Trong không gian nhỏ của Câu lạc bộ hưu trí thành phố Cao Lãnh, các môn sinh, khán giả tề tựu tiễn biệt nhạc sư 104 tuổi. Từ Sài Gòn, Tiến sĩ Lê Hồng Phước - chuyên nghiên cứu ngành lịch sử văn hóa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - cùng một số học trò nhạc sư về Đồng Tháp nhìn mặt người thầy lần cuối. Trên nền tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng, anh Hồng Phước trình bày bản vọng cổ tự sáng tác về thầy Vĩnh Bảo:
"Ấp ủ tâm tư ngót trăm năm
Nhấn phím nhói tim nỗi thăng trầm
So dây sắp chữ nương hồn nhạc
Tấu khúc tình đời, một chữ tâm"
Tiến sĩ Hồng Phước viết nhạc phẩm trong một đêm mưa năm 2015, khi biết tin nhà nhạc sư nước ngập đến đầu gối. Anh kể: "Năm đó, tôi mới tu nghiệp ở Pháp về lại TP HCM, có duyên thọ giáo thầy về âm nhạc, văn hóa dân tộc. Một đêm mưa, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, nghe con gái thầy - cô Thu Anh - nói ông đang leo lên căn gác của ngôi nhà ở đường Bùi Hữu Nghĩa để tránh nước vì tầng trệt bị ngập nặng do mưa lớn. Tôi rất xúc động trước cuộc sống thanh đạm của một người ngoài 90 tuổi, tài giỏi và khiêm nhường như thầy. Tôi sáng tác ca khúc, sau đó cùng nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân thu âm bài hát tặng thầy".
Anh Phước nói sinh thời, nhạc sư không thích người khác ca ngợi, nhưng trước vong linh của ông, anh muốn nói đôi lời về sự nghiệp đồ sộ của thầy. Nếu tính cải lương ra đời năm 1918, tuổi đời của ông bằng chiều dài phát triển của bộ môn này. Ông là người duy nhất thuộc thế hệ ban đầu của nền cải lương sống vượt tuổi 100. Ông biết đàn từ 5 tuổi, tức đã gắn bó 100 năm, là nhạc sư cổ nhạc có thâm niên lâu nhất.
"Ông chứng kiến mọi giai đoạn thăng trầm của cải lương miền Nam. Ông không chỉ chơi đàn mà còn là nhà nghiên cứu sâu về âm nhạc dân tộc, đồng thời nghệ nhân đóng nhạc cụ miền Nam cừ khôi, một nghệ sĩ trình tấu nhạc dân tộc tài ba, tinh tế. Sau khi ông mất, không biết đến lúc nào chúng ta mới có người kế thừa tiếng đờn của ông, đặc biệt là điệu Nam Xuân và Nam Ai", tiến sĩ Phước nói.
Buổi hòa nhạc diễn ra từ 19h đến 22h trong lời ca cổ, tiếng đàn tranh, đàn kìm, đàn gáo... những nhạc cụ Nguyễn Vĩnh Bảo dành hơn 100 năm cuộc đời giữ gìn, nghiên cứu, tìm tòi để mang nét hay, đẹp của âm nhạc miền Nam đến với khán giả trong, ngoài nước. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng mặc chiếc áo in hình nhạc sư cùng biểu tượng hoa sen. Chị trình diễn bản Sang xuân, phát triển từ bản Lưu Thủy Hành Vân (sáng tác Nghệ sĩ Nhân dân Phương Bảo). Dù gắng giữ sự nhẹ nhàng, thanh thản tiễn thầy đúng phong cách của ông, Hải Phượng được nhận xét như "chơi đàn trong nước mắt".
Trong ký ức của chị, nhạc sư thường dạy học trò bằng những câu chuyện rút ra từ cuộc đời ông. Có lần, một bác sĩ đến học đàn của ông. Mỗi lần đến kỹ thuật rung, ông không làm được vì tay trái cứng đơ. Lần đó, dạy mãi mà học trò vẫn không hiểu cách làm, nhạc sư bèn ôm bụng than đau. Ông bác sĩ vội vàng đưa hai tay nhún nhún trên bụng thầy rồi hỏi đau ở đâu. Nhạc sư liền chụp bàn tay ông rồi nói: "Cái cách rung dây đàn là nhún nhún đều như vầy nè". Từ đó, bác sĩ nọ học được cách rung đàn.
