Tôi xin nói về nền giáo dục trung học ở Úc mà tôi đã từng được trải nghiệm. Từ lớp 10, ngoài những môn bắt buộc như Toán, tiếng Anh, Khoa học (có tính điểm), Thể thao (không tính điểm), học sinh được lựa chọn thêm một số môn mình muốn học, ví dụ như Tin học, Thiết kế, Nấu ăn, Mỹ thuật, Kịch nghệ...
Đến lớp 11, sau khi được thầy cô tư vấn, học sinh chọn 6 môn học tùy theo ngành nghề mình muốn học ở đại học (kết quả 6 môn chỉ cần đạt điểm chuẩn để lên lớp 12). Các trường đại học sẽ có những thông tin hướng dẫn các em chọn môn phù hợp với quy định xét tuyển ngành học của họ.
Đến lớp 12, học sinh bỏ một môn và chỉ còn phải học 5 môn. Năm môn này được tính điểm trong suốt năm học, kể cả điểm thi kiểm tra (trường ra đề) và thi cuối kỳ (tiểu bang ra đề).
Quy trình học lớp 11 và 12 này được gọi là học Chứng chỉ Trung Học (VCE ở tiểu bang Victoria, HSC ở New South Wales…). Như vậy, không gây quá nhiều áp lực cho học sinh khi phải tập trung dồn sức cho một kỳ thi chung.
Khoảng giữa học kì hai của lớp 12, học sinh vào website của Ủy ban xét tuyển đại học ở nơi mình đang sống để đăng ký các nguyện vọng xếp theo thứ tự từ nguyện vọng một đến nguyện vọng 10.
Dựa trên điểm 5 môn học lớp 12, học sinh sẽ được xếp hạng (ATAR). Ví dụ, bạn nằm trong top 5% học sinh giỏi nhất năm đó bạn sẽ được 95 điểm ATAR. Việc này sẽ tạo ra sự công bằng và khách quan cho học sinh vì đề thi cuối kỳ năm nay có thể khó hoặc dễ hơn năm ngoái.
Số điểm trên sẽ được gửi cho các trường đại học mà học sinh đặt nguyện vọng để xét duyệt chỉ tiêu. Sau đó, trường sẽ gửi thư mời nhập học với học sinh đạt chỉ tiêu.
Dù biết rằng mỗi nước có mỗi hoàn cảnh khác nhau và Việt Nam cũng không thể nào áp dụng hoàn toàn mô hình của nước khác nhưng cũng nên tham khảo mô hình của các nước tiên tiến khác để áp dụng những cái hay của họ. Nếu phải chọn một trong ba phương án do Bộ Giáo dục đưa ra tôi ủng hộ phương án một.
Ba phương án ra đề cho kỳ thi quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi đại học của Bộ Giáo dục: Phương án 1 là theo môn thi. 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa. Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội. Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Theo đó, sẽ có bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài. |
>> Xem thêm: Thực hiện kỳ thi 2 trong 1, Bộ GD sẽ tự tay bóp chết các trường ĐH-CĐ
Nguyễn
Chia sẻ bài viết của bạn giáo dục, tuyển sinh tại đây.