Cách đây 16 năm khi tôi đi luyện thi đại học môn toán, thầy giáo là giảng viên đại học rất giỏi. Thầy nói giáo dục Việt dạy ngoại ngữ không đúng. Mới bắt đầu học ngoại ngữ phải giống như một đứa trẻ khi tập nói, có nghĩa là không cần hiểu, chỉ cần bắt chước.
Nghe người khác nói kết hợp với hình ảnh, hành động để bắt chước áp dụng tương tự cho những lần sau. Ví như ta chỉ vào người mẹ và nói "mẹ" nhiều lần để cho đứa trẻ biết và lần sau thấy mẹ thì nói như vậy. Rồi sau đó khi cần nâng cao thì mới học đến ngữ pháp, phân tích câu.
Mục đích học ngoại ngữ với đại đa số mọi người là để nói, để giao tiếp bằng thứ tiếng đó rồi nâng cao hơn thì có thể đọc được văn bản của tiếng đó. Còn việc phân tích ngữ pháp thì dành cho người cần học chuyên sâu.
Còn ở Việt Nam mới vào lớp 6 đã học ngay về việc phân tích các thành phần của câu rồi sau đó các năm là một loạt các kiến thức ngữ pháp khác.
>> Tôi mất căn bản tiếng Anh vì ám ảnh bị chê phát âm sai
Rồi chương trình nặng về học thuật cố định suốt mấy chục năm không thay đổi. Học sinh thì học thụ động chủ yếu là kiếm điểm để qua môn, nên giáo viên cũng không có động lực để nâng cao trình độ, cải tiến phương pháp dạy.
Chính vì thế ngay cả giáo viên còn không thể giáo tiếp tự tin với người nước ngoài, thì làm sao học sinh có thể được.
Anh rể tôi 15 năm trước cũng là trưởng bộ môn tiếng Anh của một trường cấp 2 nhưng rồi anh cũng phải ra ngoài dạy tiếng Anh cho trung tâm ngoại ngữ, dù đã có biên chế ổn định. Lý do chỉ vì anh muốn được dạy một cách nghiêm túc, không phải áp lực chuyện số sách, điểm số và người đi học là người thực tâm muốn nâng cao trình độ. Giáo viên ở đây phải nâng cao trình độ thường xuyên và tiếp xúc với các giáo trình của nước ngoài nên cách dạy và học cũng khác. Hơn nữa lại có nhiều cơ hội để tiếp xúc với người nước ngoài.
Còn chương trình phổ thông tiếng Anh thì số lượng kiến thức cho mỗi năm học bao gồm từ vựng và ngữ pháp, chỉ ghi đầy trên vài trang vở là hết. Các em học sinh hầu hết không hỏi thêm giáo viên kiến thức khác, khiến cho giáo viên không có động lực, nhu cầu phải nâng cao kiến thức.
Hơn nữa tôi thấy việc học ngoại ngữ nên theo hình thức giao tiếp trực tiếp là tốt nhất. Chỉ nghe băng, xem video hay TV thì khó để tiếp thu.
>> Con tôi giỏi tiếng Anh nhờ karaoke
Ở nước ngoài, nghiên cứu cho thấy những chương trình băng đĩa dạy trẻ em tập nói dường như là vô dụng vì các em chỉ xem như giải trí, không có người để bắt các em lặp lại những thứ cần học.
Học ngoại ngữ cũng vậy, cần có môi trường để cùng nhau tập nói tiếng Anh. Ai chịu khó nói chuyện bằng ngoại ngữ khi có cơ hội, không sợ sai, không sợ bị cười chê thì sẽ mau tiến bộ hơn.
Xây dựng một chương trình học ngoại ngữ theo kiểu trò chuyện như vậy theo tôi là không khó với điều kiện bây giờ của nước ta. Nhất là nên đầu tư xây dựng chương trình ngay từ cấp tiểu học khi các em còn nhỏ. Đừng suy nghĩ kiểu tiếng Việt còn chưa rành thì học ngoại ngữ làm gì? Trẻ em có thể dễ dàng tiếp xúc và quen thuộc với hai hoặc nhiều hơn các ngôn ngữ cùng lúc.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.