Nghệ sĩ Hải Phượng từng thắc mắc vì sao ở tuổi ngoài 100, nhạc sư vẫn minh mẫn. Ông nhớ từng đặc điểm nhỏ của bậc tài danh thuở xưa, như nhạc sĩ Chín Kỳ, Hai Thinh, Sáu Tửng... Chị cho biết: "Thầy có một trí nhớ siêu phàm. Bộ nhớ đó được bồi đắp mỗi ngày vì thầy đã sống trọn trong từng phút giây".
Nhìn di ảnh nhạc sư, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - nhiều lần lau nước mắt. Ông có duyên quen biết nhạc sư suốt bốn năm qua. Ngoài những bài học về âm nhạc dân tộc, điều ông nhớ hơn cả ở nhạc sư là những triết lý nhân sinh lĩnh ngộ được sau mỗi lần hàn huyên. Ông nhớ mãi câu nói của thầy: "Cuộc đời tôi bằng lòng với cái tối thiểu". Ông từng viết một câu trong quyển sách tặng nhạc sư: "May mắn trong cuộc đời là gặp những người khiến chúng ta tỉnh thức, biết buông bỏ những gì đeo đẳng bấy lâu". Ông Hoan nói: "Gặp thầy rồi, chúng ta sẽ thấy cái tôi của mình quá nhỏ bé so với nhân sách của thầy".
Từ phương xa, nhạc sĩ Hoài An sáng tác ca khúc Tiếng đờn từ trăm năm - để tặng nhạc sư, người từng dìu dắt anh đến với âm nhạc cổ truyền. Anh viết nhạc phẩm trong một buổi tối, đến hai giờ sáng thì hoàn thành. Ca khúc được sáng tác theo hợp âm tiếng đàn kìm, ca ngợi một đời tâm huyết với tiếng đàn dân tộc của nhạc sư Vĩnh Bảo.
"...Nghe tiếng đờn ai rao mấy câu
Nỉ non cung sầu, ôn chuyện xưa
Đờn dưới trăng. Thương nhớ bậu
Đi qua thời cuộc bể dâu
Sau bao mưa nắng dãi dầu
Đôi tay nếp nhăn in hằn
Rung, nhấn... tiếng đờn dẫn chuyện trăm năm...
Chuyện từ dân ca, điệu lý câu hò
Từ đời ông cha... tiếng lòng người phương Nam...".
Trước đó, tối 8/1, nghệ sĩ cải lương Chí Tâm từ TP HCM về Cao Lãnh đàn nhiều bản cổ nhạc bên linh cữu ông. Sáng 10/1, sau lễ di quan lúc 10h, lễ hỏa táng diễn ra ở Nghĩa trang Quản Khánh. Tro cốt được mang về với gia đình.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất ở tuổi 104 tại nhà riêng lúc 18h50 ngày 7/1, sau thời gian chữa bệnh già. Ông sinh 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (đơn vị hành chính thời Pháp thuộc) trong một gia đình nho học yêu đờn ca tài tử. Năm năm tuổi, ông đã biết chơi đàn kìm, đàn cò, 10 tuổi biết chơi thêm nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm nghệ nhân đóng đàn. Ông cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.
Ông và giáo sư Trần Văn Khê là hai bậc thầy từng dành tâm huyết trọn đời nâng tầm nghệ thuật đờn ca tài tử, đau đáu nỗi niềm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong quyển Những giai điệu cuộc đời, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong viết: "Giữa hai giai đoạn lịch sử từ thời thuộc địa cho đến khi độc lập, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là viên gạch nối thật dài, thật lấp lánh. Thế hệ chúng tôi cần học hỏi, và mong những bài học đó sẽ lưu lại cho nhiều thế hệ mai sau".
Mai Nhật - Thoại Hà