Việc bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ đại học của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 do không đáp ứng điều kiện quy định về đội ngũ giảng viên gây ra nhiều tranh cãi.
Tôi cho rằng, bộ GD-ĐT thay vì đưa ra nhiều quyết định mang tính chủ quan, nhất là buộc các trường phải phổ cập trình độ Tiến sĩ mà không màng đến tính đặc thù của ngành thì Bộ nên tìm mọi cách đưa ra các quy định tuyển sinh nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội đối với người học.
Đây mới chính là mong mỏi của xã hội, của sinh viên,nhất là các ngành sư phạm trước việc dừng tuyển sinh 207 ngành của Bộ GD-ĐT.
Tôi lấy ví dụ, theo thông tin của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năm 2013 có hơn 100.000 sinh viên đại học thất nghiệp. Nghĩa là số sinh viên này đã không đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của xã hội.
Vậy, thay vì đưa ra quy định về dừng tuyển sinh thông qua trình độ cơ hữu thì tôi mong mỏi bộ GD-ĐT trước hết nên hạn chế các trường tuyển sinh thông qua việc xác định các ngành đó có đem lại việc làm cho sinh viên khi ra trường hay không? Cần phải xác định nhu cầu, yêu cầu ngành đó của xã hội là như thế nào?
Tôi lấy ví dụ về ngành sư phạm. Năm 2013, chúng ta có trên 62 trường Đại học, Cao đẳng sư phạm trên cả nước. Nếu ngành Lịch sử mỗi năm cho ra 50 cử nhân thì cả nước sẽ có 3100 giáo viên.
Trong khi đó, cũng năm 2013, số trường THPT được thành lập mỗi năm là bao nhiêu? Số giáo viên về hưu là bao nhiêu? Tôi cầm chắc, ngành giáo dục sẽ không sử dụng hết 1/3 số giáo viên ra trường đó chứ chưa nói đến là sử dụng hết.
Việc tuyển sinh cứng nhắc hằng năm và mang tính đại trà như vậy đã dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm đi làm trái ngành, ngân sách nhà nước sử dụng hao phí nhưng không đem lại nguồn lực cho xã hội.
Nói không đâu xa, tỉ lệ cử nhân sư phạm Lịch sử (tương tự là Địa Lý, Văn học, Chính trị, Sinh học...) làm trái ngành được đào tạo qua các khóa ở trường ĐH Sư phạm, nơi tôi theo học, ngày một thấp...
Ví như khóa trước chúng tôi có 50% ra trường là giáo viên thì đến khóa tôi tính đến nay đã tròn một năm (2013) lại chỉ có 3/44 người là giáo viên hợp đồng ở trường THCS (thay vì THPT như đào tạo).
Số còn lại là thất nghiệp, làm công nhân, bán hàng, truyền thông... Nói một cách khác, hơn 90% đã không thể vận dụng kiến thức chuyên ngành để làm việc. Vậy khóa tiếp theo và tiếp theo nữa sẽ là bao nhiêu phần trăm có việc làm?
Do vậy, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên xét đến tính thực tiễn hơn khi đưa ra các quy định trong ngành. Cũng với việc ngừng tuyển sinh đối với các ngành, nhưng nếu Bộ GD-ĐT căn cứ yêu cầu, nhu cầu xã hội thì chắc chắn sẽ được dư luận và những người trong cuộc ủng hộ hơn.
Cụ thể, cũng với câu chuyện đào tạo thừa thãi trong ngành sư phạm nói trên, Bộ GD-ĐT nên bắt đầu đưa ra quy định ngừng tuyển sinh 80 đến 90% trường sư phạm trên cả nước đối với các ngành mà khi sinh viên ra trường phải đi làm trái ngành như Sư phạm Địa lý, Lịch sử, Chính trị, Văn học...
Khi làm điều này, không cần xét đến đó là thế mạnh, là ngành truyền thống của trường hay không mà điều cần xét là ngành sư phạm đó đào tạo ra có bao nhiêu sinh viên có việc làm, nếu dưới 60% thì lập tức dừng tuyển sinh.
Đồng thời, Bộ cần tính toán nguồn lực, nhu cầu, yêu cầu xã hội để đưa ra quyết định gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành mà xã hội đang cần như sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học theo từng thời điểm, giai đoạn.
Điều này sẽ giúp hạn chế sự phổ cập quá mức về số lượng và sự đi xuống quá mức về chất lượng đối với đội ngũ giáo viên tương lai.
Sau khi ngừng việc tuyển sinh đối với các ngành thừa thãi thì mới ra tiếp quy định về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu sau khi xem xét đặc thù từng ngành. Có như vậy thì mới dần đổi mới được nền giáo dục được.
Câu chuyện sinh viên sư phạm mong mỏi dừng tuyển sinh các ngành đào tạo quá thừa ở bộ GD-ĐT có lẽ là mong mỏi chung của các sinh viên, cử nhân các ngành khác, điển hình như ngành Tài chính ngân hàng.
>> Xem thêm: Dừng tuyển sinh 207 ngành Đại học từ năm 2014
Chia sẻ bài viết của bạn giáo dục, tuyển sinh tại đây.