Nam Kinh, thành phố cách Thượng Hải 300 km, chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi đợt bùng phát Omicron gần đây. Các trường học đã trở lại hoạt động trực tiếp từ 7/4.
Cách đây hai năm, khi đại dịch bắt đầu ở Hồ Bắc, Nan Zhaojin đang học chương trình quốc tế tại một trường địa phương để chuẩn bị du học. Nhưng Covid-19 bùng phát khắp thế giới khiến gia đình Nan muốn con nghĩ lại.
Đó là một quyết định khó khăn. Ở tuổi 15, Nan muốn ra nước ngoài học. Gaokao (cao khảo) là một trong những kỳ thi khốc liệt và cạnh tranh nhất thế giới. Học sinh Trung Quốc thường phải dành sáu ngày một tuần trong suốt ba năm để "dùi mài kinh sử" cho kỳ thi này.
Trong khi đó, chương trình quốc tế của Nan được dạy hầu hết bằng tiếng Anh và nhắm vào quy trình tuyển sinh đại học Mỹ. Vì thế, Nan ít có lợi thế. Thay đổi hướng đi đồng nghĩa với việc Nan phải bắt đầu lại.
Bất chấp chi phí phải trả, hai bạn cùng lớp Nan đã từ bỏ chương trình quốc tế, chấp nhận bắt đầu lại tại các trường trung học công lập. Một người bạn kể với Nan rằng cậu mất tự tin với việc du học.
Nhiều học sinh Trung Quốc phải hủy bỏ kế hoạch du học kể từ khi đại dịch bắt đầu, do lo ngại Covid-19, khó về thăm nhà, sợ tội phạm và nạn phân biệt đối xử với người châu Á ở nước ngoài.
Tạp chí Fortune cho biết số lượng hồ sơ của sinh viên Trung Quốc vào các trường đại học Mỹ trong năm 2022 đã giảm 18% so với 2021. Báo cáo của Chương trình Du học sinh và Trao đổi sinh viên Mỹ hồi tháng 4 cho thấy có 348.992 học sinh Trung Quốc ở Mỹ năm ngoái, ít hơn 33.569 so với năm 2020.
Năm 2019, số lượng học sinh Trung Quốc ở Anh là 119.825 nhưng sau đó giảm đáng kể 32% vào năm 2020. Năm 2021, con số đạt 119.334, ngay dưới mức của năm 2019, theo dữ liệu từ văn phòng nhập cư nước này.
Canada, đất nước yêu thích thứ ba của du học sinh, giảm 25% số lượng học sinh đến từ Trung Quốc, từ hơn 140.000 năm 2019 xuống 105.000 năm 2021.
Trung Quốc không báo cáo tổng số học sinh xuất ngoại kể từ khi bắt đầu đại dịch. Theo báo cáo "Hướng dẫn du học 2022" do Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành, học sinh đăng ký các chương trình tại nhiều quốc gia và chuẩn bị cho việc học tập từ xa. Hướng dẫn này cũng chỉ ra các vấn đề như chính trị quốc tế và chính sách thị thực là những yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn của các em.
Một cố vấn ở Nam Kinh cho hay, không ít học sinh đang cân nhắc lại kế hoạch du học, một phần vì mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Zhong Jue, hiện làm việc cho một công ty tư vấn du học ở Nam Kinh, nói: "Đây là xu hướng mà chúng tôi quan sát thấy, đặc biệt ở những học sinh sắp tốt nghiệp trong năm nay và năm sau".
Zhong đưa ra ví dụ về một trường trung học danh tiếng ở Nam Kinh có số lượng học sinh ra nước ngoài hàng năm vào khoảng 220 người trước đại dịch. Nhưng trung tâm đang có 200 trong năm nay và chỉ 145 vào năm sau.
Nếu trở lại đường đua cao khảo, Nan vẫn có thể xin ra nước ngoài; nhưng nếu ở lại chương trình quốc tế, em không thể thi cao khảo. Những học sinh đang theo chương trình giảng dạy tiếng Trung này cũng có thể đăng ký vào các trường đại học ở nước ngoài nếu họ chuẩn bị cho các kỳ thi cần thiết và hồ sơ.
