Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các tỉnh thành ngày 13/3, kế hoạch năm học 2019-2020 tiếp tục được điều chỉnh do Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
"Dựa trên khung thời gian mới này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành sẽ chủ động quyết định thời điểm cho học sinh đi học trở lại, đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương", công văn của Bộ nêu rõ.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ, dạy qua Internet, truyền hình; tổ chức ôn tập, kiểm tra công nhận kết quả học tập theo hình thức này khi học sinh đi học trở lại.
Trong công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đề cập mốc hoàn thành tuyển sinh lớp 10. Thông thường kỳ tuyển sinh này diễn ra vào đầu tháng 6, công bố điểm chuẩn vào giữa tháng 6 và đến giữa tháng 7 là hoàn thành. Với việc lùi thời điểm kết thúc năm học một tháng rưỡi, các mốc tuyển sinh lớp 10 có thể lùi tương ứng, tức phải đến đầu tháng 9 mới hoàn tất.
Do kỳ thi THPT quốc gia tổ chức muộn một tháng rưỡi, nếu như tiến độ mọi năm, phải đến cuối tháng 8 khoảng 900.000 thí sinh mới biết điểm và cuối tháng 9 mới biết đỗ hay trượt đại học. Như vậy, các tân sinh viên đại học năm 2020-2021 sẽ phải nhập học muộn hơn ít nhất một tháng, khoảng tháng 10-11.
Bộ Giáo dục và Đào tạo từng điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 30/6; tuyển sinh lớp 10 trước 15/8; thi THPT quốc gia 23-26/7, chậm hơn một tháng so với mọi năm.
Một tuần qua, Việt Nam ghi nhận thêm 28 ca nhiễm nCoV, các địa phương tiếp tục kéo dài kỳ nghỉ của học sinh, phổ biến đến hết tháng 3, thậm chí TP HCM cho nghỉ đến 5/4. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục điều chỉnh khung thời gian năm học cho phù hợp.
Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 22 triệu học sinh các cấp. Sau Tết Canh Tý, học sinh liên tục nghỉ học. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước được nghỉ học kéo dài do dịch bệnh truyền nhiễm.