăng, cho biết đã tiếp nhận phản ánh và sẽ phản hồi trong 1-2 ngày. Nếu có thể khẳng định ngay thông tin đó sai sự thật, trường sẽ đăng tin đúng trên các trang mạng xã hội chính thức. Ông Thành lấy ví dụ một lần website của trường Đại học Mỏ - Địa chất bị lỗi, một số người đăng tin "website bị hacker tấn công", khiến sinh viên hoang mang. Ngay sau đó, fanpage chính thức của trường cho biết đây là lỗi hệ thống, ngay trong ngày sẽ khắc phục. "Cách để tin giả không thể tồn tại là cung cấp tin thật", ông Thành nói.
Ở trường THPT Nguyễn Du, hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết việc hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội, chia sẻ tin tức được trao đổi thường xuyên, không dưới 15 lần mỗi năm học. "Mỗi lần sinh hoạt về chủ đề mạng xã hội, ứng xử trên không gian mạng, thầy cô đều có những câu chuyện thời sự, ví dụ trực quan. Từ đó, thầy cô hướng dẫn học sinh rút kinh nghiệm từ cách bình luận, bấm thích, chia sẻ thông tin", ông Phú nói.
Sau vụ đánh nhau với Duy ở căng tin, Đạt bị xếp loại khá học kỳ đó, nhưng em cho rằng mình "mất nhiều hơn", vì bị bạn bè đánh giá là người không đáng tin.
Với sự việc xảy ra tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7, ngày 12/1, nữ sinh Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, nhận mình là người quay clip bị phát tán, cho biết khi được giáo viên đính chính rằng sinh viên đó có vấn đề tâm lý và bị đổ lỗi ăn cắp dẫn đến kích động, la hét, đòi nhảy lầu và được ngăn cản kịp thời, em đã nói lại với những người bạn mà em đã gửi clip, nhưng "không ngờ mọi chuyện đi quá xa, gán ghép thông tin sai sự thật. "Qua sự việc em rút ra bài học lớn cho mình, em thật sự xin lỗi", nữ sinh nói.
Nhà chức trách xác định tính chất sự việc rất phức tạp. Hành vi chỉnh sửa, đăng tải, phát tán clip chưa được kiểm chứng lên các nền tảng mạng xã hội gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của Quân đội Việt Nam và trường Quân sự Quân khu 7. Ngày 14/1, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 khởi tố vụ án Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Theo TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí - Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), có hai bộ lọc để người dùng Internet, trong đó có học sinh, sinh viên, nhận diện được tin giả, tin thật.
Trước hết, các em cần tự hỏi mình về mục đích bình luận, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc với thông tin trên mạng xã hội. Ông Thông coi đây là "bộ lọc tâm hồn" khi người dùng có thể đặt câu hỏi, liệu việc làm của mình có tổn thương ai, hoặc dẫn tới chuỗi cảm xúc tiêu cực, có thật sự cần thiết để giải quyết vấn đề đó không.
Bộ lọc thứ hai là các yếu tố kỹ thuật. Ông Thông cho rằng ngay khi bắt gặp những tiêu đề, thông tin có tính giật gân, gây sốc, các em phải cẩn trọng, xem các hình ảnh, video có bị cắt ghép hay không. "Hình ảnh, video trực quan, dễ dẫn dụ cảm xúc. Nhưng nó cũng rất dễ bị chỉnh sửa, dễ suy diễn theo ý mỗi người", ông Thông nhận định.
Sau khi xem xét yếu tố bề mặt, các em cần phân tích tiếp nội dung câu chuyện. Nếu phát hiện những yếu tố phi logic, nghịch lý, khó tin thì cần dừng lại để chờ thông tin đầy đủ hơn. Ông Thông thừa nhận đây là bước khó hơn, không phải ai cũng đủ khả năng để phát hiện chi tiết phi lý và thẩm định thông tin. "Nhưng qua 'bộ lọc tâm hồn', xem xét hình ảnh, tiêu đề, phần nào đã giúp các em phân biệt, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin", ông Thông nói.
Thanh Hằng - Nhật Lệ