Các em nhỏ mặc đồng phục bước đi trên đống đổ nát tới lớp học tạm làm từ tre hoặc trong những khu lều dựng trên sân chơi. Trận động đất hôm 25/4 đã hủy hoại nghiêm trọng trường của chúng.
Sahaj Shrestha, 8 tuổi, bám chặt lấy cha khi hai cha con cùng tới cổng trường Madan Smarak ở thung lũng Kathmandu. Mina Shrestha, mẹ của Sahaj, cho biết kể từ khi động đất phá hủy nhà khiến họ phải sống trong lều, con trai cô lúc nào cũng sợ hãi nếu không có bố mẹ ở cạnh, ngay cả khi đi vệ sinh.
"Các cơn dư chấn vẫn tiếp tục. Tôi rất lo khi cho con đi học lại", AFP dẫn lời chị Mina cho biết. "Nhưng các thầy cô giáo đảm bảo với chúng tôi rằng nơi đây an toàn, và ít nhất tinh thần của thằng bé sẽ thoải mái khi gặp bạn bè", Mina nói.
Các phòng học làm từ tre được dựng lên trên sân đá bóng của trường. Một vài lớp diễn ra trong nhiều tòa nhà đã được kỹ sư kiểm tra và đánh dấu "an toàn". Giáo viên ngồi cùng các em nhỏ khi chúng vẽ hoặc vui đùa.
"Chúng cháu đã ở nhà quá lâu và thật vui khi được chơi đùa ở đây, gặp lại bạn bè", bé Muskan Bajracharya, 9 tuổi, chia sẻ.
Ở các lớp lớn hơn, học sinh được khuyến khích chuyện trò về động đất hoặc tâm sự về những gì đã xảy ra với gia đình mình.
"Chúng tôi không tổ chức bất kỳ lớp học chính thức nào. Trường huấn luyện giáo viên giúp học sinh vượt qua chấn thương của thảm họa", hiệu trưởng Govinda Poudel cho hay.
Ông Yubraj Adhikari, ở ủy ban quốc tế thuộc hội Chữ thập đỏ, cho biết các thầy cô giáo phải chú ý tới bất kỳ sự thay đổi nào về hành vi của trẻ.
"Trẻ hành động khác biệt sau những gì đã trải qua như vậy là bình thường, tuy nhiên chúng ta vẫn phải lưu ý tới chấn thương dài lâu ở các em", ông Yubraj nói.
"Giáo dục không thể chờ đợi"
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter làm hư hại gần 8.000 ngôi trường. Thảm họa xảy ra vào trưa thứ bảy khi các trường đều được nghỉ.
"Tôi thậm chí không muốn tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu hôm đó là ngày đi học", Sakuntala Bhlon, phụ huynh 37 tuổi có hai con đang học lớp 5 và lớp 8, cho hay.
Việc các trường mở cửa lại được ấn định vào ngày 17/5, tuy nhiên chương trình bị hoãn lại sau trận động đất thứ hai mạnh 7,4 độ Richter xảy ra hôm 12/5. Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc cảnh báo thảm họa này có thể thay đổi những tiến bộ Nepal đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục hơn 25 năm qua, đó là tỷ lệ trẻ đăng ký học tiểu học tăng từ 64 % đến hơn 95 %.
"Trẻ càng ở nhà lâu càng khó cho chúng trở lại trường. Giáo dục không thể chờ đợi", AFP dẫn lời đại diện UNICEF ở Nepal, Tomoo Hozumi, nói.
Nhiều trường đã sẵn sàng hoạt động trở lại, tuy nhiên, một số trường vẫn chưa do lo ngại về sự an toàn và không có không gian cho các em học.
"Tôi không thể mở cửa trường lại bây giờ. Sân trường chất đầy gạch vữa và chúng tôi không có không gian mở", Lila Nanda Upadhyay, hiệu trưởng trường quốc tế Rupak Memorial ở thung lũng Kathmandu, nói.
Giới chức ngành giáo dục Nepal cho rằng giáo dục là một phần quan trọng của sự phục hồi và cần phải bắt đầu quá trình này.
Bình Minh