Khi một ngôi sao đến quá gần hố đen, lực hấp dẫn cực lớn của hố đen sẽ xé toạc ngôi sao, ép vật chất thành những dải mỏng và hút về phía nó. Đây là một quá trình thực hỗn loạn, tạo ra một vụ nổ ánh sáng mãnh liệt được gọi là sự kiện gián đoạn thủy triều (TDE).
Kể từ lần phát hiện đầu tiên cách đây 4 thập kỷ, các nhà thiên văn học đã xác nhận khoảng 100 sự kiện hố đen nghiến ngấu ngôi sao, hầu hết bằng cách quét bầu trời để tìm ánh sáng khả kiến hoặc ánh sáng tia X phát ra từ TDE.
Khám phá mới rất đặc biệt: một phần vì là trường hợp hiếm hoi dựa vào sóng vô tuyến để xác nhận sự hiện diện của TDE, một phần vì nó được thực hiện bởi các học sinh trung học trong khuôn khổ một kỳ thực tập tại Đại học Harvard.
Cụ thể, trong lúc nghiên cứu kho dữ liệu cũ được thu thập vào những năm 1980 bởi hệ thống kính viễn vọng vô tuyến VLA tại Đài thiên văn Quốc gia Karl G. Jansky ở bang New Mexico, Mỹ, hai thanh thiếu niên Ginevra Zaccagnini và Jackson Codd từ một trường trung học ở bang Massachusetts đã nhận thấy một nguồn sáng có tên là J1533 + 2727 (được phát hiện vào giữa những năm 1990) đã mờ đi rõ rệt vào năm 2017.
Họ báo cáo phát hiện này với các nhà khoa học, những người sau đó đã sử dụng kính thiên văn vô tuyền 90 m tại Đài quan sát Green Bank ở bang West Virginia để thực hiện các quan sát bổ sung. Kết quả cho thấy J1533 + 2727 đã mờ đi hơn 500 lần so với lúc nó sáng nhất.
Phân tích sâu hơn về nguồn sáng gợi ý rằng nó có thể là TDE, gây ra bởi một hố đen siêu khối lượng cách Trái Đất 500 triệu năm ánh sáng khi nghiến ngấu một ngôi sao đi ngang qua.
"Đây là phát hiện đầu tiên về một TDE tiềm năng trong vũ trụ tương đối gần. Nó cho thấy các sự kiện gián đoạn thủy triều có thể phổ biến hơn chúng ta nghĩ trước đây", nhà thiên văn học Vikram Ravi tại Viện Công nghệ California cho biết.
Khám phá mới đã được trình bày tại cuộc họp lần thứ 239 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ vào hôm 10/1.
Đoàn Dương (Theo Space/Interesting Engineering)