Ảnh minh họa: Maxupdates. |
Trong buổi học tiếng Trung đầu tiên của các học sinh trường Institut de la Providence nước Bỉ, khi được hỏi lý do chọn học tiếng Trung, mỗi em có một câu trả lời khác nhau. Một em nói: “Vì đó là một nước lớn”. Em khác lại kể: “Em đã từng đến Trung Quốc và muốn trở lại đó”.
Lớp học với chừng hơn hai chục học sinh là một phần của dự án thí điểm được tiến hành từ mùa thu này tại chín trường tại Bỉ nhằm khuyến khích việc học tiếng Trung. Trên cả châu Âu thì đã có tới hàng trăm nghìn học sinh chọn học tiếng Trung Quốc thay vì các ngoại ngữ thường được dạy trước đây như tiếng Tây Ban Nha hay Đức.
Hiệu trưởng Olaf Mertens của trường tuyên bố: “Dù thế nào thì Trung Quốc vẫn là tương lai. Có tới hơn một tỷ người đang sống ở Trung Quốc, các em học sinh chắc chắn sẽ phải làm quen với ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc”.
Với việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, các lớp học tiếng Trung dần dần phổ biến hơn tại châu Âu và Mỹ, trong khi 10 hay 15 năm trước thì những lớp học này rất hiếm.
Vào năm 1997, chỉ khoảng một trên 300 trường tiểu học tại Mỹ dạy tiếng Trung, tới năm 2008, con số này đã lên tới 30. Tại Anh, khoảng một phần sáu các trường học có các lớp tiếng Trung với những hình thức khác nhau.
Từ vị trí là một thứ tiếng không mấy được để ý 15 năm trước đây, Trung Quốc đã trở thành ngoại ngữ quan trọng thứ tư ở Mỹ sau tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Đức và với xu hướng hiện tại thì sẽ vượt qua tiếng Đức vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên tại mỗi nước, việc phổ biến dạy tiếng Trung cũng có tốc độ phát triển khác nhau, nguyên nhân là do nhu cầu của các học sinh – hay đúng hơn là của các phụ huynh – nhưng thường là vì chính phủ còn áp đặt các chương trình giảng dạy một cách khá cứng nhắc.
Xinsheng Zhang, giám đốc của trung tâm ngôn ngữ tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại London, nhận xét: “Tại một số nước như Pháp, nhu cầu học tiếng Trung Quốc một phần có thể được giải thích là do mối quan tâm từ xưa tới văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên sự gia tăng nhanh chóng tại những quốc gia như Anh chủ yếu là vì những lý do thực dụng liên quan tới vai trò mới của Trung Quốc trên trường quốc tế”. Theo ông, suy nghĩ cho rằng biết tiếng Trung Quốc sẽ là một lợi thế quan trọng trên thị trường lao động trong tương lai đang khiến nhu cầu tăng.
Cả ở châu Âu và Mỹ, mối quan tâm tới việc học tiếng Trung không đồng đều giữa các khu vực. Những vùng giàu có và đông dân hơn thường có nhu cầu cao hơn: như California hay New York là cao nhất tại Mỹ, một phần bởi ở đây có lượng dân nhập cư đông đảo. Ngược lại, những nước châu Âu như Italy và Tây Ban Nha tỏ ra thờ ơ hơn so với các nước Bắc Âu.
Vào tháng 7 năm nay, Bộ trưởng giáo dục Thụy Điển Jan Björklund đã đưa ra đề xuất đưa lớp học tiếng Trung vào mỗi trường học tại nước này. Theo ông, ngôn ngữ này sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều về mặt kinh tế so với tiếng Pháp hay Tây Ban Nha. Tuy nhiên ý tưởng trên đã bị bỏ qua do tại Thụy Điển hiện còn có quá ít giáo viên.
Một số ý kiến cũng lo ngại rằng việc học tiếng Trung ngày một nhiều liệu có chịu ảnh hưởng quá lớn từ những thành quả kinh tế mới đây của nước này hay không. Bởi như vậy sẽ có nguy cơ mối quan tâm này sẽ giảm xuống một khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đi xuống.
“Điều này cũng giống như trường hợp của tiếng Nhật những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90”, Keith Cothrun, giám đốc ngôn ngữ và văn hóa thế giới của Ủy ban Đại học Mỹ, nhận xét. “Nhật Bản cũng từng có mức tăng trưởng như vậy, tôi nghĩ đây là lý do tại sao xã hội Mỹ lại quan tâm tới việc học tiếng Trung Quốc”. Nhưng tiếng Nhật hiện đã gần như biến mất trong các chương trình đào tạo trung học và bị chính tiếng Trung thay thế.
Một yếu tố quan trọng khác là sự hỗ trợ tài chính của chính phủ Trung Quốc. Nước này gần đây đã tăng cường hoạt động của các Viện Khổng Tử, là mạng lưới các cơ sở ngoại giao văn hóa với nhiệm vụ đẩy mạnh phổ biến văn hóa Trung Quốc trên toàn cầu. Theo bà Nancy Rhodes, giám đốc đào tạo ngoại ngữ của Trung tâm Ngôn ngữ Ứng dụng tại Mỹ thì “chính phủ Trung Quốc hiện hỗ trợ rất nhiều cho việc giảng dạy tiếng Trung tại Mỹ và điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn”.
Lớp học tiếng Trung tại trường trung học Providence ở Bỉ cũng được chính phủ Trung Quốc tài trợ, thông qua một thỏa thuận hợp tác giữa đại sứ quán nước này và chính quyền địa phương của Bỉ.
Hiệu trưởng Mertens cho rằng học sinh sẽ không tiến xa hơn việc nắm kiến thức cơ bản của thứ tiếng vốn được coi là rất khó học này chứ đừng nói đến việc sử dụng thành thạo. Nhưng chừng nào các em học được điều gì đó về văn hóa Trung Quốc thì cũng là có ích. “Hiểu biết về đất nước Trung Quốc là điều cần thiết trong thời buổi này”.
Hải Anh (theo Finacial Times)