Ngày 12/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chọn môn thi thứ tư Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, được lựa chọn từ 6 môn Sinh học, Hóa học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Bài thi Lịch sử sẽ được ra dưới dạng trắc nghiệm, làm trong 60 phút. Nội dung chủ yếu thuộc chương trình lớp 9, đảm bảo hai cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
Như vậy, trong hai năm Hà Nội tổ chức thi bốn môn vào lớp 10 (2019 và 2021), Lịch sử được chọn là môn thứ tư. Ngoài môn này, thí sinh làm bài Toán và Ngữ văn trong 120 phút, dưới hình thức tự luận. Nội dung chủ yếu thuộc chương trình lớp 9, đảm bảo bốn cấp độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Môn Ngoại ngữ có hình thức và nội dung tương tự môn thứ tư, thí sinh được chọn một trong năm thứ tiếng gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Điểm xét tuyển được tính theo công thức:
Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm Lịch sử + Điểm ưu tiên.
Kỳ thi lớp 10 dự kiến diễn ra ngày 29-30/5 với sự tham gia của gần 91.000 học sinh. Trong đó, khoảng 62% được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% vào trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 8% tham gia học nghề.
So với mọi năm chỉ được đăng ký hai nguyện vọng vào trường THPT công lập, năm nay học sinh sẽ đăng ký ba. Các trường đăng ký được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó hai trường đặt nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký (mọi năm được thay đổi một lần).
Với những trường hợp hộ khẩu ở một nơi, nơi cư trú thực tế ở một nơi, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ tạo điều kiện để các em có thể đăng ký nguyện vọng 1 và 2 theo nơi cư trú thực tế.
Sau vài chục năm chỉ tổ chức thi Toán, Ngữ văn, 2019 là năm học đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi 4 môn để xét tuyển vào lớp 10 công lập. Môn Lịch sử năm đó gây lo lắng cho học sinh và phụ huynh, do lo ngại học thuộc nhiều. Tuy nhiên, phổ điểm môn này đẹp nhất, điểm trung bình là 7,29. Trong gần 85.000 thí sinh dự thi, gần 9.300 em bị điểm dưới 5, hơn 32.600 được trên 8.
Đến năm 2020, do tác động của Covid-19, học sinh phải học online 3 tháng, thành phố đã giảm bài thi thứ tư, đồng thời giảm tải kiến thức trong đề thi theo hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.