Khi đó, Nan đã nghiêm túc xem xét lại kế hoạch du học của mình.
Nhưng bạn bè nói với Nan rằng nên thận trọng, trừ khi chắc chắn có thể kiểm soát được những áp lực khi đi hai con đường: hoàn thành chương trình học ba năm ở trường công cho kỳ thi cao khảo và chuẩn bị cho các kỳ thi Mỹ vào thời gian rảnh. Nan cũng sẽ phải tham gia các hoạt động ngoại khóa để làm tốt hồ sơ du học.
Nan từng có khoảng thời gian vất vả chuẩn bị cho kỳ thi trung khảo, thậm chí còn cạnh tranh hơn cả cao khảo với tỷ lệ trượt 50%. Cuối cùng, Nan quyết định tiếp tục kế hoạch của mình.
"Em đã học chương trình quốc tế trong cả học kỳ và chuẩn bị cho bài kiểm tra trình độ ngoại ngữ TOEFL. Em không muốn bắt đầu lại mọi thứ cho cao khảo. Đó là một chương trình giảng dạy hoàn toàn khác, đòi hỏi thêm ba năm chuẩn bị khó khăn", Nan chia sẻ.
Trong khi các bạn cùng trang lứa dành cả ngày học và làm vô số bài tập, bài kiểm tra, Nan thấy mình học được rất nhiều thông qua hoạt động em thực hiện để gây ấn tượng với các trường ở nước ngoài. Em được nhận vào Đại học Washington ở St. Louis, và dự định nhập học trực tiếp vào mùa thu này.
Khác Nan, không ít người thay đổi kế hoạch. Gong Zilu, nữ sinh ở Nam Kinh, dự định du học Mỹ trước đại dịch nhưng đã chuyển hướng sang các đại học ở Hong Kong.
"Gia đình muốn em ở gần vì Covid-19 và muốn an toàn", Gong, hiện học năm cuối trung học, tâm sự. "Bất cứ khi nào có vụ nổ súng, giống như những gì xảy ra tại ga tàu điện ngầm New York gần đây hay học sinh Trung Quốc bị sát hại ở Chicago, bố mẹ lại gửi tin tức và bảo rằng sẽ không ngủ nổi nếu em ở đó".
Gong có một số người bạn đã ra nước ngoài từ khi còn nhỏ tuổi. Một số bị mắc kẹt ở nước ngoài hơn hai năm, về nước phải cách ly tập trung có trả phí ít nhất 14 ngày và trải qua bảy ngày cách ly tại nhà, chưa kể giá vé máy bay cao ngất ngưởng.
"Em không thể tưởng tượng được không thể về nhà lâu như vậy. Hong Kong gần hơn nhiều và em không cần phải đối mặt với những khác biệt văn hóa", Gong giải thích.
He Jiaying, học sinh lớp 12 một trường công lập ở Nam Kinh, dành năm 2020 để cân nhắc xem có nên nộp đơn cho các trường học ở nước ngoài hay tập trung vào cao khảo.
Khi bắt đầu học lớp 11 ở trường, He đã phải vật lộn giữa hai lựa chọn, sau một kỳ học trực tuyến. "Em thực sự đã định ra nước ngoài nhưng sau đó hối hận và nghĩ đến việc thi cao khảo. Em không chắc chắn về bản thân, sức mạnh và những gì em muốn làm", He nói.
Trở lại trường, He nhận thấy các bạn cũng có mối lo tương tự. "Một số bạn top đầu của lớp, từng lên kế hoạch nộp đơn vào một trường Ivy League, dường như ít động lực hơn trước", He nhận xét.
Sự quan tâm của các bạn cùng lớp He đối với du học giảm dần kể từ khi đại dịch bắt đầu. "Chúng em dường như kém năng động hơn, kém chắc chắn hơn. Mọi người thấy con đường mình đã chọn không tốt như mình nghĩ, nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bước đi", He chia sẻ.
He nộp hồ sơ cho nhiều trường ở Mỹ và được chấp nhận hồi tháng 12/2021. Theo nữ sinh, du học là cơ hội để ra khỏi vùng an toàn của bản thân để bắt đầu khám phá. "Em sẽ tích lũy các kỹ năng sống và học cách chăm sóc bản thân khi bố mẹ không ở bên", He cho hay.
