Sân chơi tranh biện "The Debate Challenge" do VnExpress phối hợp với Swinburne Việt Nam tổ chức thu hút sự quan tâm của học sinh cả nước sau hai tháng phát động với hàng trăm bài dự thi gửi về chương trình.
Tại Vòng sơ loại (diễn ra đến hết ngày 23/8), thông qua câu nói nổi tiếng của doanh nhân Margaret Heffernan: "Để có những ý tưởng hay và sự đổi mới thật sự, chúng ta cần sự tương tác giữa con người, sự xung đột, tranh luận và tranh biện", các đội thi đã bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình về ý nghĩa của tranh biện.
Dưới đây là những phần dự thi của các thí sinh, bày tỏ chính kiến của đội mình về tranh biện và câu nói của doanh nhân Margaret Heffernan.
Tranh biện giúp kiểm soát cảm xúc, nâng cao tư duy
Minh Trang, Phạm Minh Tuấn, THPT Yên Hòa, Trần Nhật Quang (đội thi YDS Platano) đến từ THPT Yên Hòa, Hà Nội cho rằng, thông qua việc tranh biện, chúng ta sẽ thuyết phục những người xung quanh tin luận điểm bản thân đưa ra đúng, đáng được quan tâm. Trong cuộc sống, tranh biện xảy ra ở khắp mọi nơi, là công cụ để mỗi người tìm ra cái mới, đẹp.
Kỹ năng này cũng giúp kiểm soát cảm xúc, nâng cao tư duy phản biện, đưa ra những lập luận hợp lý, sẵn sàng đối diện với khó khăn, giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, 3 bạn trẻ cũng cho rằng, không phải ai cũng phù hợp với việc tranh cãi, sẵn sàng nói ra những điều mình suy nghĩ, tranh biện cũng gây ra những tiêu cực khác nhau nếu cá tính quá mạnh.
Nhìn nhận vấn đề đa chiều
Theo Phan Phương Thảo, Lâm Giang Oanh, Vi Thùy Linh - THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ (đội Worldwideblue), để có những ý tưởng hay và sự đổi mới thật sự, chúng ta cần sự tương tác giữa con người, sự xung đột, tranh biện.
Tranh biện giúp mang lại cái nhìn khách quan, sáng tạo hơn. Ví dụ khi bàn về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất", tranh luận sẽ giúp đánh giá vấn đề đa chiều, nói lên quan điểm của bản thân, giải quyết mâu thuẫn. Đây là một cách học tốt bởi người tranh biện cũng phải tìm hiểu nhiều thông tin.
Tranh biện đem đến những ý tưởng có ích
Theo Phạm Đức Kiên, Trần Thị Hằng Nga - trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (đội Tổng hợp), ý tưởng tốt và sự sáng tạo là hai yếu tố quan trọng giúp nhân loại phát triển. Những va chạm, tranh luận sẽ đem đến ý tưởng tốt nhất, mở rộng tầm hiểu biết, cách nhìn nhận vấn đề, tránh nhìn nhận phiến diện.
Dũng cảm nói lên ý kiến cá nhân, lắng nghe, thấu hiểu
Bốn học sinh đến từ trường THPT Việt Nam - Ba Lan (đội THE PIONEER) cũng cho rằng, để tạo ra ý tưởng tốt thì cá nhân, tập thể trải qua quá trình làm việc hăng say. Trong quá trình đó thì tranh biện xảy ra. Tuy nhiên, tranh biện nên dựa trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, dũng cảm nói lên ý kiến cá nhân, tự tin với chính mình.
Đội Spring Tree đến từ THPT Hoàng Văn Thụ gồm 4 thành viên: Phạm Minh Hiếu - Nguyễn Huyền My - Ngô Việt Thành - Quách Ánh Ngọc. 4 thành viên cho biết, tranh biện, xung đột là cách tốt nhất đem đến sự đổi mới, xây dựng, tôn trọng, quan điểm của mỗi cá nhân. Bản chất của tranh biện là lắng nghe, thấu hiểu, giúp mỗi người suy nghĩ chủ động.
Theo các em tại THPT Chuyên Sư Phạm (đội CDS Bánh Chưng), tranh luận là đưa ra quan điểm bằng những lý lẽ, lập luận, hướng đến thuyết phục người nghe. Tương tác - xung đột - tranh biện là chuỗi hoạt động logic, đi tìm giải pháp tốt nhất.
Đồng quan điểm với THPT Chuyên Sư Phạm, Hội Học Sinh CHY gồm 4 thành viên lớp 11 từ trường THPT Chuyên Ngoại ngữ; THPT Yên Hòa; THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) đánh giá, ý tưởng tốt sẽ chiến thắng trong các cuộc tranh biện. Kỹ năng tranh biện cần cho công dân thế kỷ 21, là tiền đề cho nguồn gốc, sự phát triển của những cái mới.
Sân chơi tranh biện "The Debate Challenge" do VnExpress phối hợp với Swinburne Việt Nam tổ chức. Để đánh giá chất lượng, tuyển chọn các đội bước vào vòng Đấu loại, "The Debate Challenge" mở bình chọn. Mỗi tài khoản có thể bình chọn cho mỗi đội một lần trong ngày (có thể bình chọn cho các đội khác nhau). Tham gia bình chọn tại đây.
Ban tổ chức sẽ đăng tải lần lượt các video dự thi vào thứ Hai hàng tuần trên website "The Debate Challenge". Các bài thi cũng sẽ được đăng tải trên fanpage The Debate Challenge nhưng chỉ tính lượt bình chọn tại website chương trình.
Hiện, chương trình vẫn tiếp tục nhận bài dự thi. Vòng Sơ loại đóng cổng đăng ký ngày 23/8. Ban tổ chức công bố đội lọt vào vòng đấu trực tiếp vào 1/9.
Thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi tại đây.
Lê Nguyễn
Swinburne Việt Nam là chương trình đào tạo đại học quốc tế được hợp tác giữa Swinburne University of Technology, Đại học FPT. Swinburne University of Technology là một trong những trường đại học danh giá, thuộc top 372 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS 2020). Tại Việt Nam, đơn vị được biết đến là nhà tài trợ các thí sinh vô địch cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" hơn 20 năm qua. Đây cũng là một trong những trường đại học tiên phong đưa bộ môn tranh biện học thuật vào giảng dạy nhằm nâng cao kỹ năng cho sinh viên. Tìm hiểu thêm về Swinburne Việt Nam tại đây. |