Từ đầu tháng 3, Phương Uyên với hai người bạn cùng học nhóm tại nhà, mỗi tuần ba buổi. Mỗi buổi học chừng 2-3 tiếng, nhóm chủ yếu giải đề tham khảo THPT quốc gia và đề nâng cao. Đến tối, các em lại tập hợp một lần nữa, gọi video để trao đổi bài khó hoặc chưa có đáp án thống nhất.
Chọn tổ hợp khối B (Toán, Hóa, Sinh) để vào đại học từ hè năm ngoái, ôn luyện thi sớm nên nhóm Uyên đã nắm hết chương trình lớp 12 ở ba môn. Hàng ngày, thầy cô vẫn gửi bài tập qua Zalo, email cho lớp ôn tập và dặn học trò theo dõi chương trình dạy học của tỉnh trên truyền hình. Điều nữ sinh lo nhất lúc này là cấu trúc, độ khó của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
"Vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ công bố đề thi minh họa, không rõ khó dễ thế nào. Nếu khác năm trước, chúng em lại phải chuyển cách học cho phù hợp", Uyên nói.
Tại Hà Nội, Mai Anh (lớp 12 trường THPT Chu Văn An) cũng mong ngóng nội dung tinh giản chương trình và đề minh họa thi THPT quốc gia từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để định hướng lại phần kiến thức nào cần ôn chuyên sâu. Hiện, em vẫn học và ôn luyện theo đề thi mọi năm.
Dự định sử dụng ba môn Toán, Anh, Hóa (tổ hợp D07) để xét tuyển đại học, Mai Anh đã dành nhiều thời gian cho ba môn này. Từ học kỳ I, ngoài 5 ngày học ở trường mỗi tuần, trong đó có 3 ngày học hai buổi và hai ngày học một buổi, Mai Anh còn học thêm ở hai trung tâm khác với lịch học 4 buổi mỗi tuần (hai buổi Toán, một Hóa và một tiếng Anh).
Hai tháng nghỉ chống dịch, Mai Anh chuyển sang hình thức học online, học trên truyền hình với thời lượng 3 tiết mỗi ngày, mỗi tiết 25 phút. Theo nữ sinh, 25 phút mỗi tiết là hơi ngắn so với tiết học 45 phút như ở lớp, nhất là đối với môn Văn nên việc tiếp thu kiến thức có phần khó hơn. Tuy nhiên, học trên truyền hình và online là giải pháp tốt nhất lúc này. Vì vậy, Mai Anh vẫn giữ thói quen học hàng ngày và cố gắng thu nạp kiến thức nhiều nhất có thể.
Thời lượng học với thầy cô ít hơn hẳn so với học kỳ I nhưng Mai Anh lại vui vì thời gian tự học tăng lên. "Em không bị ảnh hưởng tinh thần nhiều khi tự học ở nhà. Điều lo lắng duy nhất là việc thi muộn hơn sẽ khiến thời gian đổi nguyện vọng và nhập học rút ngắn hơn", Mai Anh nói.
Tại Phú Thọ, sau một tháng nghỉ phòng dịch, học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 2/3. Đào Thu Hương (lớp 12 trường THPT Thanh Thủy) không quá lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra. Dự định thi Toán, Văn, Anh và tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục và Công dân) với tổ hợp xét tuyển D01 (Toán, Văn, Anh), Hương còn nhận định một tháng được nghỉ em tự ôn luyện được nhiều đề hơn so với đi học bình thường.
Hương cho biết với những học sinh lớp 12 như em, kiến thức cơ bản gần như đã nắm được. Điều quan trọng ở giai đoạn này là ôn tập, luyện thật nhiều dạng bài. Với luyện đề, dù nghỉ hay đi học, thầy cô vẫn có thể giao, chữa bài và phản hồi với học sinh. Như đợt em nghỉ một tháng, thầy cô giao bài qua email, học sinh in ra hoặc làm trực tiếp trên máy rồi gửi lại để thầy cô chấm và nhận xét.
Hương tự tin sẽ ôn tập kịp bởi kỳ thi lùi đến 8-11/8. "Em chỉ mong Covid-19 sớm được đẩy lùi, thời tiết những tháng tới không quá nóng nực để chúng em không bị ảnh hưởng sức khỏe, có thể an tâm học tập hơn", Hương nói.
Năm học 2019-2020, học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Hầu hết học sinh ở các địa phương đã nghỉ hai tuần và có thể nghỉ kéo dài hơn nữa. Riêng học sinh THPT ở khoảng 30 tỉnh, thành đi học từ 2/3. Tuy nhiên, trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, một số nơi lại cho các em nghỉ dù đã đến trường trở lại được 1-2 tuần.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm hơn nửa tháng so với điều chỉnh trước đó.
Đến trưa 27/3, Covid-19 xuất hiện tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần hơn 532.000 người nhiễm bệnh, trong đó hơn 24.000 người chết. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh tăng lên 153, chưa ai tử vong.