Phụ huynh của He chia thành hai phe: Trong khi bố ủng hộ du học, mẹ em thích con gái ở Trung Quốc, chủ yếu vì lo dịch bệnh và vấn đề an ninh. Trường đại học nơi He sắp đến nằm ở khu có tỷ lệ tội phạm tương đối cao.
He dự định học tâm lý học và khoa học não bộ, đồng thời cho biết đưa ra quyết định chủ yếu do chương trình của trường có thế mạnh. Ngoài Mỹ, He cũng nộp đơn cho các trường ở Canada và Anh.
Dane Christiansen, cố vấn đại học ở nước ngoài có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các lớp học quốc tế ngày càng ít hơn ở ngôi trường anh làm việc.
Ngoài Covid-19, Christiansen cho rằng mối lo ngại hàng đầu của phụ huynh Trung Quốc vẫn là an toàn. Các tin tức về những vụ tấn công vào người châu Á ở Mỹ làm tăng lên mối lo lâu nay về tội phạm.
Trước đây, các quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu là những điểm đến phổ biến nhất với học sinh Trung Quốc, nhưng giờ, xu hướng đang thay đổi.
Thống kê trong "Báo cáo thường niên về sự phát triển của sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài (2020-2021)" do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa công bố tháng 3/2021, cho thấy, tỷ lệ du học sinh chọn đến Nhật Bản và Singapore tăng so với năm trước.
Christianen cũng đã quan sát xu hướng này, cho biết trước đây, học sinh quyết định khá sớm về việc đến Anh, Mỹ hoặc Canada, nhưng bây giờ họ đang nộp đơn đến Hong Kong và Singapore, và các đại học trong nước.
Zhang Yuxuan, học sinh lớp 8 ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, là tuýp học sinh có thể dễ dàng nhận được vào một trường hàng đầu của Mỹ. Yuxuan bắt đầu học tiếng Anh từ năm 4 tuổi và hiện là một thí sinh tranh biện tiếng Anh tích cực, từng chiến thắng một số giải đấu quốc gia.
Nhà vô địch tranh biện với thành tích học tập xuất sắc và ngoại ngữ ấn tượng thường được coi là ứng cử viên cạnh tranh cho một trường đại học ở nước ngoài. Nhưng Zhang hy vọng sẽ thi cao khảo và vào Đại học Thanh Hoa.
Zhang chia sẻ chưa bao giờ thực sự nghĩ đến việc ra nước ngoài.
"Bố mẹ nói rằng sẽ an toàn hơn cho em khi theo học tại một trường trong nước", Zhang nói.
Nữ sinh cho rằng giáo dục ở nước ngoài có thể bị đánh giá quá cao ở một mức độ nào đó. "Mọi người đánh giá dựa trên trí tưởng tượng của họ và hình thành ý tưởng về các trường học ở nước ngoài từ Internet. Nhưng khi sang đó, họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Có lẽ một trường trong nước tốt hơn cho chúng em", Zhang giải thích.
Trong khi nhiều học sinh lớp 12 ở Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị cho kỳ thi cao khảo năm nay, diễn ra vào tháng 6 (nhưng bị hoãn sang tháng 7 ở Thượng Hải do đại dịch), các học sinh muốn du học đã nhận được thư mời và đưa ra quyết định của mình trước ngày 1/5.
Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là Nan khởi hành và bố mẹ em đang bận rộn chuẩn bị cho con gái. Là con một trong gia đình, Nan cảm thấy không thoải mái khi bố mẹ và người thân liên tục có những cuộc trò chuyện trước khi lên đường.
"Chuyên ngành của em chưa được quyết định. Em muốn khám phá đam mê của mình thông qua các khóa học và hoạt động khác nhau", Nan nói. "Cuộc sống ở đó có thể rất khác so với ở nhà. Mặc dù có thể mất một thời gian trước khi thích nghi, em vẫn mong được trải nghiệm một số nền văn hóa mới".
Bình Minh (Theo Sixth Tone)