Bảo Hân, học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Hà Đông, chia sẻ: "Lần đầu tiên tổ chức thi 4 môn năm 2019, học sinh đã thi Lịch sử. Em và các bạn vì thế không ai nghĩ năm nay lại thi vào môn này". Nữ sinh thậm chí đã gạch ngay tên môn Lịch sử ra khỏi những môn có thể được chọn khi Hà Nội công bố vẫn tổ chức thi bốn môn hồi giữa tháng 2.
Học thiên khoa học tự nhiên, ôn luyện môn Sinh để dự thi hệ chuyên, Hân từng cầu ước một là không phải thi môn thứ tư để có nhiều thời gian hơn tập trung cho ba môn Toán, Văn, Anh và môn chuyên, hai là rơi vào môn thế mạnh, cùng lắm thi Giáo dục công dân vì môn này thực tế, không phải ôn nhiều.
Đầu giờ chiều 12/3, nhận tin Lịch sử là môn thi thứ 4, sau các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, em có chút lo lắng. Trên Facebook bắt đầu xuất hiện các bài đăng đề thi năm 2019, bài chia sẻ phương pháp học Lịch sử, sách tham khảo, Hân cũng bị cuốn vào xem. Đọc đề trắc nghiệm không khó, lại nhận được thông tin nhà trường sẽ tăng tiết Lịch sử để giúp học sinh ôn tập, Hân cảm thấy yên tâm. Em chưa lên kế hoạch gì ngoài việc tập trung hơn trong tiết Lịch sử ở lớp.
"Mục tiêu của em vẫn là đỗ chuyên nên sẽ tiếp tục đi học thêm các buổi tối trong tuần, trừ chủ nhật. Em không có ý định học thêm Lịch sử nhưng cũng không thể quá lơ là môn này bởi nếu không làm tốt bài, trong trường hợp không đỗ chuyên, em sẽ không có cơ hội vào trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông như nguyện vọng", Hân nói. Ngôi trường THPT công lập không chuyên Hân kỳ vọng luôn nằm trong top 10 trường có điểm đầu vào cao nhất những năm gần đây.
Giống như Bảo Hân, Phạm Quang Anh, trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì, bất ngờ khi biết "Lịch sử lặp lại" ở kỳ thi vào lớp 10. Em đã nghĩ môn thứ tư có thể là là Lý, Hóa hoặc Sinh vì năm vừa qua có nhiều thông tin về Covid-19, khá liên quan đến những môn này.
"Nếu vào các môn tự nhiên trên, em sẽ áp lực hơn vì đòi hỏi tư duy, tính toán nhiều, câu hỏi đưa ra có thể là giải bài tập trong khi có nhiều dạng bài phải ôn", Quang Anh nói. Vì vậy, dù bất ngờ khi Lịch sử được chọn, em thấy nhẹ nhõm hơn. Điểm môn học này ở trường cũng thuộc diện khá, quanh mức 7,5, lại hứng thú với phần nội dung trong chương trình lớp 9, Quang Anh thậm chí còn nghĩ môn Sử có thể bù điểm cho các môn khác, giống như năm 2019.
Tập trung ôn tập Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh từ đầu năm học, Quang Anh vẫn dự định tiếp tục ôn chắc ba môn này bởi trong đó có Toán, Ngữ văn tính hệ số hai. Hiện, trường THCS Chu Văn An đã có kế hoạch tăng số tiết học Lịch sử lên 4-5 tiết một tuần để giúp học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức và luyện đề. Quang Anh cho rằng nếu tập trung ở những buổi ôn này, em sẽ không phải quá lo.
Phổ điểm môn Lịch sử ở kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2019.
Vừa đạt giải ba học sinh giỏi Lịch sử cấp thành phố, Vũ Thị Vân Anh, trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, nói: "Em bất ngờ xen lẫn vui mừng. Em cảm thấy may mắn vì môn học này là thế mạnh của mình".
Cũng vì Lịch sử là môn thế mạnh, Vân Anh cho biết sẽ vẫn ôn tập như bình thường, trong đó tập trung vào ba môn Toán, Văn, Anh với lịch học thêm hai môn Toán và Anh hai buổi một tuần. Riêng với môn Lịch sử, trường THCS Mỹ Đình 2 đã quyết định tăng số tiết một tuần từ 2 lên 4 (giảm tiết Lý và Hóa buổi chiều). Vân Anh không phải suy nghĩ nhiều về môn này.
Với kinh nghiệm học tập môn Lịch sử, Vân Anh cho rằng cần sử dụng tư duy thay vì học thuộc lòng. Em thường móc nối các sự kiện có liên quan để nhớ nhanh và lâu, ngoài ra không có cách học và ghi chép nào đặc biệt. Nữ sinh hy vọng môn thi này sẽ giúp em thêm cơ hội trúng tuyển vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) - một trong những trường top đầu thành phố.
Một nam sinh khác ở trường THCS Mỹ Đình 2 đánh giá Lịch sử là môn "khó" vì phải học thuộc nhiều trong khi em không thích việc này. Tuy nhiên, em không bị áp lực. Dự định đặt nguyện vọng vào ba trường, lần lượt là THPT Mỹ Đình, Xuân Phương và Đại Mỗ, trong đó trường Mỹ Đình chưa tuyển sinh các năm trước, hai trường còn lại lấy điểm không cao, nam sinh tự tin có thể trúng tuyển. "Quan trọng là không để mình bị áp lực", em nói.
Ngày 12/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo thí sinh thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2021 sẽ phải làm bốn bài thi, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Thí sinh làm bài Toán và Ngữ văn trong 120 phút, dưới hình thức tự luận. Nội dung chủ yếu thuộc chương trình lớp 9, đảm bảo bốn cấp độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Bài thi Ngoại ngữ và Lịch sử được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm, làm trong 60 phút, đảm bảo hai cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm Lịch sử + Điểm ưu tiên.
Sau vài chục năm chỉ tổ chức thi Toán, Ngữ văn, 2019 là năm học đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi 4 môn để xét tuyển vào lớp 10 công lập. Môn Lịch sử năm đó gây lo lắng cho học sinh và phụ huynh, do lo ngại học thuộc nhiều. Tuy nhiên, phổ điểm môn này đẹp nhất, điểm trung bình là 7,29. Trong gần 85.000 thí sinh dự thi, gần 9.300 em bị điểm dưới 5, hơn 32.600 được trên 8.